Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Đề thi môn Ngữ văn
(Dân trí) - Sáng nay 2/6, thí sinh Hà Nội làm bài thi môn Ngữ văn, thời gian 120 phút. Theo nhận định của các chuyên gia hệ thống giáo dục Học mãi, đề Ngữ văn có yếu tố bất ngờ, barem điểm được điều chỉnh.
Đề thi Tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn của thành phố Hà Nội năm nay giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện các kiến thức tiếng Việt, văn và kĩ năng viết các đoạn văn nghị luận.
Cụ thể, ở Phần I, đề thi hỏi về bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh. Các câu hỏi đều kiểm tra các kiến thức cơ bản, với những dạng hỏi khá quen thuộc như xác định thể thơ, phân tích tác dụng của phép tu từ … Câu 4, yêu cầu viết đoạn văn cảm nhận khổ thơ cuối bài, chiếm trọng số điểm cao nhất của đề thi, đòi hỏi các em trình bày bài không chỉ đủ ý, mạch lạc mà còn phải đảm bảo các yêu cầu về hình thức đoạn văn, về phần tiếng Việt.
Tuy nhiên, điểm mới rất đáng chú ý trong đề thi năm nay là ở Phần II của đề thi, thay vì một đoạn văn được trích ra từ một tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 thì lại là một văn bản nghị luận bàn về cách ứng xử của các bạn trẻ khi gặp hoàn cảnh khó khăn.
Đây có thể là một bất ngờ với các thí sinh nhưng đoạn văn bản dùng làm ngữ liệu để hỏi trong đề thi lấy nguồn từ sách giáo khoa Ngữ văn 9, các câu hỏi xoay quanh việc kiểm tra các kiến thức tiếng Việt, kĩ năng đọc hiểu và nghị luận xã hội (NLXH) tương đối quen thuộc nên các em cũng sẽ không gặp nhiều khó khăn.
Nhìn chung đề thi năm nay có điểm mới so với đề thi năm ngoái ở chỗ: Cấu trúc và barem điểm được điều chỉnh từ 6/4 sang 7/3; ngữ liệu được mở rộng không chỉ trong các văn bản chính thức học sinh được học trong sách giáo khoa, tuy nhiên ngữ liệu vẫn nằm trong sách giáo khoa.
Câu hỏi liên quan đến NLXH cũng mang tính mở hơn, yêu cầu học sinh trình bày những suy nghĩ của cá nhân, có tính liên hệ thực tiễn.
Trong khi đó, theo nhận định của TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên GV Văn Trường THPT chuyên Chu Văn An (Hà Nội), đề thi Ngữ văn thi vào lớp 10 của Hà Nội năm nay vừa sức với học trò, các yêu cầu khá rõ, quen thuộc, không đánh đố.
Với cấu trúc đề hai phần kết hợp đọc hiểu với NLXH và nghị luận văn học; với kiểu dạng câu hỏi về kiến thức văn học, tiếng Việt, cuộc sống xã hội quen thuộc, hầu như đề tuyển sinh năm nay không làm khó thí sinh.
Tuy nhiên, còn một vài chi tiết có thể lưu ý thêm về diễn đạt câu chữ hoặc diễn đạt ý cho sáng và chuẩn mực hơn. Ví dụ: ý 2 của câu 2 phần I, “ Cũng trong khổ thơ này, các từ “bỗng” và “hình như” giúp em hiểu gì về cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ?”, có lẽ nên thay hai từ “cảm xúc, tâm trạng” bằng” tâm trạng và cách cảm nhận” sẽ phù hợp hơn! Bởi “hình như” không hướng tới thể hiện tâm trạng, cảm xúc mà là cách cảm nhận thế giới xung quanh phút giao mùa.
Hoặc phần II, câu lệnh chung cho phần đọc hiểu nên bỏ bớt cụm từ “bên dưới”. Câu hỏi 1 nên thay “hai câu văn in nghiêng ở trên” bằng “ hai câu văn in nghiêng trong đoạn trích để đảm bảo tính chuẩn mực của phong cách khoa học; thêm từ “những” cho lệnh “chỉ rõ từ ngữ dùng làm phương tiện liên kết”.
Câu 3 viết đoạn văn NLXH, diễn đạt vấn đề nghị luận chưa sáng; hơn thế nữa, câu lệnh “trình bày suy nghĩ về ý kiến “...” là câu lệnh hướng tới yêu cầu luận về toàn bộ vấn đề, đó là yêu cầu phù hợp với một bài văn hơn là một đoạn văn vốn chỉ nghị luận về một bình diện của vấn đề.
Nhìn tổng thể, chuyên gia này cho rằn, đề tuyển sinh vừa sức học trò, nhưng cũng như rất nhiều năm nay, sự lặp lại kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức cần học trò khám phá, luận bàn sẽ ít nhiều tạo ra tâm lí học văn theo mẫu, theo công thức, giảm bớt hứng thú cho học trò khi làm bài.
Riêng đoạn văn NLXH cũng cần thống nhất lại yêu cầu nghị luận trong câu lệnh, và sau này, trong đáp án chấm để các trò hiểu yêu cầu viết đoạn văn, phân biệt với bài văn thu nhỏ, làm nền tảng cho ôn luyện thi THPT quốc gia sau này.
Mỹ Hà