Loài rắn độc đáng sợ với cách di chuyển khác thường
(Dân trí) - Các loài rắn thường có kiểu trườn ngoằn ngòeo, tuy nhiên, có một loài rắn độc lại sở hữu cách di chuyển khác thường, với cơ thể giữ thẳng khi di chuyển.
Loài rắn độc với cách di chuyển khác thường
Rắn lục phì, còn có tên gọi lục phì châu Phi, Puff Adder, tên khoa học Bitis arietans, là một loài rắn độc thuộc họ rắn lục, được phân bố rộng khắp châu Phi, ngoại trừ các khu vực sa mạc và rừng nhiệt đới. Loài rắn này cũng được tìm thấy ở khu vực phía nam bán đảo Ả Rập.
Tên gọi của loài rắn này bắt nguồn từ việc chúng thường phát ra âm thanh phì phò để đe dọa kẻ thù trong trường hợp tự vệ hoặc bị kích động.
Rắn lục phì là loài rắn có thân hình mập mạp nhưng ngắn. Những cá thể trưởng thành thường dài từ 0,8 đến 1m và nặng từ 4,5 đến 7kg.
Loài rắn này có đầu hình tam giác, phân biệt rõ với cổ và thân. Chúng có lớp vảy màu tối, với các sắc màu từ nâu cát đến xám và nâu sẫm, tạo thành các hoa văn hình chữ U và V trên lưng. Vảy bụng của loài rắn này sáng hơn so với lớp vảy trên lưng.
Màu sắc của rắn lục phì giúp chúng có thể dễ dàng ẩn mình và ngụy trang dưới cát, cỏ khô hoặc các tảng đá. Rắn lục phì là loài rắn ngụy trang rất giỏi, giúp chúng tránh được kẻ thù cũng như ẩn nấp để săn mồi.
Một đặc điểm dễ nhận dạng của rắn lục phì đó là cách di chuyển của chúng. Thay vì trườn theo kiểu uốn mình ngoằn ngòeo như các loài rắn khác, lục phì lại di chuyển theo đường thẳng. Chúng sử dụng cơ bụng để đẩy người về phía trước.
Kiểu trườn của rắn lục phì kết hợp với các hoa văn trên cơ thể khiến chúng giống như đang đi đều bước mỗi khi di chuyển. Nhiều người còn so sánh rắn lục phì với hình ảnh của một con sâu khổng lồ.
Trong trường hợp gặp địa hình khó di chuyển, rắn lục phì châu Phi quay trở về cách di chuyển uốn mình như các loài rắn khác để giúp đẩy cơ thể về phía trước.
Rắn lục phì và cách săn mồi đầy kiên nhẫn
Khác với kiểu di chuyển theo đường thẳng, khi tự vệ hoặc khi săn mồi, rắn lục phì vẫn co mình lại để sẵn sàng tung ra cú mổ chết chóc. Dù có tốc độ di chuyển khá chậm chạp, rắn lục phì lại là một trong những loài rắn có tốc độ tung ra cú cắn nhanh nhất thế giới.
Rắn lục phì không đi săn hoặc rượt đuổi con mồi, thay vào đó, nó sẽ nằm yên một chỗ để ngụy trang và chờ đợi con mồi đến gần. Rắn lục phì có thể nằm yên và gần như bất động trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.
Nhờ màu sắc của lớp vảy và khả năng tiết ra một hóa chất làm bay mùi cơ thể, rắn lục phì gần như vô hình trong mắt của những loài động vật khác. Khi con mồi di chuyển đến gần, rắn lục phì sẽ lập tức tung ra cú đớp và tiêm nọc độc vào cơ thể những con mồi xấu số.
Rắn lục phì có lực cắn rất mạnh, có thể giết chết con mồi ngay sau khi cắn. Trong trường hợp cú cắn không đủ sức để tiêu diệt con mồi, nọc độc của rắn sẽ hoàn thành công việc này.
Thức ăn của rắn lục phì là các loài động vật có vú nhỏ, các loài gặm nhấm, thằn lằn, ếch, nhái và chim. Rắn lục phì có thể nhịn ăn trong cả tháng, do vậy chúng có thể kiên nhẫn và nằm yên để chờ đợi con mồi xuất hiện mà không phải tốn công đi săn.
Ở chiều hướng ngược lại, rắn lục phì bị săn đuổi bởi các loài thú ăn thịt lớn hơn như lửng mật, đại bàng hay các loài chim ăn thịt rắn khác. Chúng cũng có thể bị săn đuổi và ăn thịt bởi một số loài rắn hổ mang.
Rắn lục phì - Loài rắn độc đáng sợ tại châu Phi
Rắn lục phì có môi trường phân bố rộng và được tìm thấy ở khắp châu Phi, bao gồm cả những khu dân cư, khiến số trường hợp đụng độ giữa loài rắn này và con người cũng tăng cao.
Trong khi các loài rắn khác thường tìm cách lẩn trốn và hạn chế đụng độ với con người, rắn lục phì lại dựa vào khả năng ngụy trang của nó để ẩn mình, điều này khiến rắn lục phì vẫn nằm yên khi có người đến gần, dẫn đến nguy cơ con người bị rắn tấn công khi họ vô tình giẫm trúng hoặc khi rắn cảm thấy bị đe dọa.
Dù không phải là loài rắn độc nhất, rắn lục phì lại là loài gây ra số ca rắn độc cắn nhiều nhất châu Phi. Hiện nay đã có huyết thanh kháng nọc rắn lục phì, tuy nhiên, do điều kiện y tế và dân cư thưa thớt tại châu Phi, vẫn có nhiều trường hợp nạn nhân tử vong do bị loài rắn này cắn.
Rắn lục phì sở hữu nọc độc tế bào. Nạn nhân khi bị loài rắn này cắn trúng sẽ rất đau đớn, vết cắn bị sưng phù nghiêm trọng. Nếu không được cứu chữa kịp thời, vết thương sẽ bị hoại tử, dẫn đến nguy cơ bị mất chi.
Các trường hợp tử vong do rắn lục phì cắn không đơn thuần do nọc độc của loài rắn này gây ra, mà chủ yếu do tình trạng nhiễm trùng từ vết cắn vì không xử lý đúng cách hoặc không được chăm sóc y tế kịp thời.
Loài rắn đẻ trứng thai
Mùa giao phối của rắn lục phì châu Phi diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm.
Giống các loài rắn lục khác, rắn lục phì châu Phi là loài đẻ trứng thai (noãn thai sinh), nghĩa là trứng sau khi được thụ tinh vẫn nằm trong ống dẫn trứng của rắn mẹ cho đến khi nở thành rắn con và chui ra ngoài.
Hình thức sinh sản này khác với phương thức đẻ con ở chỗ không có kết nối nhau thai giữa mẹ và con và cơ thể của sinh vật mẹ không cung cấp trao đổi khí cho con non.
Rắn lục phì châu Phi cái sẽ sinh ra từ 20 đến 50 con non. Rắn non sẽ sống độc lập mà không được bố, mẹ chăm sóc. Con non sẽ trưởng thành về mặt sinh dục khi được 4 tuổi. Rắn lục phì châu Phi có độ tuổi trung bình khoảng 15 năm.