Đắk Nông:
Xe hết hạn đăng kiểm, xe “hết đát” vô tư đưa đón học sinh
(Dân trí) - Những năm qua, tại nhiều trường học ở tỉnh Đắk Nông xuất hiện mô hình dịch vụ xe đưa đón học sinh. Không phủ nhận những tiện ích mà xe đưa đón học sinh mang lại, thế nhưng điều đáng lo ngại là phần lớn xe này đều đã cũ nát, không được kiểm định thường xuyên.
Xe hết hạn đăng kiểm vẫn nhồi nhét học sinh
Khoảng 11h, mặc dù trên xe học sinh đã đứng ken cứng, nhưng hai xe mang biển kiểm soát (BKS) 48B-000.13 và 48B-000.49 vẫn cố “nhồi nhét” số học sinh còn lại của hai trường Tiểu học Phan Đình Phùng, THCS Nguyễn Văn Linh (xã Đắk Wer, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).
Theo kết quả đăng kiểm dán công khai, cả hai xe này đã hết thời hạn gần 2 tháng nhưng chủ xe vẫn chưa thực hiện việc đăng kiểm lại khi tham gia kinh doanh dịch vụ vận tải.
Tại xã Quảng Tín (cũng thuộc huyện Đắk R’lấp), chiếc xe khách mang BKS 48B-005.22 cũng chở hàng chục học sinh trên xe. Thế nhưng, chiếc xe này đã hết hạn đăng kiểm vào ngày 22/11/2017, tức là đã hơn 5 tháng nay xe 48B-005.22 vẫn “vô tư” chở học sinh đến trường mà không bị cơ quan chức năng “tuýt còi”.
Ngoài ra, trên địa bàn các huyện Tuy Đức, Đắk Song, hàng loạt xe đã hết hạn đăng kiểm như xe BKS 48B-004.06; 48B-003.94… vẫn hoạt động đưa đón học sinh bình thường.
Em P.Đ.C., học sinh thường xuyên đến trường bằng xe mang BKS 48B-004.06 than phiền: “Buổi sáng xe chở cả học sinh cấp 1, cấp 2 tới trường. Thời điểm này xe nhét như heo, có thời điểm lên đến cả gần trăm người. Riêng học sinh cấp 2 bọn em đã có tới 62 người chưa kể học sinh cấp 1”, C. khẳng định.
Theo một tài xế, việc không đi đăng kiểm là do chủ xe. “Vào năm học, ngày nào cũng chở học sinh không có thời gian đi kiểm định. Ai chẳng biết chở quá là vi phạm, chở quá là không đúng, nhưng bây giờ chở đủ thì không thể ai làm nổi. Thậm chí làm không đủ trả lương cho tài xế với trả tiền dầu”.
Xe thường xuyên hư hỏng, trục trặc
Qua thực tế cho thấy, hầu hết xe đưa đón học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều là những dòng xe cũ, không còn giá trị phục vụ thương mại trên thị trường. Các xe này được chủ kinh doanh mua lại rồi về sơn lớp vỏ bên ngoài. Việc các xe đưa đón học sinh không được kiểm định đúng thời hạn nên thường xuyên bị trục trặc, hư hỏng dọc đường.
Chiếc xe khách mang BKS 48B-000.13 hàng ngày vẫn đưa đón các em học sinh ở địa bàn các xã Quảng Tân, Đắk Wer vượt quãng đường hơn 17km để tới trường. Hành trình dài, đường quanh co, chở nặng… nên không ít lần những chuyến xe này đã bị hư hỏng dọc đường.
Em N.A.T., học sinh Trường tiểu học Phan Đình Phùng (xã Đắk Wer) chia sẻ: “Riêng từ đầu năm học 2017-2018 tới nay đã có tới 4 lần những chiếc xe này bị hư hỏng giữa đường. May mà xe hư trên đường chở bọn em về nên không ảnh hưởng đến việc học. Những lần như vậy, xe phải mất thời gian rất lâu mới sửa được, thường thì chủ xe gọi điện cho bố mẹ em chạy xe máy ra chở về”.
Tình trạng trên học sinh xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) cũng thường xuyên gặp phải. Những em học sinh đi xe 48B-005.22 cho biết xe hay bị trục trặc, hư hỏng dọc đường. Đoạn đường các em đi qua có nhiều đèo dốc quanh co, nguy hiểm. Thế nhưng đã vài lần xe bị nổ lốp giữa đường, những lúc như vậy chủ xe phải gọi xe khác đến chở học sinh.
Nhiều học sinh cho rằng, di chuyển trên những xe cũ kỹ lại hay hư hỏng bản thân các em cũng không khỏi lo lắng. Tuy nhiên, nếu không đi xe này, các em chẳng có sự lựa chọn nào khác.
Thầy Trần Duy Hải, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Phùng chia sẻ, có khá đông học sinh của trường đang sử dụng dịch vụ xe đưa đón học sinh. Nếu tính số lượt đi cả sáng và chiều phải gần 200 em sử dụng dịch vụ. Những xe đưa đón học sinh nhà trường không quản lý. Các nhà xe tự làm việc với người dân để đưa đón học sinh.
Lộ diện nhiều xe chạy “chui”
Theo danh sách do Phòng Phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải Đắk Nông) cung cấp, xe đưa đón được cấp phép đưa đón học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, ở ngoài thực tế con số này lớn hơn rất nhiều.
Theo phòng này, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 xe đưa đón học sinh còn có phù hiệu; 7 xe đã hết phù hiệu. Danh sách 7 xe hết phù hiệu bao gồm: 48K-0232; 48B-004.06; 48B.00.30; 48B-005.39; 48K-0130; 48B-006.57; 48B-005.85. Đối chiếu với thực tế cho thấy một số điểm trường ở các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Rlấp xuất hiện nhiều xe hết phù hiệu vẫn “vô tư” đưa đón các em học sinh. Trong danh sách này có thêm các xe: 48B-000.13; 48B-005.22; 48B-004.06; 48B-003.94…
Lãnh đạo Phòng Phương tiện người lái cho biết, việc cấp phù hiệu cho các xe đưa đón được đơn vị cấp theo giấy đăng kiểm. Nếu xe hết phù hiệu mà vẫn hoạt động thì sẽ có cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường xử lý theo quy định.
Trước thực tế trên, PV trao đổi với Phòng Cảnh sát giao thông, lãnh đạo Phòng này cho biết: “Đơn vị thường xuyên kiểm tra các xe đưa rước học sinh dọc theo quốc lộc 14. Qua kiểm tra, hầu hết các xe này đều đầy đủ giấy tờ, đảm bảo yêu cầu. Tuy bên ngoài có cũ kỹ, tồi tàn nhưng vẫn đảm bảo điều kiện lưu thông”.
Vị này cũng thừa nhận, một số phương tiện đưa rước học sinh tại các huyện Tuy Đức, Đắk Song xuống cấp, nhìn bên ngoài không đảm bảo nhưng do lưu thông trên tỉnh lộ nên việc kiểm tra, giám sát là trách nhiệm của Đội cảnh sát giao thông cấp huyện.
“Sắp tới, cơ quan chức năng như thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các chủ xe ký cam kết là đi đúng tuyến, đúng giờ đảm bảo tốc độ, đảm bảo số lượng người... Mặt khác, chúng tôi sẽ kiểm tra, kiên quyết đình chỉ tất cả các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật để hạn chế những nguy cơ dẫn đến mất an toàn và tai nạn giao thông”, lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.
Dương Phong