1. Dòng sự kiện:
  2. Giải thưởng VinFuture 2024

Con người có thể thức bao lâu mà không cần ngủ?

Minh Khôi

(Dân trí) - Mặc dù lập kỷ lục thế giới về thời gian thức, song Gardner đã trải qua rất nhiều tác dụng phụ đáng sợ khi duy trì trạng thái thức, bao gồm cả việc suy giảm nhận thức và cảm giác.

Con người có thể thức bao lâu mà không cần ngủ? - 1

Bạn có biết kỷ lục dài nhất về thời gian mà con người có thể duy trì ở trạng thái thức (cho đến lần ngủ tiếp theo)?

Đó là 264 tiếng 25 phút (hay 11 ngày 25 phút). Kỷ lục này được ghi nhận bởi anh chàng quốc tịch Mỹ có tên Randy Gardner khi mới 17 tuổi.

Hiện tại, gần như chưa có ai vượt qua kỷ lục này và được công nhận một cách rõ ràng.

Để làm được điều này, Randy Gardner không hề sử dụng bất kỳ đồ uống kích thích nào để giữ cho cơ thể tỉnh táo, như thuốc chống buồn ngủ, nước tăng lực, cà phê, trà...

Thay vào đó, sẽ có những người xung quanh hỗ trợ, giúp anh không rơi vào giấc ngủ. Tất nhiên là họ làm điều này theo mong muốn của Gardner.

Mặc dù lập kỷ lục thế giới, song hồ sơ của Gardner cho thấy anh đã trải qua rất nhiều tác dụng phụ đáng sợ khi duy trì trạng thái thức, bao gồm cả việc suy giảm nhận thức và cảm giác.

Khi thí nghiệm kết thúc, Gardner đã ngủ 14 tiếng liền trước khi thức dậy để đi vệ sinh, và cần nhiều ngày để duy trì lại trạng thái sinh hoạt bình thường.

Sự quan trọng của giấc ngủ

Con người có thể thức bao lâu mà không cần ngủ? - 2

Giống như việc ăn, uống, hay hít thở, giấc ngủ là một phần thiết yếu của cuộc sống của con người

Từng có các thí nghiệm trên động vật cho thấy một số loài như chuột có thể bị thiếu ngủ và chết trong vòng 1 tháng.

Đối với con người, ngay cả những người mắc bệnh di truyền hiếm gặp gây mất ngủ và mất khả năng ngủ có thể gặp số phận tương tự trong vòng 3 tháng.

Khi ai đó đang ngủ, có thể giống như họ đã "tắt mọi hoạt động". Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Bộ não và cơ thể vẫn đang hoạt động và làm những việc quan trọng trong khi bạn ngủ, như tổ chức các tế bào thần kinh, điều chỉnh hormone, sửa chữa tế bào và thải độc tố.

Hầu hết trẻ em ở độ tuổi đi học cần ngủ khoảng 8 đến 10 giờ. Thanh thiếu niên và người trưởng thành có thể đặt mục tiêu 9 giờ, nhưng một số người chỉ cần 7-8 giờ là đủ.

Cá biệt có một số người có thể luyện tập để giảm đáng kể thời gian ngủ mỗi ngày, xuống chỉ còn 30 phút.

Tuy nhiên vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy tác dụng có lợi cho sức khỏe của việc rút ngắn giấc ngủ xuống thấp như vậy.