Bộ Tài chính: Không tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ thiệt hại cho quốc gia!
(Dân trí) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc nâng khung thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên 3.000-8.000 đồng/lít không tác động đến doanh nghiệp mà phải đến khi nâng mức thuế cụ thể mới có tác động. Nếu không tăng sẽ "gây thiệt hại cho quốc gia"
Không điều chỉnh thuế BVMT sẽ gây thiệt hại cho quốc gia?
Trao đổi với báo giới tại phiên họp báo của Bộ Tài chính diễn ra chiều nay (10/4), ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết, ngày 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc bổ sung dự án Luật Thuế BVMT (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 của Quốc hội. Nếu được UBTVQH đồng ý thì dự kiến luật này sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến, thảo luận và thông qua trong kỳ họp tháng 10/2017.
Ông Thi cho biết, Bộ Tài chính không chỉ đề xuất sửa đổi khung thuế suất BVMT đối với mặt hàng xăng dầu mà còn với cả nilon, dung dịch HCFC... những loại hàng hóa gây tác động xấu đến tầng ozon.
Nêu vấn đề “tại sao phải điều chỉnh khung thuế BVMT đối với xăng dầu?”, ông Thi nhấn mạnh, xăng dầu là sản phẩm chưa các chất hóa học gây ảnh hưởng xấu đến môi trường trên diện rộng. Theo đó, các nước trên thế giới cũng đã đưa xăng dầu vào diện thu thuế TTĐB, thuế BVMT nhằm mục đích bảo vệ môi trường với những tên gọi khác nhau (thuế năng lượng, thuế nhiên liệu…).
Hiện nay, xăng dầu thuộc đối tượng chịu thuế BVMT và khung thuế hiện hành là 1.000-4.000 đồng/lít và mức thuế hiện hành là 3.000 đồng/lít. Năm 2015, khi nâng mức thuế BVMT với xăng dầu tư 1.000 đồng lên 3.000 đồng cũng đã có nhiều tranh cãi, một số ý kiến cho rằng, việc tăng thuế như trên sẽ đánh vào người dân và tác động đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, sau khi phân tích diễn biến giá xăng dầu thế giới và so sánh mức giá xăng dầu của Việt Nam với các nước xung quanh, bộ này đánh giá, nếu như không điều chỉnh thì sẽ thiệt hại về lợi ích quốc gia. Cụ thể, các DN xăng đầu đã cùng với một số đối tác xuất khẩu nước ngoài đã rục rịch điều chỉnh giá xăng dầu.
Mức thuế BVMT với xăng dầu 3.000 đồng/lít hiện nay đã gần chạm mức tối đa trong khung thuế hiện hành, do đó, Bộ Tài chính đánh giá, trong trường hợp cần thiết để điều chỉnh mức thuế BVMT để phù hợp với chính sách phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ là rất khó.
Trong khi đó, thuế nhập khẩu thì lại bị cắt giảm theo thỏa thuận quốc tế, còn giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam lại thấp hơn các nước có chung đường biên giới và nhiều nước trong khu vực. Đây chính là lý do khiến Bộ Tài chính phải đề xuất điều chỉnh khung thuế BVMT với mặt hàng này.
Bác bỏ luận điểm “thu nhiều chi ít, chi không đúng mục đích”
Trên cơ sở tính toán tất cả những vấn đề nói trên, Bộ Tài chính đề nghị nâng khung thuế BVMT lên 3.000-8.000 đồng/lít và áp dụng trong một lộ trình dài. Bộ chỉ đề xuất khung còn mức điều chỉnh cụ thể phải do UBTVQH quyết định tùy vào từng thời kỳ kinh tế xã hội, sức chịu đựng của DN và người dân.
“Tôi khẳng định khung này chưa có tác động gì tới DN và cũng chưa tác động gì đến giá cả xăng dầu. Chỉ khi áp dụng mức cụ thể thì mới tác động đến giá cả và DN”, ông Thi nói.
Tại cuộc họp báo, đáp lại những dư luận cho rằng, nguồn thu thuế BVMT đang được sử dụng “không đúng mục đích”, “thu nhiều chi ít”, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nhấn mạnh, tỷ lệ chi 1% tổng thu ngân sách cho sự nghiệp BVMT chỉ là phần chi trực tiếp, chưa tính đến phần chi gián tiếp.
“Thuế BVMT thu theo Luật NSNN và thực hiện chi theo Luật NSNN chứ không nói là thu thuế BVMT chỉ dùng để chi cho BVMT. Chẳng hạn, khi chi cho các dự án lớn như chi cho các công trình xử lý nước thải, chi xây dựng các công trình, dự án giao thông thì đã gián tiếp BVMT”, ông Thi giải thích. Do đó, theo ông, “không thể nói thuế BVMT là thu nhiều chi ít, chi không đúng mục đích”.
Thuế BVMT là công cụ hiệu quả và khả thi trong bối cảnh NSNN khó khăn
Vị đại diện Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, không chỉ Việt Nam mà trong bối cảnh hiện tại, nhiều nước đã cải cách mạnh mẽ chính sách thuế theo hướng tăng dần tỷ trọng thu từ các sắc thuế gián thu (như thuế GTGT, thuế TTĐB, thuế BVMT…), giảm dần tỷ lệ thuế trực thu để cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư để đảm bảo thu bền vững.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã khuyến nghị các nước sử dụng các khoản thuế nội địa để thực hiện các chính sách cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, trước những diễn biến khó lường của giá dầu thế giới, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi giá dầu thế giới giảm và duy trì thấp thì nhiều nước đã phải nghiên cứu để điều chỉnh chính sách để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Để đảm bảo lợi ích quốc gia trong bối cảnh hội nhập và chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu thế giới suy giảm thì việc sử dụng các sắc thuế nội địa, trong đó sử dụng thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính hiệu quả và có tính khả thi.
Bích Diệp