Ý kiến giáo viên: Nghỉ học thứ 7 có là niềm mơ ước xa vời?

(Dân trí) - Trước thềm năm học mới, rất nhiều người quan tâm tới đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không tổ chức dạy và học vào thứ 7 ở các cơ sở giáo dục phổ thông. Nhưng xem ra, điều này chỉ là niềm mơ ước xa vời của giáo viên và học sinh mà thôi!

Đặc biệt việc này càng “xa xỉ” hơn đối với các trường thuộc vùng nông thôn, ven biển nơi tôi đang công tác mà thôi. Vì sao ư?

Vì để có ngày thứ 7 thảnh thơi, không lo nghỉ đến việc dạy và học thì điều kiện tiên quyết đầu tiên là mỗi một ngôi trường đều đảm bảo về cơ sở vật chất để thực hiện 2 buổi/ngày. Khi trong 5 ngày đầu của tuần đảm bảo số lượng tiết học cũng như số lượng kiến thức cho học sinh thì ngày thứ 7 trở nên nhẹ tênh. Trong khi đó, ở hầu hết các trường học ở nông thôn chưa thực hiện được 2 buổi học/ngày nên để được nghỉ ngày thứ 7 là điều không tưởng.

Các hoạt động như sinh hoạt lớp, hoạt động ngoài giờ, các tiết lao động, các tiết ngoại khóa… của học sinh thường tập trung vào ngày thứ 7.

Dù cả tuần học tập mệt mỏi nhưng đến ngày thứ 7, các em học sinh buộc phải đến trường.

Về phía giáo viên, ở ngôi trường nơi tôi công tác hiếm khi có ngày thứ 7 nào được nghỉ vì lúc nào ban giám hiệu cùng với giáo viên cũng có việc để làm.

Công việc đầu tiên các giáo viên phải làm là cùng lớp chủ nhiệm tham gia các hoạt động của trường, của lớp, thậm chí của xã tổ chức. Nên ngay từ 7h sáng các giáo viên đã có mặt để tập trung học sinh và tham gia hoạt động cùng với các em. Sau 2 tiết hoạt động với lớp chủ nhiệm, giáo viên tiếp tục tham dự các chuyên đề cấp tổ, cấp trường (nếu có).

Còn nếu ngày thứ 7 nào không có chuyên đề thì giáo viên tiếp tục tham gia các cuộc họp như họp hội đồng, hay họp tổ hay chỉ đạo một lớp tham gia bất kì một hoạt động nào đó.

Ngoài ra, thứ 7 cũng là ngày mà giáo viên chủ nhiệm đi tìm hiểu, đến các gia đình học sinh để vận động các em đến trường trong vài trường hợp đặc biệt. Thứ 7 của giáo viên còn là những giờ dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu. Thứ 7 còn là lúc dạy bù chương trình cho đủ tiết (do nghỉ lễ, hay nghỉ do thời tiết mưa lũ…).

Công việc của ngày thứ 7 xem ra không nhẹ nhàng gì vì thế từ trước đến nay cả giáo viên và học sinh không dám mơ đến được nghỉ vào ngày thứ 7. Mà mơ ước nhỏ nhoi là mong được nghỉ sớm trong buổi sáng thứ 7 mà thôi.

Nhưng rồi thời gian này, đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc không tổ chức dạy và học vào thứ 7 ở các cơ sở giáo dục phổ thông khiến cô trò cũng như các phụ huynh dấy một niềm ao ước chính đáng.

Rất chính đáng vì các bậc cha mẹ nào cũng mong con em mình được nghỉ ngơi sau cả tuần học dài, kể cả học chính quy lẫn học thêm, hay học trong các đội tuyển học sinh giỏi của trường hoặc học ngoại khóa. Nếu toàn bộ các hoạt động học và các hoạt động ngoại khóa gói gọn trong 5 ngày học của một tuần, thì vào ngày thứ 7, gia đình có thể quây quần bên nhau. Tạm gác việc học sang một bên, các em có những giây phút dành trọn vẹn cho gia đình. Niềm vui đó sẽ là dư âm lây lan sang ngày chủ nhật tiếp theo. Như vậy, tình cảm gia đình sẽ thêm gắn bó. Mà gia đình là cội nguồn của hạnh phúc. Niềm ước ao của phụ huynh quả là đúng đắn.

Chưa kể, về phía giáo viên, đặc biệt những giáo viên trong độ tuổi có con nhỏ, họ cũng ao ước được nghỉ ngày thứ 7 để dành thời gian cho gia đình. Thứ 7 còn là ngày đa phần các bé mầm non được nghỉ học, ở nhà không ai trông giữ. Trong khi cả bố và mẹ làm nghề giáo phải đến trường. Có những buổi hội họp, bất đắc dĩ, giáo viên nữ phải mang theo con nhỏ vì không thể để con ở nhà một mình. Giáo viên sẵn sàng làm mọi công việc thậm chí hoàn thành công việc tốt là khác để sẵn sàng được nghỉ vào ngày thứ 7.

Nhưng xem ra, việc được nghỉ ngày thứ 7 hiện giờ chỉ là niềm mơ ước xa xôi mà thôi vì trước thềm năm học mới có rất nhiều công việc phải làm. Thôi thì mỗi một cá nhân hãy nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, cống hiến hết mình cho xã hội, biết đâu một ngày nào đó, “ngày thứ 7 được nghỉ” sẽ trở thành hiện thực.

Thanh Thanh

(Thừa Thiên Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm