Xếp hạng đại học trên thế giới
(Dân trí) - Đánh giá và xếp hạng đại học đang là xu thế đang diễn ra của các quốc gia trên thế giới. Động lực chủ yếu của xu thế này là đòi hỏi nâng cao hơn nữa chất lượng và tính minh bạch thông tin của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh một thế giới cạnh tranh và thay đổi nhanh chóng.
Giữa xu thế ấy, các cơ quan quản lý nhà nước thường chỉ đóng vai trò kiểm định và phân loại các cơ sở giáo dục đại học. Sân chơi về xếp hạng đại học đa phần đều do các tổ chức độc lập tiến hành. Cho đến nay, họ đã công bố những bảng xếp hạng nội bộ cho từng quốc gia lẫn trên bình diện thế giới.
Một trong những bảng xếp hạng đầu tiên được khởi xướng bởi Tạp chí US News (Mỹ) năm 1983.
Xếp hạng đại học - định hướng cho sinh viên chọn trường
Ở nhiều quốc gia, đánh giá xếp hạng đại học đã được quan tâm từ rất sớm và gây ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống giáo dục tại quốc gia đó. Ví dụ, tại Mỹ, bảng xếp hạng được của tạp chí US News đã cung cấp những thông tin hữu ích về các chương trình cử nhân tại các trường với các tiêu chí như: uy tín học thuật, việc tuyển chọn đầu vào, tỉ lệ duy trì việc học, các nguồn lực tài chính và học thuật. Nó dần trở thành một kênh thông tin định hướng quan trọng cho sinh viên trong việc lựa chọn trường học.
Tại Anh Quốc, hàng năm ba tổ chức đánh giá xếp hạng độc lập (The Complete University Guide, The Guardian & The Times; The Sunday Times) đều công bố bảng xếp hạng của riêng họ về vị trí của các đại học Anh Quốc.
Từ năm 2008, tạp chí Times Higher Education kết hợp ba bảng xếp hạng thành một bảng thống nhất hơn. Bảng xếp hạng này cũng xếp thứ hạng đối với từng ngành đào tạo cụ thể. Nhìn chung, bảng xếp hạng là một tham chiếu hữu ích cho Chính phủ Anh trong việc phân bổ kinh phí cho các trường (công) dựa trên năng lực nghiên cứu (quy mô và chất lượng).
Đa tiêu chí xếp hạng
Việc xây dựng một bảng xếp hạng các trường đại học trên toàn thế giới cũng phát triển mạnh mẽ do xu hướng toàn cầu hoá và quốc tế hoá. Kể từ 2003 khi Đại học Giao thông Thượng Hải Bảng công bố xếp hạng toàn cầu đầu tiên đến nay, đã có khoảng 10 cách xếp hạng đại học toàn cầu khác nhau được công bố rộng rãi.
Nổi bật hơn cả trong số này là bốn hệ thống xếp hạng: Times Higher Education của Tạp chí Times, Shanghai Academic Ranking of World Universities của Đại học Giao thông Thượng Hải, QS Word University Ranking của tổ chức Quacquarelli Symands, và Webometrics Ranking Web of Universities của phòng thí nghiệm Cybermetrics. Các hệ thống xếp hạng này đều sử dụng đa tiêu chí và đều cho ra các bảng xếp hạng thứ tự cao thấp.
Điều đáng nói là các bảng xếp hạng này sử dụng các tiêu chí đánh giá, tỷ trọng các tiêu chí và phương pháp thu thập dữ liệu khác nhau.
Ví dụ, hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải đưa ra các tiêu chí như: chất lượng giáo dục được thể hiện qua số cựu sinh viên được giải Nobel và Field (tỷ trọng 10%); chất lượng cán bộ dựa trên số giải thưởng Nobel và Fields, số lượng các nhà nghiên cứu có tỷ lệ trích dẫn cao trong 21 nhóm ngành (tổng tỷ trọng là 40%); chất lượng nghiên cứu dựa trên số bài báo được đăng trên tạp chí Nature and Science, số bài báo được trích dẫn trong hệ thống các tạp chí Science Citation Index Expanded (SCIE) và Social Science Citation Index (SSCI, tổng tỷ trọng là 40%); tiêu chí cuối cùng là năng suất học thuật bình quân của một cơ sở đại học dựa trên việc chia tổng điểm các mục trên cho tổng số cán bộ toàn thời gian của cơ sở (tỷ trọng 10%).
Như vậy, nguồn dữ liệu dùng để đánh giá của hệ thống xếp hạng Thượng Hải chủ yếu là dựa trên các số liệu công bố công khai của các tổ chức ngoài cơ sở đại học.
