Cầm cọ vẽ nỗi nhớ quê

Những cảm xúc mong đợi, nhớ nhung của một người con xa quê đã thôi thúc họa sĩ Bùi Thanh Thủy cầm cọ vẽ để sáng tác trở lại. Những bức tranh của chị trong hai năm sống ở California, Mỹ đã được giới thiệu tại triển lãm đầu tay Miên Du tại Việt Nam trong tháng 12 này.

Cầm cọ vẽ nỗi nhớ quê - 1

Họa sĩ Bùi Thanh Thủy.

Một điều dễ nhận thấy là hầu hết bức tranh ở triển lãm Miên Du đều có đề tài về nhà thờ Công giáo. Qua con mắt và đôi tay của nữ họa sĩ, mỗi nhà thờ hiện lên với một dáng vẻ rất khác nhau: huy hoàng, tươi sáng, trầm mặc, êm đềm...

Tuổi thơ sau nhà thờ

Những người quen biết họa sĩ Bùi Thanh Thủy hẳn sẽ không bất ngờ với sự lựa chọn đề tài này. Chị sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà sau nhà thờ Tin Lành ở Ngõ Trạm, Hà Nội và có ông nội là mục sư. “Tôi lớn lên trong một gia đình rất tin kính Chúa. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những ngày trước Lễ Giáng sinh. Lúc ấy, tôi được tập hát Thánh ca, tập kịch và học thuộc Kinh thánh để thi cùng các bạn trong nhà thờ. Vào đêm Giáng sinh, cả gia đình tôi cùng nhau đến nhà thờ dự lễ và sau đó quây quần liên hoan”, chị chia sẻ.

Có thể nói, hình ảnh nhà thờ đã gắn liền với cuộc sống của nữ họa sĩ Bùi Thanh Thủy. Dù đi đến bất cứ đâu, chị cũng để ý đến kiến trúc của những công trình này. Việc đến nhà thờ cầu nguyện vào mỗi sáng Chủ Nhật cũng trở thành nếp sinh hoạt của chị. “Khi khó khăn, tôi đến nhà thờ cầu nguyện để vượt qua. Khi thành đạt, tôi đến nhà thờ để cảm tạ về những thứ mà mình đạt được. Hình ảnh nhà thờ là một phần quan trọng trong cuộc sống tinh thần của tôi”.

Theo chị, con người vốn yếu đuối và bất toàn. Vì thế, tất cả chúng ta đều có một đức tin để bản thân vững vàng và được an ủi mỗi khi gặp phải sóng gió trên đường đời.

Nữ nghệ sĩ cho biết, kể từ khi trưởng thành, chị chưa từng sống ở ngôi nhà nào quá sáu tháng. Chị cũng thừa nhận mình là người thích di chuyển. Và sau mỗi chuyến đi như thế, những suy nghĩ, chiêm nghiệm của chị về cuộc đời lại thay đổi. Vì thế, chị cảm thấy từ “miên du” rất phù hợp với mình. Cái tên ấy cũng đã hé lộ phần nào những suy nghĩ của chị về cuộc sống. Với chị, cuộc sống như một dòng sông chẳng bao giờ đứng im. Nó luôn chuyển động, phiêu lãng, miên man, điều này trôi đi là điều khác lại tới, vui – buồn, được – mất luôn ở trong nhau.

Cảm hứng từ nỗi nhớ

Quyết định theo đuổi hội họa của họa sĩ Bùi Thanh Thủy có ảnh hưởng khá nhiều từ người mẹ - họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ. “Tất cả những việc mẹ làm để nuôi gia đình đều liên quan đến mỹ thuật, từ vẽ áp phích ở cơ quan cho đến vẽ bưu thiếp để thêm thu nhập cho gia đình... Ngay từ bé, tôi đã bị ảnh hưởng bởi những bức tranh ấy. Vì thế, khi học ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, tôi đã tìm ra cách tốt nhất để biểu lộ chính xác nhất những cảm xúc của mình”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học năm 1995, họa sĩ Bùi Thanh Thủy làm thiết kế thời trang, đồ họa, quảng cáo, dạy học... nhưng không thể tìm được công việc phù hợp nhất với mình. Năm 2013, chị cùng con gái sang Mỹ định cư. Cuộc sống xa nhà đã cho chị rất nhiều cảm hứng để cầm bút sáng tác và cho ra đời triển lãm đầu tay sau 20 năm theo nghề.

Trong khá nhiều bức tranh ở Miên Du có hình ảnh của một bé gái. Đó là nhân vật luôn thường trực trong tâm tưởng của chị Thủy. Cô bé ấy có khi vui, khi buồn, khi trầm lắng suy tư, khi nhìn về phương trời xa xăm như đang chờ đợi điều gì đó.

“Đó đều là những cung bậc cảm xúc mà những người sống xa quê hương thường trải qua. Tôi không tuyệt vọng, buồn khổ vì nhớ nhung, chờ đợi. Song, nỗi nhớ luôn thường trực trong đầu và thôi thúc tôi cầm bút để vẽ nên những suy nghĩ của mình”, nữ họa sĩ cho hay.

Tranh của họa sĩ Bùi Thanh Thủy được các họa sĩ đàn anh nhận xét là có tính triết lý và giàu chất văn học. Khi được hỏi về điều này, chị cười và cho rằng đó có lẽ là do ảnh hưởng từ gia đình. Bố của chị là nhà văn Bùi Bình Thi và anh trai là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. “Nhà tôi trước đây chẳng có gì ngoài sách. Mỗi khi bố mua được một cuốn tiểu thuyết mới nào là các thành viên trong gia đình tôi lại chuyền tay nhau đọc rồi bàn luận sôi nổi trong bữa cơm”.

Có lẽ vì thế, theo chị, những bức tranh này cũng bị ảnh hưởng bởi văn hóa đọc của gia đình...

Thủy không tạo hình bằng nét, chỉ bằng mảng. Cách vẽ run rẩy bằng vết bút chạy ngang, lướt nhanh, phóng khoáng, không cố gắng ngay cả khi mặt sơn chưa khô hẳn, để lại nguyên gợn sóng là một bút pháp có chút khác lạ. Những nhân vật trong tranh của chị thường được nhìn từ phía sau. Dường như họ cứ luôn bỏ đi đâu đấy, miên du đâu đấy, để lại những khoảng trống vu vơ sau lưng.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Theo Nguyễn Hoàng

Thế giới và Việt Nam