Vụ giáo viên bị học trò ném dép: Đã ai can thiệp hỗ trợ cô trò?

Hoài Nam

(Dân trí) - Sự việc cô giáo ở Tuyên Quang bị học trò ném dép vượt quá mọi sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Chuyên gia giáo dục đặt câu hỏi đã ai hỗ trợ cả cô lẫn trò trong trường hợp này?

Vụ việc nhóm học sinh lớp 7 Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, ném dép, đồ vật vào người giáo viên gây phẫn nộ trong dư luận.

Vụ giáo viên bị học trò ném dép: Đã ai can thiệp hỗ trợ cô trò? - 1

Hình ảnh giáo viên bị học sinh dồn vào góc tường thách thức (Ảnh cắt từ clip).

Nhận định về vụ việc, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, chuyên gia giáo dục phổ thông và đào tạo giáo viên - chia sẻ, qua những hình ảnh trực quan, bà thấy rõ hành vi không phù hợp của cả cô giáo lẫn học sinh.

Theo bà Huyền, để xảy ra sự việc đáng tiếc chắc chắn có lỗi của tất cả các bên liên quan từ giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, Ban giám hiệu, học sinh, phụ huynh.

TS Nguyễn Thị Thu Huyền đặt ra nhiều câu hỏi từ sự việc đau lòng này:

Thứ nhất, giáo viên đã có những ứng xử như thế nào với học sinh để mâu thuẫn lớn tới mức này xảy ra? Không chỉ một học sinh tham gia tấn công cô mà có thể thấy là cả nhóm học sinh.

Giáo viên cũng mất cả bình tĩnh khi cũng chạy quanh lớp ném dép và đuổi đánh học sinh. Bà Huyền băn khoăn liệu cô có các vấn đề nào khác ngoài việc bị kích thích quá mức trong tình huống này?

Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm và Ban giám hiệu đã từng được báo cáo về mâu thuẫn của giáo viên bộ môn và các em học sinh chưa? Các biện pháp hỗ trợ cả hai bên là gì? Đã can thiệp ở mức độ nào, hay chưa làm gì? Phạt cả hai đã đủ chưa hay cả hai cần sự hỗ trợ chứ không đơn giản là phạt?

Vụ giáo viên bị học trò ném dép: Đã ai can thiệp hỗ trợ cô trò? - 2

Cô giáo chạy quanh lớp "đuổi bắt" học trò (Ảnh cắt từ clip).

Thứ ba, phụ huynh các em học sinh này có được các em, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm chia sẻ về những vấn đề đang tồn tại với giáo viên hay chỉ được mời đến để thông báo khi các em bị kỷ luật và nhận hậu quả? Phụ huynh có được hỗ trợ trong việc uốn nắn hành vi của con mình?

TS Nguyễn Thị Thu Huyền bày tỏ, trả lời được các câu hỏi trên thì ít nhiều cũng có giải pháp ngăn chặn để sự việc không trở nên tồi tệ như những gì đã thấy.

Bà P.M. - một nhà quan sát giáo dục ở Hà Nội - cho hay, qua clip có thể thấy trong nhóm học sinh có những em cá biệt, hành xử rất thô bạo với cô giáo.

Để dạy và phụ trách những lớp có học sinh cá biệt như thế, theo bà M., Ban giám hiệu cần phải phân công các giáo viên có kỹ năng sư phạm giỏi, hiểu biết tâm lý học sinh và có kinh nghiệm xử lý các vấn đề bạo lực học đường.

"Ban giám hiệu cũng không thể để giáo viên một mình đối phó với học sinh cá biệt mà phải có sự hỗ trợ, bảo vệ và tư vấn kịp thời khi có vấn đề xung đột giữa giáo viên và học sinh xảy ra.

Nhà trường cũng phải giữ liên hệ chặt chẽ với phụ huynh của các học sinh cá biệt để phối hợp với gia đình giáo dục trẻ", bà M. cho hay. 

Trong trường hợp trẻ cá biệt thiếu vắng cha mẹ, hoặc cha mẹ thiếu sự hợp tác với nhà trường, bà M. cho rằng việc giáo dục trẻ tại trường càng phải cẩn trọng hơn nữa. Trước hết vì chính sự an toàn của thầy cô và các học sinh khác trong lớp.

Một chuyên gia nhân học ở TPHCM cho hay, chỉ qua clip, rất khó để chúng ta đánh giá, chưa nói đến phán xét ai trong sự việc. Chúng ta không rõ nội hàm sự việc như thế nào.

Để nói cụ thể về sự việc thì phải bắt đầu từ người trong cuộc, tìm hiểu bắt đầu từ đâu, xuất phát từ ứng xử như thế nào, khó khăn của họ ra sao để kéo đến sự việc như vậy.

Tuy nhiên, chuyên gia này bày tỏ, trong mối quan hệ giữa hai bên nếu không bị đẩy đến cùng cực sẽ không đến nỗi những hình ảnh đau lòng chúng ta nhìn thấy.

Điều ông băn khoăn là quá trình trước đó, trước khi bùng nổ, sự việc đã được quan tâm ra sao, liệu ai đó đã hỗ trợ học sinh và cả giáo viên?

Vụ giáo viên bị học trò ném dép: Đã ai can thiệp hỗ trợ cô trò? - 3

Cảnh nhốn nháo trong lớp học (Ảnh cắt từ clip).

Người này cảnh báo, lúc này, sự việc đã xảy ra phải gọi là đỉnh điểm, giáo viên, học sinh ngoài mâu thuẫn trước đây chưa được hóa giải, họ đang tiếp tục đối mặt với khủng hoảng mới. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần hết sức cẩn trọng trong việc giải quyết.

Người này nêu quan điểm, không phải là cứ làm theo quy trình là đã báo cáo, kỷ luật, xử phạt, hòa giải, hai bên xin lỗi... được xem là đã giải quyết ổn thỏa. Bởi những điều đó lúc này không mang tính hỗ trợ cho học trò và giáo viên vượt qua khó khăn, khủng hoảng. 

Chuyên gia này cho rằng, việc giải quyết cần phải hướng đến những giải pháp thật sự hỗ trợ các em học trò và giáo viên.

Cảnh cô giáo ở Tuyên Quang bị học trò ném dép, lăng mạ (Video tổng hợp: Minh Quang).