Vì sao năm nay không có ngày 30 Tết?
(Dân trí) - Chúng ta bước vào chu kỳ 8 năm không có ngày 30 Tết, và điều đó cho tới tận năm 2033 mới kết thúc.
Tết Nguyên Đán đang đến gần, nhiều người nhìn vào lịch mới phát hiện thấy điều bất ngờ: Năm nay không có ngày 30 Tết.
Đây không chỉ là ngoại lệ của riêng năm nay mà còn là một chuỗi 8 năm liên tiếp, từ 2025 đến 2032, không có ngày 30 tháng Chạp.
Lý giải khoa học
Như ta đã biết, âm lịch được xây dựng dựa trên chu kỳ vận hành của Mặt Trăng quanh Trái Đất.
Theo đó, mỗi tháng âm lịch kéo dài khoảng 29,53 ngày. Điều này khiến 1 tháng âm lịch có thể là 29 hoặc 30 ngày.
Quy ước xác định số ngày trong tháng là 29 hay 30 sẽ dựa trên việc quan sát và tính toán chính xác chu kỳ trăng non (đầu tháng) và chu kỳ trăng tròn (giữa tháng).
Hiện tượng "thiếu ngày 30 Tết" xảy ra khi điểm Sóc (hay thời điểm Mặt Trăng, Mặt Trời và Trái Đất thẳng hàng) rơi vào ngày 29 tháng Chạp, khiến tháng này chỉ có 29 ngày theo quy ước.
Sự dao động của điểm Sóc không theo chu kỳ cố định, do ảnh hưởng từ lực hấp dẫn của Mặt Trời, Trái Đất và các hành tinh khác lên Mặt Trăng.
Vì vậy, việc tháng Chạp có 29 hay 30 ngày vốn dĩ không tuân theo quy luật nhất định, và là điều chưa ai nắm bắt được.
Tại sao kéo dài liên tục 8 năm?
Chu kỳ 8 năm không có ngày 30 Tết xảy ra do sự trùng khớp giữa chu kỳ đối lệch (đặt thêm tháng nhuận trong mỗi 2-3 năm) và chu kỳ quay của Mặt Trăng.
Hiểu đơn giản rằng, trong khoảng thời gian này, không có năm nhuận rơi vào tháng Chạp, dẫn đến chu kỳ ngắn ngày liên tục.
Chu kỳ "thiếu ngày 30 Tết" gần nhất từng xảy ra là giai đoạn từ năm Bính Thân (2016) đến năm Canh Tý (2020). Những năm này đều không có tháng Chạp đủ.
Khái niệm tương tự đã được nhà thiên văn học Meton (người Hy Lạp) biết đến và giới thiệu vào khoảng năm 432 TCN, và ứng dụng để tính toán ngày lễ Phục Sinh. Người đời sau gọi đây là Chu kỳ Meton.