Đại biểu TPHCM nêu "bài học xương máu" khi 20.000 người chết vì Covid-19

Quang Phong

(Dân trí) - Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, gần 20.000 người tử vong vì Covid-19 là mất mát quá nhiều. Đại biểu cho rằng, "bài học xương máu" là y tế cơ sở và hệ thống điều trị bị dịch bệnh làm "tan tác".

Phát biểu tại đầu cầu TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị có biện pháp phòng chống Covid-19 có hiệu quả hơn. Bởi theo đại biểu, gần 20.000 người tử vong vì Covid-19 là mất mát quá nhiều. Đó là chưa kể rất nhiều bệnh không được chăm sóc tốt về y tế dẫn đến có thể ra đi gián tiếp vì Covid-19.

Theo đại biểu đoàn TPHCM, nguy cơ lớn nhất của Covid-19 là chuyển trạng thái nặng và tử vong. Để sống chung với dịch chuyển sang khống chế tỷ lệ nhiễm giảm số ca chuyển nặng và tử vong. "Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là tại TPHCM, có những kinh nghiệm thực tế, không làm được nên dẫn tới hậu quả như vậy. Đó là bài học hết sức xương máu", bà Lan nói.

Đại biểu TPHCM nêu bài học xương máu khi 20.000 người chết vì Covid-19 - 1

Các y bác sĩ giành giật sự sống cho một người mắc Covid-19 ở TPHCM (Ảnh: Hải Long). 

Theo bà Lan, "bài học xương máu" đầu tiên đó là xem lại hệ thống y tế cơ sở. Vấn đề y tế cơ sở không chỉ vấn đề về tiền mà còn nhân lực, làm sao thu hút nhân lực có trình độ cao, có đủ hiểu biết để hoạt động cho tốt.

Vấn đề thứ hai bà Lan nêu ra đó là hệ thống điều trị. "Chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết. Chúng ta chỉ tập trung cấp cứu bệnh nhân mắc Covid-19", đại biểu Lan nêu.

Đại biểu đoàn TPHCM nhấn mạnh, tất cả những gì chúng ta đã phải trả giá trong thời gian vừa qua là hệ quả để lại của hệ thống y tế chưa đủ mạnh, bên cạnh lỗi của mỗi người, lỗi chủ quan còn có lỗi của chủ trương, chính sách.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, công tác chống dịch ở cơ sở thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế về y tế dự phòng, vừa yếu về đội ngũ, lại thiếu trang thiết bị. Đến nay, phần lớn trung tâm y tế huyện chưa có phòng xét nghiệm sinh học phân tử, nên việc xét nghiệm đều dồn về bệnh viện tỉnh.

"Điều này làm chậm trễ công tác xét nghiệm ca bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng chống dịch, khi dịch bùng phát. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực hơn nữa để đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh", đại biểu đoàn Bắc Giang nêu kiến nghị.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) cho rằng, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phòng chống dịch trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế như công tác dự báo tình hình dịch có lúc chưa sát với thực tiễn. Công tác chỉ đạo điều hành trong thời gian đầu đợt dịch lần thứ 4 có nơi còn lơ là, chủ quan, cứng nhắc, nhất là trong chỉ đạo các tình huống cụ thể và đột xuất. Hệ thống y tế còn bộc lộ yếu kém, nhất là y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra.

Bà Linh đề xuất, Chính phủ tập trung nguồn lực, đầu tư cho ngành y tế. Tăng cường năng lực của hệ thống y tế cơ sở nhằm thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho y tế cơ sở. Rà soát điều chỉnh các chính sách cho lực lượng tham gia lực lượng phòng chống dịch.