Vì sao Bộ GD&ĐT phải xin ý kiến Thủ tướng chứ không tự quyết học sinh nghỉ học phòng virus corona?
(Dân trí) - Lí giải về việc Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cho phép học sinh nghỉ học, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ GD&ĐT cho biết, vì đây không phải là nghỉ học bình thường mà nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nên thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Trước tình hình dịch bệnh corona tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Để bảo đảm sức khỏe cho người học, cán bộ, giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố địa phương do Thủ tướng công bố dịch (trước tiên theo Quyết định số 173/QĐ-TTg là 3 địa phương: Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa) cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tạm thời nghỉ học từ ngày 3/2/2020 cho đến khi có thông báo của cấp có thẩm quyền và bố trí thời gian học bù vào thời gian thích hợp.
Thông tin Bộ GD&ĐT phải xin ý kiến Thủ tướng chứ không tự quyết học sinh nghỉ học phòng virus corona cũng gây nên nhiều tranh cãi.
Không ít phụ huynh, người dân cho rằng, việc cho học sinh, cán bộ, giáo viên nghỉ học trong bối cảnh Thủ tướng đã công bố dịch là hoàn toàn phù hợp, trong thẩm quyền của Bộ, chứ không cần phải "đẩy quả bóng trách nhiệm" lên cho Thủ tướng.
Lí giải về vấn đề này, ngày 2/2 trên trang web của Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ GD&ĐT cho biết, vì đây không phải là nghỉ học bình thường mà nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh nên cần phải thực hiện theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Tại Điều 6, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đã quy định “Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước”, “Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm” và “Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo phân cấp của Chính phủ”.
Việc Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quyết định cho phép học sinh nghỉ học là phù hợp với Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Nghị định số 127 của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đã được cụ thể hóa tại Điều 4 của Quyết định số 2071/QĐ-BGDDT ngày 16/6/2017 Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017-2018.
Còn về việc gần 70 trường Đại học, Học viện chủ động cho sinh viên nghỉ cả tuần, thậm chí 2 tuần, trước khi Bộ GD&ĐT xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ông Nguyễn Thanh Đề cũng cho biết thêm: "Việc các trường đại học cho phép sinh viên được lùi thời gian nhập học sau tết là phù hợp với Luật Giáo dục đại học trong đó thể hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học".
Tính đến 23h45 ngày 2/2, đã có 26 tỉnh/thành phố báo cáo Bộ GD&ĐT về việc quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
Mới nhất là tỉnh Ninh Thuận với thời gian nghỉ là 3 ngày (3, 4, 5/2) và Bình Dương với thời gian nghỉ là 1 tuần (từ 3-9/2).
Trong số 26 tỉnh/thành phố cho học sinh nghỉ học đến thời điểm này có 19 tỉnh cho học sinh nghỉ một tuần (từ 3-9/2) gồm: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Hà Nội, Long An, Kiên Giang, Bình Thuận, Cần Thơ, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Hà Giang, Hưng Yên, Lai Châu, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đồng Nai (riêng thành phố Biên Hòa nghỉ 2 ngày 3, 4/2); 2 tỉnh cho học sinh nghỉ 2 ngày (3, 4/2) gồm: Hậu Giang, Cao Bằng; 5 tỉnh cho học sinh nghỉ 3 ngày (3, 4, 5/2) là Tiền Giang, Lào Cai, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Hải Phòng.
Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo, các trường đại học thực hiện nghiêm túc Công điện số 43 của Bộ trưởng về công tác phòng chống dịch, văn bản hướng dẫn số 260, 265 của Bộ và các hướng dẫn của ngành Y tế về công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, Bộ yêu cầu các địa phương, các trường đại học cáo cáo kịp thời tình hình phòng, chống dịch của địa phương, cơ sở đào tạo về Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh do virus corona của Bộ GDĐT qua email trước 15h30 hằng ngày để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia.
Bộ GDĐT đã thiết lập số điện thoại đường dây nóng của Bộ để tiếp nhận mọi thông tin liên quan đến việc phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra: 078.678.3535
Vũ Phong