Vụ giáo viên bị học sinh ném dép: "Giáo viên là nạn nhân bạo lực học đường"
(Dân trí) - Luật sư Đặng Văn Cường nhận định vụ việc giáo viên bị học sinh ném dép ở Tuyên Quang là "bạo lực ngược" - học sinh bạo hành đối với giáo viên - và hậu quả sẽ rất khôn lường.
Giáo viên là nạn nhân trước mắt, học sinh là nạn nhân lâu dài
Sau khi xem clip giáo viên bị học sinh ném dép, văng tục xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - bày tỏ: "Tôi cảm thấy rất bất bình và đau buồn".
Dựa trên các clip lan truyền trên mạng xã hội, luật sư Cường nhận định đây là một vụ việc bạo lực học đường dạng "bạo lực ngược", trong đó giáo viên là nạn nhân và người gây nên bạo lực học đường là học sinh độ tuổi THCS.
Song, hành vi của giáo viên cũng không phù hợp với môi trường học đường.
"Rõ ràng hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip này là rất bất thường, không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường cũng như hoạt động giáo dục nói chung.
Đồng thời, những hành vi của học sinh có nguy cơ xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của giáo viên.
Ở chiều ngược lại, chính những hành vi đó tác động tiêu cực đến sự phát triển, hình thành nhân cách của học sinh là trẻ em trong môi trường này.
Sẽ là rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường thầy cô giáo, tấn công lại thầy cô giáo ngay tại lớp học. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác.
Thực tiễn cho thấy, những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực, chứng kiến cảnh bạo lực thường xuyên, cảnh người khác bị coi thường, bị đánh đập hành hạ hoặc tiếp xúc với các trò chơi bạo lực thì sẽ có suy nghĩ, nhận thức thiếu chuẩn mực, rất dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn, xâm phạm đến thân thể của người khác.
Bởi vậy, cần đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực xảy ra giữa thầy cô giáo và học sinh.
Khi để xảy ra "bạo lực ngược" - học sinh bạo hành đối với giáo viên - thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Giáo viên trở thành nạn nhân trước mắt còn học sinh sẽ trở thành nạn nhân lâu dài.
Hành vi đó sẽ tác động tiêu cực đến nhân cách, đạo đức của học sinh và biến những đứa trẻ thành những con người hư hỏng", luật sư Đặng Văn Cường đánh giá.
Cần làm rõ diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh
Ông Cường cho rằng, những thông tin qua các clip cũng như trên không gian mạng chỉ là một phần sự việc. Để có kết luận chính xác và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, cơ quan chức năng cần vào cuộc để có thông tin đầy đủ, đa chiều, khách quan, làm rõ diễn biến mối quan hệ giữa giáo viên và các học sinh trong lớp.
Nhiều câu hỏi được đặt ra từ các đoạn clip lan truyền trên mạng là: giáo viên này giảng dạy từ bao giờ, quá trình giảng dạy có hoàn thành nhiệm vụ hay không, việc duy trì kỷ luật giảng đường được thực hiện như thế nào, nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt học sinh vô lễ, thiếu tôn trọng giáo viên như vậy, phản ứng của giáo viên khi học sinh ném giấy vào người, ném dép vào mặt như vậy đã phù hợp chưa…
Giáo viên này cũng cần phải giải thích vì sao lại cầm dép đuổi học sinh chạy quanh lớp như clip trên mạng xã hội.
"Về nguyên tắc, giáo viên sai thì phải xử lý giáo viên, học sinh sai thì phải kỷ luật học sinh. Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy còn có phần trách nhiệm của giáo viên và lãnh đạo nhà trường", luật sư Cường nêu ý kiến.
Ông Cường cung cấp thông tin: Theo quy định tại Điều 22 Luật Giáo dục, các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học bao gồm: xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; xuyên tạc nội dung giáo dục; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; hút thuốc, uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự...
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm Luật Giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
So với các hình thức kỷ luật học sinh trước đây, các hình thức xử lý kỷ luật học sinh hiện nay nhân văn hơn, hướng đến mục tiêu giáo dục cao hơn, tôn trọng học sinh hơn.
Cụ thể, khoản 2, Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý kỷ luật học sinh như sau: nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, pháp luật không cho phép giáo viên, cán bộ giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được phép thực hiện các hình thức kỷ luật nào khác, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng bạo lực để thay cho các hình thức xử lý kỷ luật.
Luật sư Cường cho rằng, nếu giáo viên và nhà trường vận dụng triệt để các biện pháp này, có thể tác động kịp thời tới nhận thức và hành vi của học sinh, thể hiện sự răn đe cũng như tác dụng giáo dục đạo đức nhân cách, ý thức chấp hành kỷ luật của học sinh.
Nếu giáo viên không biết hành vi nào của học sinh là vi phạm kỷ luật, khi hành vi vi phạm kỷ luật xảy ra cũng không biết phải xử lý như thế nào cho đúng quy định của pháp luật và kỷ luật học sinh thì rõ ràng lỗi thuộc về giáo viên.
Thay vì xử lý kỷ luật học sinh theo quy định của pháp luật thì giáo viên lại ném dép, xua đuổi học sinh chạy quanh lớp như trong clip thì rõ ràng hành vi này như đổ dầu vào lửa, càng khuyến khích, kích động hành vi vô lễ của đám học sinh tuổi mới lớn.
Bởi vậy, kỹ năng ứng xử tình huống của giáo viên trên lớp rất quan trọng. Giáo viên có được tôn trọng hay không, giáo dục có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống có vấn đề trên lớp.
Nếu giáo viên và nhà trường không áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật mà pháp luật cho phép, lại sử dụng bạo lực để đáp lại hành vi vô lễ thì rõ ràng lớp học sẽ trở thành "cái chợ" mà ở đó thầy không ra thầy, trò không ra trò.
"Trong vụ việc này cần phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện, phải có thông tin đầy đủ từ phía cơ quan chức năng thì mới có thể kết luận chính xác và có hướng xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm lập lại trật tự kỷ cương trong môi trường học đường, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh, đảm bảo nơi làm việc thuận lợi, có văn hóa cho giáo viên và môi trường học tập văn minh, hướng thiện đối với học sinh", luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.