Người xưa dùng vải giấm để thay muối nấu ăn như thế nào?
(Dân trí) - Vải giấm, một loại gia vị độc đáo thời nhà Đường, không chỉ đơn thuần là phương tiện thay thế muối mà còn là minh chứng cho khả năng thích nghi và sáng tạo trong những hoàn cảnh khó khăn.
Muối vốn dĩ là một gia vị thiết yếu, không chỉ giúp bổ sung khoáng chất, mà còn làm tăng hương vị món ăn. Dẫu vậy vào thời kỳ nhà Đường, muối đã trở thành một loại tài nguyên quý hiếm trong quân sự, do nhiều lý do khác nhau.
Theo Sohu, vào trước thời nhà Đường, lương thực chủ yếu dựa vào ngô - loại thực phẩm có năng suất cao và dễ bảo quản. Nhưng khi chế độ ăn thay đổi, với bột mì, bánh ngọt, cá và các sản phẩm từ sữa trở thành khẩu phần ăn chính, sự phụ thuộc vào muối cũng từ đó mà bắt đầu.
Nguyên nhân là bởi khẩu phần ăn này nếu thiếu đi gia vị, sẽ khiến món ăn trở nên nhạt nhẽo, rất khó ăn. Muối, dù quan trọng, nhưng lại không dễ mang theo trong điều kiện hành quân khắc nghiệt.
Để khắc phục, binh lính nhà Đường đã kết hợp muối với một số thực phẩm như tương, dưa chua... để tăng khả năng bảo quản, hoặc chuyển sang sử dụng vải giấm - một loại vải được đun sôi với giấm, và thường có thêm muối.
Cách làm sáng tạo này cho phép họ chỉ cần thả miếng vải này vào nồi, là đã có thể cải thiện hương vị món ăn mà không cần mang theo nhiều chai lọ gia vị cồng kềnh.
Được biết, việc không mang muối trực tiếp trong quân đội thời nhà Đường không chỉ liên quan đến khâu hậu cần, mà còn phản ánh tư duy chiến đấu của triều đại này.
Theo Sohu, quân đội nhà Đường do chủ yếu phải đối phó với các tộc du mục như người Duy Ngô Nhĩ, nên đã phát triển các đơn vị kỵ binh cơ động.
Để duy trì tốc độ và tính linh hoạt, khẩu phần ăn của binh lính phải được tối giản và dễ vận chuyển. Vì lẽ đó, vải giấm với đặc tính nhẹ và dễ sử dụng, đã trở thành lựa chọn hoàn hảo.
Không chỉ vậy, những diễn biến lịch sử và chính sách thời nhà Đường cũng có tác động lớn đến việc sử dụng muối.
Theo đó, ban đầu, giá muối tương đối rẻ. Nhưng vào giữa và cuối thời nhà Đường, khi cuộc biến loạn mang tên Loạn An Sử nổ ra từ năm 755 đến năm 763, nó đã phá vỡ trật tự kinh tế, khiến muối trở thành nguồn thu quan trọng cho chính quyền.
Theo ghi chép từ sử sách, giá muối khi ấy tăng từ 10 xu mỗi đấu, lên 100 xu và sau đó đạt đỉnh 370 xu mỗi đấu. Cùng với đó, sản lượng muối giảm mạnh, khiến nhiều người dân không thể tiếp cận được loại gia vị này.
Đối với binh lính, việc sử dụng vải giấm thay muối dần trở thành giải pháp khả thi hơn, dù không thể so sánh về hương vị.