"Xây cầu, đường có thể chậm, giáo dục con người không thể đợi 10-20 năm"
(Dân trí) - "Một cây cầu, một con đường chưa kịp làm ngay thì 10-20 năm sau vẫn còn cơ hội. Còn giáo dục nếu không thay đổi ngay thì những người đang được giáo dục không còn cơ hội..."
GS.TS Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về toán - nhấn mạnh vấn đề này tại tọa đàm ra mắt sách "Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh" diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà kinh tế...
GS.TS Hồ Tú Bảo cho hay, nhiều năm qua, chúng ta đã dành nhiều nguồn lực để xây các công trình, phát triển hạ tầng nhưng đầu tư chưa tương xứng đối với hạ tầng nhân lực, hạ tầng cho giáo dục.
Trong khi, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, một số cây cầu, một số con đường, theo ông Bảo có thể chậm lại 10-20 năm thì vẫn còn cơ hội. Còn với giáo dục, nếu không thay đổi ngay thì nguy hại đến ngay tức thì, những người đang được giáo dục không còn cơ hội nữa, thế hệ trẻ không thể đợi được 20-30 năm để có một nền giáo dục như họ phải có ngay lúc này.
Theo vị giáo sư này, mọi thứ giờ đây thay đổi rất nhanh. Môi trường số đang làm xáo trộn và kéo theo hàng loạt thách thức với giáo dục gia đình và nhà trường và cả xã hội. Giáo dục của chúng ta đang không đi kịp sự phát triển đó.
Một buổi tọa đàm về cuốn sách về kinh tế nhưng hầu hết người tham dự, là các bô lão trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, giáo dục... lại bày tỏ nỗi đau đớn về giáo dục. Dường như lúc này, không ai không bị gợi nhớ, quặt thắt trước sự việc đám đông học trò nhỏ tấn công cô giáo vừa xảy ra ở Tuyên Quang.
Nói về sự việc học trò ném dép, tấn công cô giáo ở Tuyên Quang, một vị lớn tuổi tham dự chương trình nói như nghẹn khóc: "Chúng ta liệu có thể không đau đớn về sự lung lay của văn hóa, giáo dục? Giáo dục chính là cái gốc của vấn đề nhưng hiện nay triết lý giáo dục của chúng ta là gì, không ai trả lời được".
GS Trần Văn Thọ - giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Waseda, Nhật Bản - nhấn mạnh đến ba yếu tố giúp đất nước thoát bẫy thu nhập trung bình gồm một bộ máy công quyền chuyên nghiệp, lực lượng doanh nghiệp mạnh và một nền giáo dục tốt.
Ông Thọ cho biết, thời trước sinh viên sư phạm ra trường, ai cũng được đảm bảo công ăn việc làm. Còn giờ đây, từng có cả tình trạng giáo viên ra trường phải mất mấy trăm triệu để xin đi dạy, hay tình trạng giáo viên dạy thêm với nhiều hệ lụy. Chính những điều này góp phần làm xói mòn đạo đức, làm lung lay nền tảng văn hóa.
GS Thọ nêu quan điểm, giáo dục là vấn đề cấp bách cần phải làm ngay. Người dạy học phải được đảm bảo đủ sống, không phải dạy thêm để kiếm sống, qua đó giảm đi những tiêu cực trong mối quan hệ thầy trò. Đó cũng chính là nền tảng, là gốc rễ của đạo đức, của văn hóa xã hội.
Tại chương trình ra mắt cuốn sách "Quản trị bằng văn hóa - Cách thức Kiến tạo và Tái tạo văn hóa tổ chức" diễn ra ngày 10/12, TS Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE - bày tỏ, qua sự việc học trò tấn công cô giáo ở Tuyên Quang, chúng ta không thể giả vờ, làm ngơ như một số việc chúng ta không muốn nghĩ đến.
Khi nhìn vào sự kiện này, ông Trung nhớ đến lời cảnh báo nhà bác học Lê Quý Đôn về 5 nguy cơ đối với một đất nước, trong đó có chỉ dấu "trẻ không kính già" và "trò không trọng thầy".
Theo ông Trung, một xã hội bị đảo lộn về luân thường đạo lý, trò không ra trò, thầy không ra thầy liên quan đến hưng vong của quốc gia bởi đó chính là gốc rễ, là văn hóa.
Nhà giáo dục này cũng nhắc đến lời thức tỉnh của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela: "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên".
Ông Giản Tư Trung nhấn mạnh: "Giáo dục lớn nhất chính là giáo dục làm người. Học để biết nhiều điều là điều đáng quý nhưng đáng quý hơn chính là "ta sẽ làm được gì và sống thế nào" với những điều mình biết, đó mới chính là thực học".