Sản xuất oxy trên Mặt Trăng đã nằm trong tầm tay con người?
(Dân trí) - Nghiên cứu mới có thể mở đường cho các chuyến thám hiểm tương lai trên Mặt Trăng trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn.
Một thử nghiệm gần đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ Johnson (JSC) của NASA đã đánh dấu bước tiến mới, khi lần đầu tiên sản xuất thành công oxy bằng cách sử dụng đất Mặt Trăng mô phỏng trong môi trường chân không.
Để quá trình này được thực hiện thành công, các kỹ sư của NASA phải dùng một buồng chân không hình cầu, rộng 4,6 mét, để chiếu một tia laser cường độ cao vào các regolith mô phỏng, hay bụi Mặt Trăng dạng bột.
Quá trình này được thực hiện nhằm mô phỏng ánh sáng Mặt Trời làm tan chảy các mẫu vật trong một quá trình được gọi là giảm nhiệt.
Nhờ duy trì áp suất không đổi trong lò phản ứng, khi đất Mặt Trăng mô phỏng được làm nóng, một lượng carbon monoxide được giải phóng từ nó, giúp quá trình phân tách oxy trở nên khả thi.
Aaron Paz, kỹ sư cấp cao tại JSC, đánh giá cao thành công này. Ông khẳng định: "Công nghệ này có khả năng tạo ra lượng oxy đáng kể mỗi năm trên bề mặt Mặt Trăng, từ đó cho phép sự hiện diện của con người tại đây và cũng đảm bảo cho nền kinh tế Mặt Trăng".
Anastasia Ford, kỹ sư NASA và là Giám đốc thử nghiệm tại JSC cho rằng thử nghiệm chứng tỏ sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật của NASA trong hành trình khám phá không gian. Bà cũng hé lộ một thử nghiệm thực tế sẽ được triển khai cùng các sứ mệnh Artemis sắp tới của NASA.
Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể tới sứ mệnh Artemis 3 dự kiến sẽ đưa các phi hành gia lần đầu tiên quay trở lại bề mặt Mặt Trăng sau hơn 50 năm.
Đối với các nhiệm vụ xa hơn thế, như đưa con người lên Sao Hỏa, cơ quan vũ trụ Mỹ đang có kế hoạch sử dụng nơi định cư lâu dài trên Mặt Trăng làm bước đệm.
Tại đó, việc khai thác thành công oxy từ đá Mặt Trăng có thể mang lại nhiều ứng dụng thiết thực, bao gồm sản xuất oxy để thở và thậm chí cả nhiên liệu được sử dụng trong tên lửa.