Xóa bỏ biên chế giáo dục: Năng lực sẽ quyết định mức thu nhập của giáo viên

(Dân trí) - GS.TS Đinh Quang Báo nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, nếu xóa bỏ biên chế trong giáo viên sẽ tăng tính cạnh tranh giữa đội ngũ này. Lúc đó, năng lực của giáo viên quyết định mức thu nhập của họ.

Với chủ trương sẽ thí điểm bỏ biên chế, viên chức trong giáo viên đang gây xôn xao dư luận bởi chủ trương này sẽ tác động đến hơn 1,4 triệu giáo viên hiện nay.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này GS.TS Đinh Quang Báo nguyên hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, đây là một giải pháp trong đội ngũ giáo viên, là một giải pháp tăng năng lực của đội ngũ giáo viên. Đó là yếu tố đầu tiên, chìa khóa để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.


GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Thuận lợi cho những giáo viên giỏi

Thưa GS, với chủ trương xóa bỏ biên chế này, các giáo viên sẽ phải thay đổi như thế nào để phù hợp với yêu cầu thực tế?

Chủ trương này sẽ tạo ra làn sóng mới và tạo ra cú sốc cho rất nhiều giáo viên. Tuy nhiên, không còn quy định công chức, viên chức thì giáo viên sẽ thuận lợi hơn.

Khi không phải viên chức, giáo viên là người lao động được sáng tạo, được phấn đấu đến mức tối đa để có tay nghề tốt nhất, được chọn vị trí làm việc tốt nhất, được đòi hỏi mức lương cao nhất. Trong viên chức, giáo viên ít có sự chủ động sáng tạo bị hạn chế nhiều vì lương chỉ có vậy.

Tôi nghĩ, chủ trương sẽ gây khó khăn cho những giáo viên năng lực chưa tốt bởi những người này thích bao cấp hơn. Còn những người giỏi họ nằm trong sự bao cấp sẽ bó hẹp lại sự sáng tạo khả năng của họ.

Như vậy sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các giáo viên?

Đúng, sẽ diễn ra sự cạnh tranh lớn giữa các giáo viên. Năng lực của giáo viên quyết định mức thu nhập của họ vì các trường được lựa chọn giáo viên tốt nhất. Giáo viên được lựa chọn những "ông chủ" trả lương cho họ cao nhất. Giáo viên phải thấy đây là một thuận lợi chứ không phải khó khăn.

Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có tính cạnh tranh

Vậy ngành giáo dục sẽ phải làm gì cho đội ngũ giáo viên?

Bộ GD&ĐT phải thực hiện bồi dưỡng giáo viên để có năng lực đủ sức cạnh tranh với sự lựa chọn khắc nghiệt của thị trường lao động.

Hiện nay, đối tượng giáo viên năng lực không đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục không phải ít và ngành GD không thể loại họ ra được vì đây là lịch sử để lại chứ không phải do họ. Chúng ta không thể bỏ rơi đội ngũ giáo viên.

Đây là sản phẩm của quá trình quản lý trước đây chứ không phải lỗi cá nhân. Đây cũng chính là khó khăn nhất mà ngành GD đối mặt khi thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, khi thực hiện phải từ từ như "thắt rốn" tự nó rụng đi. Lứa giáo viên đó tự điều chỉnh vươn lên thị trường lao động hoặc chuyển việc, hoặc về hưu, hoặc nhà nước có giải pháp trợ cấp... chúng ta phải có tổ hợp giải pháp.

Theo tôi, giải pháp tích cực nhất là bồi dưỡng để giáo viên có năng lực cạnh tranh. Còn các giải pháp khác là nhân bản mà thôi.

Giáo viên quyết định sự tồn tại của hiệu trưởng

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, khi giao quyền tự chủ cho các trường, lúc đó vai trò hiệu trưởng sẽ rất lớn toàn quyền quyết định việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên. Như vậy, hiệu trưởng sẽ như "ông vua con" sẽ dẫn tới sự lạm quyền, tiêu cực, mất dân chủ và giáo viên sẽ là người chịu thiệt thòi nhất. GS nghĩ sao?

Khi thực hiện tự chủ thì hiệu trưởng phải được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước nhiều vấn đề. Bởi trường của người hiệu trưởng này nếu không phát triển thì chính hiệu trưởng cũng không có quyền lợi gì.

Với ý kiến cho rằng sẽ gây ra tiêu cực, mất dân chủ trong môi trường giáo dục nhưng tôi lại nghĩ cái gì cũng có điều kiện kèm theo để thực hiện. Nếu ta cứ sợ những vấn đề này thì chả làm được gì cả.

Khi tự chủ, sứ mạng trường học mà hiệu trưởng quản lý là cao nhất. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước xã hội về sự phát triển của trường. Bản thân hiệu trưởng cũng sẽ bị đào thải nếu không làm tốt.

Sứ mạng của hiệu trưởng sẽ phải phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên giúp hiệu trưởng tồn tại chứ không phải hiệu trưởng giúp giáo viên tồn tại.

Ví dụ, hiệu trưởng của những trường tư thục hiện nay nếu không làm được sẽ bị Hội đồng quản trị cho thôi ngay. Bản thân giáo viên thấy hiệu trưởng không làm được, lương thấp thì họ cũng không làm nữa vì giáo viên không bị khống chế vì quy định gì, không bị ràng buộc cái gì.

Tôi nghĩ, thực hiện chủ trương này sẽ không phân biệt giáo viên trường công lập hay trường tư thục nữa. Tất cả đều giống nhau.

Lúc đó, sẽ phân biệt giáo viên theo thương hiệu trường.

Giáo viên và nhà nước chấp nhận chịu đau

GS có chia sẻ gì với đội ngũ giáo viên trước chủ trương này?

Sự thay đổi này làm rung chuyển rất nhiều đến bản thân giáo viên, đơn vị sử dụng giáo viên, nơi cung cấp đào tạo giáo viên.

Đây là một động lực thúc đẩy mà Bộ GD&ĐT cũng không phải lo lắng mà tự sự chuyển động trong hệ thống đó tạo ra sự thúc đẩy tăng chất lượng giáo dục. Đây là được xem là đổi mới căn bản, từ căn bản này sẽ ra đổi mới toàn diện. Bởi giáo viên là quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Đây là 1 trong những giải pháp khá mạnh để hy vọng có đội ngũ giáo viên tốt, chất lượng.

Đổi mới bao giờ phải gặp phải khó khăn. Giáo viên năng lực kém phải chấp nhận chịu đau, nhà nước cũng phải chấp nhận đau cùng giáo viên vì phải mất một khoản tiền để hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng, trả lương chứ không bỏ rơi được.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)