Vừa nhập học, tân sinh viên muốn lao ngay đi chạy xe ôm công nghệ
(Dân trí) - Con vừa ở quê vào TPHCM nhập học, một gia đình đã tìm mua xe máy cũ để con có thể chạy xe ôm công nghệ nhằm sớm có trải nghiệm, trưởng thành.
Trường hợp người thân tìm mua xe máy cũ với mức chi phí khoảng 20 triệu đồng cho tân sinh viên vừa nhập học ở TPHCM kéo theo nhiều luồng ý kiến trên một diễn đàn giáo dục.
Với mức chi phí này nhưng gia đình muốn tìm mua xe cũ vì lo con mới vào thành phố còn "lạ nước lạ cái". Hơn nữa, bố mẹ cháu đã tính đến việc nhập học xong sẽ đi chạy xe ôm công nghệ nên mua xe cũ cho... an toàn.
Theo gia đình, tuy con không bị áp lực phải kiếm tiền nhưng họ muốn con sớm làm thêm để có trải nghiệm. Bố mẹ và cháu cùng hướng đến việc chạy xe ôm công nghệ.
Ngay lập tức, nhiều ý kiến cho rằng gia đình và nam sinh viên không nên chọn chạy xe ôm công nghệ ngay khi vừa nhập học, khi chưa thử những cơ hội làm thêm khác.
Nhiều người thẳng thắn góp ý, sinh viên mới nhập học đã chọn chạy xe ôm chẳng khác nào xem đây là công việc làm thêm được ưu tiên nhất. Như vậy, các bạn đã tự mình từ bỏ nhiều cơ hội cọ xát, phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Cách đây không lâu, một đoạn video trên TikTok cho rằng sinh viên không nên chạy xe ôm công nghệ vì "chạy Grab sẽ chạy Grab suốt đời" trở thành chủ đề tranh luận sôi động.
Theo TikToker này, chạy xe ôm công nghệ không giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm hay kỹ năng cần thiết nào cho công việc tương lai.
Sau 4 năm chạy xe ôm công nghệ, sinh viên tốt nghiệp mà không có nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp đặc biệt nào để tiếp cận với thị trường lao động. Vì vậy, sinh viên có thể sẽ kẹt với công việc "chạy xe ôm" suốt đời.
Bên cạnh số đông đồng tình với quan điểm trên thì cũng không ít người cho rằng góc nhìn này "cứng nhắc", khi mà công việc chạy xe ôm cũng có thể mang lại những giá trị nhất định cho sinh viên.
Do đó, không chỉ nhiều sinh viên đi làm thêm nghĩ ngay đến việc chạy xe ôm công nghệ mà thực tế nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp cũng lựa chọn công việc này.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho hay, đi làm thêm là cách tốt để tân sinh viên kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, cần cân nhắc trước lựa chọn chạy xe ôm công nghệ.
Ưu điểm của chạy xe công nghệ là chủ động về thời gian, thu nhập tạm ổn lại "tiền tươi thóc thật" cũng như có thể rèn luyện một vài kỹ năng. Tuy nhiên, đối với sinh viên, công việc này khá nhiều rủi ro, thiếu an toàn cũng như khó phát triển kỹ năng chuyên môn
Theo ông Phạm Thái Sơn, sinh viên có thể chọn những công việc khác phù hợp hơn như làm gia sư, một công việc khá phổ biến và phù hợp. Công việc này không chỉ đem lại thu nhập tốt mà còn giúp sinh viên củng cố kiến thức chuyên môn.
Ngoài ra, có nhiều công việc khác phù hợp với sinh viên như nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng dịch vụ khách hàng.
Công việc tự do là lựa chọn phù hợp cho các bạn sinh viên có kỹ năng viết lách, thiết kế đồ họa, lập trình, dịch thuật, cộng tác viên marketing online. Hoặc làm việc bán thời gian tại các công ty liên quan đến ngành học để tích lũy kinh nghiệm thực tế, nâng cao kiến thức chuyên môn và phát triển các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp sau này.
Điều quan trọng, ông Sơn nhấn mạnh, sinh viên cần phải cân đối giữa công việc và học tập, ưu tiên chọn các công việc có thể giúp phát triển kỹ năng mềm hoặc chuyên môn liên quan đến ngành học để phát triển hơn bản thân.
Bà Nguyễn Thị Diễm, Phó trưởng phòng tổ chức hành chính, Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên TPHCM chia sẻ, gia đình nên hướng con cái tìm những công việc làm thêm như gia sư, phục vụ nhà hàng, quán ăn, bán hàng, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ tổ chức sự kiện… giúp gia tăng kỹ năng thực hành xã hội.
"Các bạn có thể tập trung vào những công việc bán thời gian liên quan tới nghề nghiệp tương lai để tìm hiểu và định hướng mình có phù hợp với nghề nghiệp đã chọn hay không.
Hiện nay, lực lượng chạy xe ôm công nghệ phải nói đang dư thừa, thu nhập đã không còn khá như trước. Chưa kể, với sinh viên việc chạy xe ngoài đường liên tục có thể ảnh hưởng đến thể lực, học hành sa sút", bà Diễm cảnh báo.