Ước mơ bị... tước đoạt
Năm nay em học lớp 12, ba mẹ em đều trong ngành y nên cũng muốn em theo ngành ba mẹ để ba mẹ hướng dẫn và gởi gắm sau này, thật lòng em không thích học ngành y và càng không thích phải nhờ vả ai.
Nhưng em chỉ thích tin học và em học tin học rất khá, đây cũng là ngành mà em mơ ước từ nhỏ, nhưng em không muốn ba mẹ buồn, em phải làm sao vừa thực hiện được ước mơ vừa làm ba mẹ hài lòng, xin chị cho em lời khuyên. (Đức Tuấn, Trường PTTH NK)
* Em Tuấn mến, em thật may mắn có cả ba lẫn mẹ đều là trí thức, đã hết lòng lo cho em ăn học và còn lo luôn cả công việc sau này nữa. Nếu sau này em tốt nghiệp ra trường và có việc làm như ý của ba mẹ thì có lẽ ba mẹ em sẽ rất vui mừng. Đây là tâm lý chung của đa số các bậc cha mẹ hiện nay.
Cha mẹ thường hay lo cho con thái quá, mọi chuyện đều được sắp đặt rất logic từ chuyện học hành, định hướng nghề nghiệp tương lai cho đến nơi sẽ làm việc khi ra trường trong tương lai. Con chỉ cần vâng lời là đủ, không cần có ý kiến gì cả, vậy mới được khen là "con ngoan".
Cha mẹ đã vô tình "tước đoạt" của con tất cả những sở thích, những hoài bão mà không hề hay biết trẻ âm thầm chịu đựng vì thương cha mẹ và một mình tự tìm cách giải toả những ức chế đó, có thể tích cực và cũng có thể xảy ra những tiêu cực...
Cha mẹ ít khi quan tâm đến việc tạo cho con tính tự lập, không tập cho con mạnh dạn quyết định những gì liên quan đến bản thân và phù hợp với khả năng của con. Dần dần tạo thành thói quen, trẻ chỉ biết vâng lời, không dám có ý kiến, dẫn đến thiếu tự tin, không chủ động và lệ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, trẻ không dám quyết định điều gì khi chưa có ý kiến của cha mẹ.
Những điều đó xuất phát từ tình thương yêu con, tuy nhiên, nếu cha mẹ cứ mãi nghĩ con mình còn bé nên thay con quyết định mọi thứ mà quên rằng con mình đang ở lứa tuổi "tập làm người lớn" thì mai này con khó mà trưởng thành.Chúng rất cần được định hướng nghề nghiệp theo sở thích và khả năng của mình, cần phải tập dần việc biết tự chịu trách nhiệm bản thân và trẻ cần lắm sự định hướng có sự hỗ trợ khi cần thiết chứ không muốn cha mẹ làm thay tất cả.
Cha mẹ thường hay định hướng nghề nghiệp cho con thông qua ước mơ của mình mà hồi còn trẻ không có điều kiện thực hiện được hoặc buộc con theo nghề của mình để dễ hướng dẫn vì cha mẹ sẵn có kinh nghiệm và môi trường thuận lợi cho việc làm sau này cho con.
Cha mẹ ít quan tâm đến con có thích hay không, cứ thế mà sắp đặt, tội nghiệp con trẻ vẫn tiếp tục học "cho" cha mẹ mình đến lúc tốt nghiệp ra trường làm việc thì lại chán nản thiếu tự tin nên không phát huy hết được những khả năng của mình, làm mất dần sự sáng tạo, mất hứng thú trong công việc rồi cuộc sống rơi vào buồn tẻ, không cống hiến gì cho xã hội và mai một tài năng.
Tâm lý chung của đa số cha mẹ là như vậy, mục đích vẫn muốn con học tốt và thành đạt, vì vậy em có thể trình bày ước mơ và mục đích học tập của mình cho ba mẹ biết, hay hơn là em có thể chứng minh cho ba mẹ thấy được khả năng về yêu thích môn tin học bằng sự chín chắn của mình thông qua thái độ học tâp và định hướng tương lai theo ngành nghề mình chọn và bằng kết quả học tập của mình để ba mẹ có sự tin tưởng và an tâm.
Khi ba mẹ đã an tâm về em rồi thì ba mẹ sẽ không còn ép em học theo ngành mà ba mẹ chọn mà trái lại ba mẹ sẽ rất vui mừng vì thấy em đã trưởng thành, biết định hướng nghề nghiệp dựa trên sở thích và khả năng của mình, biết tự lập và có ý chí vươn lên.
Chúc em thành công!
Theo Nguyễn Thị Kim Cúc
(Hội Tâm lý TPHCM)
Tuổi Trẻ