Giấc mơ của những đứa trẻ Raglai được tái hiện trong "Đóa hoa sương núi"
(Dân trí) - Ngày 31/1, cuốn sách "Đóa hoa sương núi" của tác giả Tâm An ra mắt tại Lễ hội Đường sách Tết Ất Tỵ 2025 (TPHCM), tái hiện câu chuyện về cuộc sống, ước mơ của những đứa trẻ đồng bào Raglai.
Tham dự buổi ra mắt sách của tác giả Tâm An có sự đồng hành và dẫn dắt của MC - nhà văn Đặng Thiên Phong, Tiến sĩ Lý luận Văn học Hà Thanh Vân.
Tâm An bộc bạch, lúc nào anh cũng đau đáu một niềm day dứt và gắn bó sâu sắc với những dải núi xanh, những người đồng bào Raglai.
Với tác phẩm đầu tay Lữ khách ven đường, Tâm An đã gây được tiếng vang lớn khi phát hành hơn 50.000 bản trong năm 2023 và 2024, tạo nên cơn sốt "chữa lành" trên mọi nền tảng từ Facebook đến TikTok.
Ra mắt Đóa hoa sương núi, tác giả Tâm An kỳ vọng có thể lan tỏa thông điệp nhân văn: Trao con chữ - nâng ước mơ cho những em bé miền núi đến toàn thể độc giả.
Cũng trong buổi ra mắt, nhà văn trẻ mang đến cho độc giả một bất ngờ thú vị khi trình chiếu MV và ca khúc chủ đề cùng tên được lấy cảm hứng từ cuốn sách Đóa hoa sương núi. Được biết, ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Thiện Thảo dành nhiều tâm huyết để hoàn thiện trước khi quay trở lại nước Mỹ xa xôi.
MV Đóa hoa sương núi tái hiện vẻ đẹp lấp lánh của những con suối nơi miền rừng xanh với những bóng dáng thoăn thoắt, nụ cười tinh nghịch của các em học sinh đồng bào Raglai.
Đề tài về miền núi, đồng bào thiểu số là một trong những chủ đề đa chiều để những người sáng tác khai thác. Thực sự hiếm hoi khi một cây bút trẻ như Tâm An dám dấn thân khai thác và bộc lộ trực diện đời sống của đồng bào trong các sáng tác đầu tay.
Với Đóa hoa sương núi, những cảnh vật, đồng bào Raglai được hiện lên đầy thân thương. Tác phẩm mở ra một bức tranh sinh động về đời sống vùng cao, nơi những nỗi lo âu, hy vọng và ước mơ của người dân bản địa được thể hiện rõ nét. Đặc biệt, những em nhỏ vùng cao trẻ thơ, mỏng manh, nhỏ nhắn nhưng lại mạnh mẽ vô cùng.
Tác phẩm lấy bối cảnh không gian trường học, cho thấy hành trình hình thành nhân cách của những đứa trẻ trong một môi trường đầy thử thách. Trên hành trình không hề dễ dàng ấy, tình thương, sự bảo ban, giáo dục tốt sẽ giúp nuôi dưỡng những điều tốt đẹp, những khát vọng chính đáng.
Đồng thời cho những đứa trẻ vùng cao sự lạc quan, mạnh mẽ, biết đối diện với thực tế khắc nghiệt để trưởng thành, phát triển khả năng tự lập, biết yêu thương và không ngừng mơ ước, thấu hiểu giá trị của sự sẻ chia cộng đồng.
Tác phẩm như một lời nhắc nhở, dù cuộc sống có khó khăn đến đâu, con người vẫn có thể sống với niềm tin, tình yêu thương.
Có thể thấy, hành trình sáng tác của Tâm An là một cuộc tìm kiếm bền bỉ, khai thác những chất liệu văn chương chân thành, gần gũi. Dù địa danh trong tác phẩm gắn liền với quê hương của tác giả, nhưng chính những cảm xúc, ước mơ của trẻ em vùng cao đã làm nên sức sống cho Đóa hoa sương núi.
Tác phẩm không viết về một cá nhân hay một nhóm người, mà viết về những đứa trẻ với khát vọng, ước mơ và sự sẻ chia giữa con người với con người. Qua đó, xóa nhòa mọi khoảng cách về dân tộc, địa lý.
Bên cạnh đó, yếu tố văn hóa, phong tục của người dân tộc Raglai, đời sống của người bản địa và những câu chuyện "thời sự" như giáo dục, cách ứng phó với thời tiết khó khăn ở địa hình vùng núi sẽ khiến độc giả hiểu và thêm yêu đất nước, con người Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, Tiến sĩ Lý luận Văn học Hà Thanh Vân cho biết: "Với Đóa hoa sương núi, đây là một tác phẩm mang tính giáo dục cao, đặc biệt phù hợp với nhiều độ tuổi. Các bạn trẻ tuổi teen, các em nhỏ hay người lớn đọc đều được vì đây là câu chuyện về lớp học, về giáo dục.
Trong tác phẩm này, tác giả Tâm An đã phát triển một ý từ Lữ khách ven đường - (tác phẩm bán rất chạy của Tâm An) và điều này cùng quan điểm sống của tôi: Cuộc đời chúng ta là một hành trình. Sẽ có những người đi cùng chúng ta chung một đoạn đường dài, có những người chỉ đi chung một đoạn đường ngắn.
Nhưng điều quan trọng là họ đã đi cùng chúng ta. Mọi cuộc hành trình dù dài hay ngắn đều đáng được ghi nhận, đáng để yêu thương, đáng được tôn vinh. Và những người đồng hành với chúng ta đều đáng được nâng niu, trân trọng".
Tiến sĩ Lý luận Văn học Hà Thanh Vân cũng bày tỏ sự ấn tượng với giọng văn giản dị, dễ hiểu, phù hợp với số đông của tác giả. "Tính hướng thiện, tình yêu thương được tác giả Tâm An thể hiện rõ qua từng câu chữ, trang sách. Đó là những ấn tượng mà tôi cảm nhận sau khi đọc Đóa hoa sương núi", bà Thanh Vân nói.