Bạn đọc viết:
Xóa bỏ biên chế giáo dục: Tránh "bình mới, rượu cũ”
(Dân trí) - “Biên chế” hay “không biên chế” bản thân nó không quan trọng, mà chính cách vận hành hệ thống giáo dục mới chính là vấn đề cần đổi mới. Còn nếu chúng ta bỏ biên chế giáo dục, nhưng hệ thống giáo dục vẫn như cũ, vận hành như các quy định hiện tại thì chẳng khác gì “bình mới, rượu cũ” mà thôi.
Chủ trương thí điểm không còn viên chức giáo viên đang có nhiều ý kiến trái chiều, bởi cái gì mới cũng sẽ khó và chắc chắn ban đầu sẽ có người không đồng tình ngay, nhưng với cá nhân tôi cho rằng đây là hướng đi tích cực hướng tới cách vận hành hệ thống giáo dục mới.
Bởi lẽ bỏ biên chế, không còn viên chức giáo viên nó không chỉ nằm trong lộ trình cải cách hành chính của Chính phủ với mục tiêu là tạo động lực, nâng cao hiệu suất lao động, đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế đất nước, mà với ngành giáo dục nó còn tạo động lực mới cho giáo viên chủ động để nâng cao chất lượng giáo dục.
Hay nói một cách khác là cơ chế hợp đồng “có vào - có ra” đối với giáo viên là việc cần làm không chỉ nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh nhân sự trong giáo dục vốn đang bị “ì ạch”, mà chính cơ chế hợp đồng giáo viên được vận hành sẽ là yếu tố giúp người giáo viên sẽ được cảnh báo thường xuyên, biết tự tìm đường tự học, tự nâng cao trình độ, năng lực.
Nhất là khi mà ngày nay, giáo dục nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới. Việc dạy học về thực chất đã trở thành việc dạy cho người học biết cách học, biết cách tìm kiếm và sử dụng tri thức, qua đó mà phát triển các năng lực cần thiết để tồn tại và phát triển.
Vì vậy đòi hỏi ở mỗi giáo viên không chỉ là người giỏi về chuyên môn, mà còn phải là người có năng lực sư phạm, có hiểu biết sâu rộng và có khả năng cập nhật thông tin mới nhất trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng về khoa học, công nghệ; phải là người có khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi trong xã hội, phải ý thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm với học sinh; xác định đầy đủ các yêu cầu đặt ra đối với nhà giáo từ gia đình, từ xã hội, từ bản thân các em học sinh chứ không chỉ từ các quy định tiêu chuẩn của ngành.
Bên cạnh đó là những bất cập trong tuyển dụng giáo viên nhiều năm qua càng cho thấy chủ trương cắt giảm công chức, viên chức trong giáo viên, tăng chế độ hợp đồng là bước tiến lớn trong việc giao quyền tự chủ cho trường phổ thông…
Thực tế trong nhiều năm qua, đơn vị chịu trách nhiệm tuyển dụng giáo viên thường là ủy ban nhân dân huyện, phòng, hay các sở giáo dục và đào đạo đảm nhiệm. Cách thức là tuyển theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường ký hợp đồng.
Việc này dẫn đến hiện tượng “vênh” về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường. Có nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng tuyển không được vì không có biên chế trong nhiều năm. Nhiều người cho rằng, cái khó nhất trong việc tuyển giáo viên hiện nay chính là thực trạng “ba tăng, một thiếu” - trường tăng, lớp tăng, học sinh tăng, nhưng biên chế được giao cho địa phương không tăng thêm.
Vì thế theo tôi việc tiến hành giao quyền cho hiệu trưởng các trường phổ thông được chủ động trong tuyển dụng giáo viên không chỉ giúp nhà trường chủ động hơn về biên chế, con người và chất lượng giáo viên tuyển vào cũng như phân công chuyên môn.
Đội ngũ giáo viên được tuyển vào các trường cũng sẽ có chất lượng, đảm bảo đúng cơ cấu, kết quả tuyển dụng có ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục chung của nhà trường. Mặt khác nhà trường còn tìm được giáo viên cần có một số yêu cầu riêng theo đặc thù của trường như giới tính, năng khiếu…
Tất nhiên việc thay đổi phải thực hiện đồng bộ với cơ chế dân chủ, minh bạch và quan trọng là chế độ thu nhập cho giáo viên phải thay đổi thỏa đáng. Điều quan trọng nữa là cần phải xây dựng cơ chế kiểm soát lẫn nhau để không bộ phận nào quyền lực quá lớn hoặc thiếu kiểm soát sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, thiếu minh bạch và dân chủ. Bên cạnh đó cũng cần có chuẩn để đánh giá giáo viên, bằng thước đo tin cậy, ít cảm tính và công bằng để tránh không để hiệu trưởng trở thành “ông trời con”, tự tung tự tác, lộng quyền trù úp lên nhà giáo.
Nói tóm lại “biên chế” hay “không biên chế” bản thân nó không quan trọng, mà chính cách vận hành hệ thống giáo dục mới chính là vấn đề cần đổi mới. Còn nếu chúng ta bỏ biên chế giáo dục, nhưng hệ thống giáo dục vẫn như cũ, vận hành như các quy định hiện tại thì chẳng khác gì “bình mới, rượu cũ” mà thôi.
Minh Tư