Tuyển sinh đào tạo ngành du lịch sụt giảm 50% so với năm 2019

Mai Châm

(Dân trí) - Đến tháng 9/2021 số lượng tuyển sinh ngành du lịch đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.

Tuyển sinh đào tạo ngành du lịch sụt giảm 50% so với năm 2019

Bước vào năm 2022 với nhiều dấu hiệu tích cực trong việc khống chế dịch bệnh Covid-19 ở khắp các địa phương trên cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và nhất là lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại để góp phần phục hồi kinh tế đất nước. Đây là thời điểm các cơ sở đào tạo ngành du lịch cần nắm bắt cơ hội, góp phần vực dậy kinh tế du lịch.

Tại Hội nghị Tuyển sinh - Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng năm 2022 diễn ra tại Phú Quốc ngày 26/4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VHTTDL), Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐTBXH) Kiên Giang, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp... đã cùng nhau ngồi lại, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển đào tạo nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết: "Lĩnh vực GDNN trải qua 2 năm hết sức khó khăn do dịch bệnh, lần đầu tiên sau nhiều năm, kết quả tuyển sinh các cấp trình độ trong GDNN đã không đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra (chỉ đạt 85% kế hoạch năm 2021). Trong 2 năm qua, nhiều lĩnh vực ngành, nghề đào tạo đã rất khó khăn trong công tác tuyển sinh, trong đó có lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.

Đến nay hầu hết các nhà trường đã trở lại hoạt động bình thường, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh và tổ chức đào tạo tại các địa phương, cơ sở GDNN trên cả nước đã sôi động trở lại".

Mặc dù vậy, ông Dũng cho biết, tuyển sinh ngành du lịch đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà hoạt động này gần như tê liệt do dịch bệnh, người làm bỏ việc, thiếu việc làm do các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa dừng hoạt động đã ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người học. Giờ đây các hoạt động du lịch trở lại đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng lao động.

Theo số liệu của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch cung cấp, khảo sát số lượng tuyển sinh đối với 15 cơ sở GDNN du lịch được thực hiện vào tháng 9/2021 cho thấy: Đến tháng 9/2021 số lượng tuyển sinh ngành du lịch đã bị sụt giảm 32%; đến hết năm (tháng 12/2021) chỉ bằng 50% so với năm 2019, giảm khoảng 50%.

Năm 2019, Việt Nam có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch; năm 2020, gần 80% nhân sự trong lĩnh vực này bị cắt giảm. Năm 2021, chỉ có 25% trong số còn lại làm đủ thời gian.

Tuyển sinh đào tạo ngành du lịch sụt giảm 50% so với năm 2019 - 1

Ông Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL chia sẻ về tình hình thực tế của ngành du lịch cũng như tuyển sinh đào tạo cho ngành này.

Cơ sở đào tạo liên kết đào tạo với doanh nghiệp ngành du lịch là "chìa khóa"

Trước những khó khăn này, hội nghị thảo luận, đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, ông Trương Anh Dũng nêu: "Trách nhiệm của hệ thống GDNN trong công cuộc vực dậy kinh tế du lịch đó là đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực lao động có tay nghề để tham gia vào thị trường lao động, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng khi mà mở cửa du lịch là một mũi nhọn đã được Chính phủ xác định là trọng tâm trong phục hồi kinh tế".

Nhiều đại biểu tham gia hội nghị nhấn mạnh chủ trương gắn kết nhà trường - doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là một phần không thể thiếu trong hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN. Trong những năm qua, thực hiện chủ trương này, Tổng cục GDNN đã tổ chức nhiều chương trình ký kết hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty lớn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở GDNN hợp tác, liên kết trong hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực.

Tuyển sinh đào tạo ngành du lịch sụt giảm 50% so với năm 2019 - 2

Đại biểu đến từ các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Bà Đinh Bích Diệp - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu chia sẻ, việc liên kết hợp tác giữa nhà trường với các đối tác doanh nghiệp trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể: Du lịch là ngành có sự dịch chuyển lao động lớn, các doanh nghiệp BR-VT luôn đối mặt với tình hình nhân viên chuyển việc, đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rất thận trọng khi đặt hàng đào tạo hệ cao đẳng.

Mặc dù người của doanh nghiệp được phép tham gia đào tạo nhưng chưa có qui định về tiêu chuẩn riêng cho đối tượng này, nếu chiếu theo qui định cho giáo viên thực hành thì nhiều người trong số họ không đáp ứng được, cụ thể là qui định về nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề, nhất là đối với những chuyên gia có độ tuổi trên 35, tay nghề rất tốt nhưng không có văn bằng chứng minh, do đó nhà trường phải bố trí giảng viên theo kèm các lớp.

Những phát sinh từ các phía trong quá trình đào tạo và quản lý học sinh sinh viên đòi hỏi hai bên phải xây dựng đội ngũ phối hợp tốt trong đó có vai trò rất quan trọng của hai điều phối viên của hai phía. Đặc biệt, sự thay đổi về chính sách của doanh nghiệp khi có sự thay đổi các nhà quản lý cấp cao cũng đòi hỏi phải giải quyết bằng những buổi làm việc và bàn bạc lại về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên.

Ngoài ra, có doanh nghiệp do thiếu nhân sự có khả năng sư phạm nên không bố trí cố định người hướng dẫn, huấn luyện học sinh sinh viên thực tập do đó việc thực tập của sinh viên không hiệu quả, vì vậy nhà trường buộc phải dừng việc hợp tác.

Tuyển sinh đào tạo ngành du lịch sụt giảm 50% so với năm 2019 - 3

Lãnh đạo Tổng cục GDNN, Vụ Đào tạo Bộ VHTTDL, doanh nghiệp lắng nghe các ý kiến đóng góp để cùng hợp tác, phát triển đào tạo nhân lực cho lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Huế nêu 4 kinh nghiệm được nhà trường đúc kết trong quá trình hợp tác đào tạo với doanh nghiệp. Đó là, thứ nhất, cơ sở đào tạo (CSĐT) phải chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, khảo sát tổng thể các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng nhu cầu hợp tác đào tạo và xây dựng khung hợp tác, điều chỉnh kế hoạch đào tạo thích ứng với các biểu đồ hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, lựa chọn doanh nghiệp hợp tác theo tiêu chí trực thuộc tập đoàn quản lý quốc tế; có bộ phận đào tạo độc lập; có chương trình và ngân sách tiếp nhận sinh viên thực tập;  có nhiều dịch vụ trong doanh nghiệp; có tinh thần mong muốn hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Thứ ba, CSĐT cần hình thành bộ phận chuyên trách hợp tác với doanh nghiệp thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác đào tạo doanh nghiệp, theo dõi hỗ trợ sinh viên để thường xuyên trao đổi thông tin và điều chỉnh kịp thời.

Thứ tư, tổ chức hội nghị thường niên giữa CSĐT và các đối tác đã ký kết nhằm đánh giá kết quả hoạt động, điều chỉnh, bổ sung các cam kết mới. CSĐT tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động tuyển dụng, hội thảo, hội chợ việc làm…