Xếp hạng đại học Việt Nam: sẽ loạn nếu có quá nhiều bộ tiêu chuẩn, đánh giá đại học
(Dân trí) - "Chúng tôi rất hi vọng Bộ GD-ĐT sẽ là đơn vị chủ trì đứng ra đánh giá, xếp hạng đại học và mời các đối tác khách quan, độc lập để đánh giá. Tránh để tình trạng có quá nhiều bộ tiêu chuẩn, đánh giá khác nhau thì sẽ loạn..."
Không nhận xét về bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam mà một nhóm độc lập vừa công bố, nhưng GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho rằng việc kiểm định xếp hạng là nhu cầu thực tế tuy nhiên việc này đòi hỏi sự cẩn trọng, khách quan và toàn diện.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng: “Hiện nay, yêu cầu về kiểm định chất lượng quốc tế và xếp hạng quốc tế là nhu cầu thực tế của các trường ĐH, đặc biệt khi các trường tại Việt Nam bắt đầu gia nhập vào trong thị trường và các hoạt động giáo dục đào tạo quốc tế.
Đối với các trường ĐH tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều bảng xếp hạng trong nước và ngoài nước, ngay như Bộ GD-ĐT cũng đang kiểm định và phân tầng xếp hạng các trường ĐH. Tuy nhiên, việc kiểm định xếp hạng là việc làm lâu dài và cần có nhiều tiêu chí chi tiết, cẩn thận vì một khi đánh giá xếp hạng thì phải đánh giá khách quan, nhiều tiêu chuẩn”.
“Để xếp hạng một trường thì không đơn giản là chỉ thuần tuý căn cứ vào một vài tiêu chí mà phải nhiều tiêu chí bao gồm: số lượng bài báo, lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất, chất lượng sinh viên, đánh giá của doanh nghiệp và xã hội…
Hiện nay, những bảng xếp hạng đưa ra vẫn là bước ban đầu thôi, còn khi muốn đánh giá thực sự. Thứ nhất, cần khách quan căn cứ trên những tiêu chuẩn, đánh giá của quốc tế chứ không thể chủ quan.
Thứ hai, mỗi một trường, một cơ sở đào tạo đều có những thế mạnh riêng ở điểm này hay điểm khác chứ không thể nói trường mạnh cái này thì là trường số một do đó đòi hỏi phải có sự đánh giá toàn diện.
"Chúng tôi rất hi vọng Bộ GD-ĐT sẽ là đơn vị chủ trì đứng ra đánh giá và mời các đối tác, độc lập để đánh giá. Tránh để tình trạng có quá nhiều bộ tiêu chuẩn khác nhau thì sẽ loạn, rất khó đánh giá khách quan”, ông Thành chia sẻ.
Đồng thời, GS.TS Vũ Đình Thành cho biết, riêng đối với trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã tham gia kiểm định rất nhiều bậc khác nhau, từ kiểm định chất lượng cấp chương trình đào tạo đến kiểm định cấp trường (2 chương trình được kiểm định chuẩn ABET của Mỹ và 11 chương trình kiểm định chuẩn AUN cấp khu vực Đông Nam Á và 7 chương trình kiểm định chuẩn CTI của Pháp và Châu Âu);
Kiểm định toàn thể tức toàn trường thì nhà trường đã đạt chuẩn kiểm định HCERES của Pháp và Châu Âu và trường cũng đang kiểm định toàn trường theo chuẩn AUN khu vực Đông Nam Á.
Những việc kiểm định đó hoàn toàn là kiểm định theo chuẩn quốc tế và đảm bảo kết quả khách quan. Trong nước, trường ĐH Bách khoa cũng tham gia kiểm định theo chuẩn của Bộ GD-ĐT và được công nhận vào năm 2005.
Lê Phương