Bạn đọc viết:
Yêu thương và tự hào về con từ những điều giản dị nhất
(Dân trí) - Phụ huynh chúng ta tự hào và mơ ước điều gì ở các con? Câu trả lời thật dễ dàng: con học giỏi, ngoan ngoãn. Lũ trẻ con được nghỉ hè, tới nhà ai chơi cũng phải trả lời câu hỏi duy nhất: “Cháu đạt danh hiệu gì, có được giấy khen không?”.
Người lớn ngồi với nhau trong dịp hội hè, cỗ bàn thì nhất thiết phải hỏi han đến việc học của các con, chị thì rộn ràng khoe con cuối năm đạt toàn 10 đứng nhất lớp, anh thì hậm hực vì con lỡ bị điểm 8 môn Tin thế là con không đạt danh hiệu xuất sắc, chị thì buồn rầu khi con mình đi học chỉ toàn 7, 8 nhưng vướng điểm 5 môn tiếng Anh vậy là không được khen thưởng. Bao nhiêu hi vọng, trông chờ của cha mẹ đều dồn vào cuối năm học, vào tờ giấy khen như một điều kiện quan trọng khẳng định con giỏi giang, ngoan ngoãn.
Có khi nào cha mẹ giật mình về các con, khi các con lớn lên chỉ biết đến lý thuyết, sách vở mà hoàn toàn dửng dưng, thờ ơ vô cảm với ngay những người thân yêu ruột thịt trong gia đình?
Nhiều bậc phụ huynh ôm trọn công việc nhà để con chỉ việc yên tâm ngồi vào bàn học, con không phải động chân tay vào bất cứ việc gì. Lý do mà cha mẹ đưa ra là con còn nhỏ, thôi cứ để con học tập, vui chơi, chờ con lớn hẳn rồi mới giao việc nhà cho con làm.
Tôi từng được nghe chuyện chị bán tạp hóa kể, chị có hai cậu con trai đều đã đi làm nhưng chị vất vả như mẹ bỉm sữa vì con trai không biết làm việc nhà, chị cứ tất bật với việc làm ăn, hoa mắt với cả núi việc nhà từ cơm nước đến dọn dẹp, giặt giũ. Chị cười xòa thanh minh, lúc con bé thì muốn để con học, con lớn thì chúng bận đi làm, thôi mình cố gắng cho tròn trách nhiệm làm mẹ.
Phụ huynh thường khoe con với bảng điểm chót vót, giấy khen treo kín tường nhà chứ có mấy ai lại khoe con tôi biết đỡ đần cha mẹ việc nhà, biết nấu nướng dọn dẹp, biết trông em. Khoe con những thứ ấy thì ngượng lắm! Thế nên chỉ có những em học thật giỏi mới trở thành niềm hãnh diện vô biên của cha mẹ. Những em học hành làng nhàng, nghịch ngợm, đi học không cố nổi tờ giấy khen không mấy khi được cha mẹ nhắc tới, còn phải "lãnh đủ" những lời mắng mỏ, chửi bới thậm chí là no đòn vì ngu dốt. Tôi nghĩ, mỗi đứa trẻ đều có năng lực và cá tính riêng, rất cần được cha mẹ yêu thương, cổ vũ và động viên.
Sớm nay, tôi bất ngờ chứng kiến được hình ảnh cảm động ngay tại sân ga, nơi tôi làm việc. Chị công nhân môi trường và cậu con trai mặc bộ đồng phục học sinh đang kéo xe rác về nơi tập kết. Chị mới chuyển tới địa bàn thị trấn làm chừng nửa năm nay, tôi đã quen với dáng người đậm đà, gương mặt lúc nào cũng bịt kín mít khẩu trang - khăn trùm đầu, tay đeo găng tay bảo hộ. Khoảng 6 giờ sáng, chị đã lúi húi đẩy xe rác đi qua cửa kiểm soát. Chị thu dọn ở khu vực tập kết rác quanh khu vực ga chừng một tiếng. Xe rác lúc nào cũng cao ngất ngư vì đủ thứ rác thải sinh hoạt. Ai cũng phóng qua thật nhanh khi gặp chị đẩy xe rác bởi thứ mùi thập cẩm nồng nặc khó chịu.
Hôm nay chị không đi làm một mình mà có cả con trai đi cùng phụ giúp chị. Con trai mặc nguyên bộ đồng phục học sinh, thái độ vui vẻ khi làm cùng mẹ. Khi tàu khách đang dừng đón khách, tôi vội trò chuyện cùng chị và được biết cậu bé đang là học sinh lớp 8, vừa mới nghỉ hè nên mẹ dẫn đi cùng. Tôi lén quan sát cách cháu làm việc cùng mẹ. Cháu quét rác, mẹ hót rác đổ lên xe. Tôi hỏi chuyện về gia đình, chị kể chị làm công nhân môi trường, chồng chị lao động tự do.
Chị mải miết thu dọn rác vương vãi, giục con quét sạch khoảng sân bê tông, nơi tập kết xe rác. Nhưng trong ánh mắt của chị, tôi nhận thấy ánh lên niềm vui sướng, tự hào về cậu con trai. Tôi nghĩ, có lẽ niềm tự hào lớn nhất của chị chính là con trai thực sự biết thương yêu mẹ, sẵn sàng giúp đỡ mẹ những công việc lao động cực nhọc mà vẫn vui vẻ, không cáu kỉnh gắt gỏng.
Mấy cô bác đi làm nhìn cảnh cậu bé mặc đồng phục học sinh gò lưng đẩy xe rác cùng mẹ lên dốc thì tỏ vẻ thương xót "Tí tuổi đầu đã phải đẩy xe rác cùng mẹ, khổ thật". Có lẽ mọi người đã quen chuyện phục vụ con hết mức, bố mẹ đi làm hùng hục tối ngày nhưng con thì vô tư chơi dông dài, lướt mạng, chơi game, để mặc cửa nhà bề bộn, cơm không chịu nấu, bát không thèm rửa. Bố mẹ có nhờ làm chút việc là phụng phịu, kêu than, dằn dỗi. Vậy là nhiều cha mẹ xót con, tiện thể làm một lèo cho hết việc vì thương con cả năm đi học vất vả, có mấy ngày hè phải cho con nghỉ ngơi cho lại sức, nghỉ vài ngày chúng nó còn đi học thêm, học năng khiếu, đâu có rảnh mà làm việc nhà.
Có nhiều em 17, 18 tuổi vẫn không biết nấu cơm, đi chợ. Các em đòi hỏi cha mẹ phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu từ ăn mặc sành điệu, xe đẹp, điện thoại xịn để bằng bạn bằng bè. Nhiều phụ huynh than thở, mình làm việc nhà hoa mắt chóng mặt nhưng con đi học về là vứt cặp vào bàn, phóng đi chơi đến giờ cơm mới mò về, hễ làm tí việc nhà là như đánh vật. Có nhiều chuyện cười ra nước mắt như việc mẹ nhờ con gái quét nhà mà quét nửa tiếng chưa xong...
Chừng nào cha mẹ chỉ biết ca ngợi con bằng tờ giấy khen mà phớt lờ những hành động đẹp của con trong cuộc sống thường ngày, hẳn có lúc ân hận khi con càng lớn càng sống dửng dưng vô cảm, chỉ quen hưởng thụ vì nghĩ rằng mọi thứ đã có bố mẹ lo hết. Tôi nghĩ, phụ huynh chúng ta hãy yêu thương và tự hào về con từ những điều giản dị nhất. Thông điệp ấy, có mấy ai thực sự quan tâm?
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!