Không gian Việt ấm cúng giữa lòng Tokyo
Nằm trên tầng ba một tòa nhà nhỏ cách nhà ga Ikebukuro 5 phút đi bộ, Saigon Restaurant được ví như một không gian Việt thu nhỏ giữa lòng thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Một quán ăn nhỏ bé và khiêm tốn nhưng đã trải qua gần 3 chục năm tuổi, từ cuối thập niên 1980 đến nay.
Qua ngần ấy năm, quán ăn Việt này vẫn mang trong mình cái vẻ mộc mạc, đơn giản nhưng cũng đầy sâu lắng qua bố cục không gian và những hương vị đậm đà bản sắc Việt mà nó mang đến cho các thực khách qua các món ăn. Sự trải nghiệm về ẩm thực Việt không chỉ là hương vị nguyên gốc của các món ăn đã đi vào huyền thoại như phở bò, phở gà, bánh xèo, nem cuốn Nam Bộ, bún bò Huế… mà các món ăn ấy còn mang trong mình hơi thở của thời gian, của những hoài niệm về một thời của những lớp người trước và sau chiến tranh. Đa số thực khách đến với quán ăn là những người Nhật yêu mến Việt Nam hay ban đầu, chỉ đơn giản là sự tò mò về hương vị khác lạ, để rồi sau đó lại đem lòng yêu mến món ăn Việt. Món ăn Việt mang trong nó cả triết lý về sự cân bằng âm - dương có lợi cho sức khỏe, điều mà người Nhật nào cũng quan tâm trong thời đại bùng nổ thức ăn nhanh nhiều chất béo như hiện nay.
Không chỉ bởi hương vị mà sự hòa quyện của không gian ấm cúng và âm nhạc đậm chất Việt Nam còn là yếu tố đã níu giữ những thực khách nào cần sự thư thái bên cạnh nhịp sống hối hả của Tokyo. Theo chị Akira: “Không khí ở quán ăn này cũng khá ấm cúng và mang đậm phong cách Việt Nam. Ví dụ như những cái chụp đèn ở đây chẳng hạn. Đó là hình ảnh cách điệu của những chiếc nón lá, tạo một không gian văn hóa đặc trưng Việt Nam, khá là ấn tượng. Rồi âm nhạc ở quán là những bài hát Việt. Vừa chậm rãi thưởng thức món ăn, vừa nghe nhạc Việt Nam, cảm giác gần gũi cứ như là mình đang ở Việt Nam vậy”.
Chị Keiko, một thực khách khác, cho biết lý do đến quán ăn là để thưởng thức những món ăn nguyên bản của Việt Nam. Chị nói: “Hai món tôi thích nhất ở đây là phở và nem cuốn. Và không chỉ có món ăn Việt mà tôi còn thích cả áo dài Việt Nam. Bạn tôi đã từng đến Việt Nam mua một chiếc, cứ mùa hè đến là cô ấy mặc. Trông đẹp lắm. Có lẽ, lúc nào đó tôi cũng sẽ sang Việt Nam mua một chiếc”.
Chủ quán là bà Abe Michiko, một người Nhật Bản có tình yêu đặc biệt đối với Việt Nam. Bà đã có những chia sẻ khá thú vị về lý do ra đời quán ăn này và lịch sử của chặng đường ẩm thực Việt đến với người dân “đất nước mặt trời mọc”. Theo bà, cách đây khoảng 30 năm, các quán ăn Việt ở Nhật Bản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và bà đã có ý tưởng mở một quán ăn có không khí ấm cũng như trong gia đình và mang đến cho họ những món ăn ngon, truyền tải đến những người Nhật chưa biết nhiều về Việt Nam rằng ở Việt Nam có những món ăn ngon như thế này. Bà Abe cho rằng món ăn Việt có nhiều nét giống với của Nhật, đó là chế biến gạo thành nhiều món ăn khác nhau. Đó là lý do khiến chúng rất hợp với khẩu vị của người Nhật. Hương vị của các món ăn cũng rất vừa phải, không quá gay gắt nên hầu như mọi lứa tuổi đều có thể ăn được. Bà cho biết hồi đầu khi mở quán, thực khách chủ yếu là thanh niên nhưng càng về sau hầu hết các lứa tuổi bao gồm cả người già, các cháu bé cũng đến quán để thưởng thức món ăn Việt Nam. Đầu bếp của quán đều là những người có tay nghề được tuyển chọn kỹ lưỡng từ Việt Nam sang.
Bà chia sẻ: “Lý do tôi chỉ tuyển chọn các đầu bếp từ Việt Nam sang là vì tôi muốn mang trọn vẹn hương vị và đặc trưng nguyên bản các món ăn Việt sang Nhật Bản. Tôi luôn tâm niệm một điều là làm sao để cho mọi người sau khi thưởng thức món ăn sẽ nở một nụ cười và có thể sẽ còn muốn quay lại quán thêm một lần nữa. Nhiều vị khách thưởng thức món ăn của quán xong thì nói rằng họ muốn sang Việt Nam du lịch để tìm hiểu về đất nước này. Đó thực sự là một thành công”.
Có lẽ, thành công lớn nhất mà các quán ăn như của bà Abe mang lại ở Nhật Bản chính là những món ngon của Việt Nam đã trở thành một phần cuộc sống của nước Nhật hiện đại. Đáng chú ý là món phở và nem cuốn. Món nem cuốn còn có tên gọi là harumaki trong tiếng Nhật và trở thành món hiện hữu thường xuyên ở xứ sở hoa anh đào. Thậm chí món ăn này đã trở thành món ăn xuất hiện ở các quán Sushi truyền thống và các nhà hàng Nhật Bản. Các thực khách thưởng thức harumaki có thể đã vô tình quên mất harumaki chính là một món ăn xuất xứ từ Việt Nam.
Khách đến với quán ăn Việt không chỉ là những người Nhật gắn bó với Việt Nam mà cả các vị khách nước ngoài. Hai Giáo sư Mỹ làm việc tại Nhật Bản tuy không biết nhiều về Việt Nam nhưng đã ấn tượng ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến quán. Giáo sư Mỹ Richard Logan, Khoa Văn học Đại học Bunkyo, cho biết: “Món ăn Việt Nam trông bên ngoài có vẻ giống món ăn Trung Quốc nhưng thực sự không hoàn toàn như vậy. Có vẻ như nó có đôi chút ảnh hưởng từ hương vị của món ăn Pháp. Ví dụ như món mỳ, phở chẳng hạn, thực sự là ngon, tôi thích món này. Tôi đã thử ăn các đồ cay nóng như kiểu này. Tôi không thích những món cay lắm nhưng món ăn Việt thì không quá cay nóng. Và vì vậy mà tôi thực sự thích ăn.
Cùng chung những giá trị Á Đông, người dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang ngày càng gắn bó khăng khít trên nhiều phương diện. Trong bối cảnh giao lưu và giao thoa văn hóa đang diễn ra mỗi lúc một mạnh mẽ giữa hai bên, các quán ăn Việt ở xứ sở mặt trời mọc đã lặng lẽ và âm thầm mang đến hương vị và cả những nét đặc trưng riêng có của văn hóa Việt Nam đến với các thực khách Nhật Bản và cả bạn bè năm châu.