Sự "thiếu tôn trọng thế giới tự nhiên" gây ra đại dịch Covid-19?

Minh Khôi

(Dân trí) - Nhà linh trưởng học nổi tiếng kêu gọi mọi người tập trung phát triển một mối quan hệ mới, bền vững hơn với thế giới tự nhiên, bởi những đại dịch như Covid-19 có lẽ sẽ là "cái giá phải trả".

Sự thiếu tôn trọng thế giới tự nhiên gây ra đại dịch Covid-19? - 1

Jane Goodall. Ảnh: AFP

"Nhân loại đã tự chuốc lấy điều này (đại dịch Covid-19) bởi sự thiếu tôn trọng dành cho thế giới tự nhiên, buộc động vật phải sống lại gần con người hơn, khiến mầm bệnh dễ dàng chuyển hóa từ động vật sang người hơn", Jane Goodall, 83 tuổi, là một trong những nhà linh trưởng học nổi tiếng của nhân loại, cho biết.

Mặc dù nguồn gốc chính xác của loại virus mới gây ra Covid-19 vẫn chưa được tìm ra, nhưng các nhà khoa học tin rằng chúng có xuất xứ từ một loài động vật trước khi xâm nhập vào quần thể loài người, từ đó tạo ra một trong những đại dịch lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt.

Bình luận trên được Goodall đưa ra sau khi bà nhận Giải thưởng trị giá 1,5 triệu USD mang tên Templeton. Đây là giải thưởng nhằm vinh danh những người có công "khai thác sức mạnh của khoa học để khám phá những câu hỏi sâu sắc nhất về vũ trụ, cũng như vị trí và mục đích của con người".

Sự thiếu tôn trọng thế giới tự nhiên gây ra đại dịch Covid-19? - 2

Nhiều nhà tự nhiên học cho rằng Covid-19 là "cái giá phải trả" của con người vì sự thiếu tôn trọng dành cho thế giới tự nhiên.

Goodall cho biết bà muốn thu hút sự chú ý của con người đến một số vấn đề lớn mà thế giới phải đối mặt ngày nay, bao gồm lối sống không bền vững ở các nước phát triển và các hoạt động nông nghiệp có hại.

"Chúng ta có quan niệm điên rồ rằng chúng ta có thể phát triển kinh tế không giới hạn trên một hành tinh với tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và dân số ngày càng tăng, cũng như các loài gia súc", bà Goodall cho biết.

"Chúng ta phải tìm ra một loại hình tăng trưởng dân số bền vững, đặc biệt là vật nuôi", bà nhấn mạnh. "Nền nông nghiệp thương mại đang phá hủy các quần thể tự nhiên rộng lớn để trồng ngũ cốc, với mục đích nuôi hàng tỷ loài động vật trên Trái đất. Cùng với đó, rất nhiều nhiên liệu hóa thạch được sử dụng trong quá trình này."

Nói về đại dịch Covid-19, bà Goodall cho biết: "Hy vọng rằng đại dịch này đã đánh thức con người. Chúng ta phải phát triển một mối quan hệ mới với thế giới tự nhiên."

Nhà linh trưởng học 83 tuổi nhấn mạnh loài người bằng cách nào, phải tạo ra một nền kinh tế xanh hơn, bền vững hơn. "Chúng ta phải có một tư duy mới để tồn tại, trước những khủng hoảng do biến đổi khí hậu và mất mát tài nguyên thiên nhiên gây ra".

Sự thiếu tôn trọng thế giới tự nhiên gây ra đại dịch Covid-19? - 3

"Chúng ta phải phát triển một mối quan hệ mới với thế giới tự nhiên", Jane Goodall cho biết.

Jane Goodall được biết đến nhiều nhất nhờ đề tài nghiên cứu lâu năm về loài tinh tinh hoang dã ở Tanzania. Từ đó, bà mang đến nhiều góc nhìn làm thay đổi quan niệm về những loài động vật hoang dã, cũng như mối quan hệ của chúng với con người.

Trong hàng thập kỷ nghiên cứu, bà đã thực hiện một số khám phá mang tính cách mạng khi quan sát các loài động vật, bao gồm cả việc tinh tinh chế tạo và sử dụng các công cụ - một đặc điểm trước đây được cho là chỉ có ở con người.

Năm 1977, bà thành lập Viện Jane Goodall, một tổ chức bảo tồn hỗ trợ bảo vệ tinh tinh và thúc đẩy cuộc sống bền vững.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4