Trong khi đó, hệ thống xếp hạng của QS đưa ra các tiêu chí khác: uy tín học thuật dựa trên kết quả khảo sát ý kiến của khoảng 70,000 cá nhân trên toàn thế giới (chiếm tỷ trọng 40%); uy tín trong tuyển dụng dựa trên kết quả khảo sát trên 30,000 nhà tuyển dụng trong và ngoài nước (chiếm tỷ trọng 10%); tỷ lệ giảng viên trên đầu sinh viên (tỷ trọng 20%); số trích dẫn bình quân trên mỗi giảng viên (tỷ trọng 20%); tỷ lệ giảng viên quốc tế trên đầu sinh viên quốc của cơ sở đó (tỷ trọng 5%).
Dữ liệu xếp hạng của QS bao gồm cả các dữ liệu báo cáo công khai của tổ chức khác hoặc nhà trường và từ khảo sát của chính QS.
Dĩ nhiên cũng có hệ thống phân loại không bảng xếp hạng thứ tự như CHE/Die Zeit University Ranking của Centre of Higher Education của Đức hay European Multidimensional University Ranking System (U-Multirank) do Quỹ Châu Âu tài trợ.
Có hệ thống xếp hạng chỉ tập trung vào mảng nghiên cứu như hệ thống xếp hạng của Đại học Leiden (Hà Lan) hay bảng xếp hạng bài báo khoa học của Đài Loan (Taiwan Ranking of Research Papers).
Ít trường đại học tham gia xếp hạng
Sự đa dạng trong phương thức xếp hạng dẫn đến kết quả tất yếu là thứ hạng của các trường đại học cũng thay đổi trong từng bảng xếp hạng. Bản thân các hệ thống xếp hạng cũng thay đổi không ngừng phương pháp thu thập số liệu, các tiêu chí và tỷ trọng để có những kết quả đánh giá và xếp hạng thuyết phục, đáng tin cậy hơn.
Các hệ thống xếp hạng cũng mở rộng với những bảng xếp hạng bổ sung và cung cấp các báo cáo riêng lẻ, chi tiết cho từng trường về từng tiêu chí, hay từng lĩnh vực để các các trường biết điểm mạnh, điểm yếu của mình và đưa ra giải pháp cải thiện. Vì thế, mục đích xếp hạng đơn thuần ban đầu của các hệ thống xếp hạng đã và đang được bổ sung nhiều ý nghĩa khác.
Tuy các bảng xếp hạng đang trở nên phổ biến nhưng số lượng các trường đại học có tham gia vào tiến trình đánh giá, xếp hạng này chỉ chiếm 3%-5% trên tổng số khoảng 17.000 trường đại học toàn thế giới.
Nói cách khác, các bảng xếp hạng chưa thể phản ánh đầy đủ bức tranh giáo dục đại học toàn cầu. Đáng lưu ý hơn, các tiêu chí và tỷ trọng của từng tiêu chí phần lớn được đề xuất từ ý đồ chủ quan của tổ chức xếp hạng, ít có bằng chứng khoa học thực chứng vững chắc.
Cách thức thu thập số liệu cũng bị nhiễu do nhiều lý do như dựa trên bảng đánh giá chủ quan của cá nhân, số liệu tự báo cáo của các cơ sở.
Để nâng cao tính tin cậy của các hệ thống xếp hạng, Trung tâm giáo dục đại học châu Âu UNESCO kết hợp Viện chính sách giáo dục đại học tại Washington DC, Mỹ tổ chức hội thảo tại Berlin vào 2006.
Các chuyên gia hàng đầu về xếp hạng đại học đã đưa ra 16 nguyên tắc định hướng cho các hệ thống xếp hạng và được xếp vào 4 mục chính: Mục đích của các hệ thống xếp hạng, cách thiết kế và tỷ trọng các tiêu chí, cách thức thu thập số liệu và cách trình bày các kết quả xếp hạng. Các nguyên tắc rõ ràng này đã trở thành bảng hướng dẫn để nhóm chuyên gia này xem xét lại các hệ thống xếp hạng hiện hành trên thế giới.
Tựu chung lại, dù không tránh khỏi những hạn chế, thiên lệch trong đánh giá hay sai sót nhất định trong phương pháp cũng như thu thập số liệu, các bảng xếp hạng này vẫn được ưa thích và nhắc đến trong các thảo luận về giáo dục đại học vì sự đơn giản và dễ hiểu với công chúng.
(Nguồn: xephangdaihoc.org/2017)