Bộ trưởng Lao động "truy" chuyện chậm hỗ trợ đào tạo nghề

Mai Châm

(Dân trí) - Chủ trì cuộc họp với các địa phương về chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc triển khai thực hiện chính sách chưa đạt yêu cầu…

Cuộc họp được lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH triệu tập để đánh giá việc thực hiện Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 33, ngày 6/11 của Thủ tướng).

Bộ trưởng Lao động truy chuyện chậm hỗ trợ đào tạo nghề - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương, cơ sở về việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.

Giải ngân 13 tỷ tiền hỗ trợ đào tạo nghề 

Báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nêu đánh giá khái quát, việc ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội, không chỉ trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh mà còn có ý nghĩa, tác động lâu dài.

Việc hỗ trợ đào tạo giúp doanh nghiệp chủ động về nhân lực trong việc thay đổi công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh trước tác động của dịch bệnh; Kịp thời thích ứng với sự thay đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất; Giảm bớt khó khăn về tài chính để đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 3/2022, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, với mức kinh phí gần 500 tỷ đồng, trong đó, có 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí gần 70 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH của 13 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 30 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho trên 3.200 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng.

Chính sách được triển khai cũng giúp giảm số lao động thất nghiệp, lao động có nguy cơ bị mất việc làm do thay đổi sản xuất, công nghệ; Chủ động nâng cao chất lượng nhân lực trong doanh nghiệp và nhân lực trong nền kinh tế nói chung, góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ rõ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách. Thực tế, các hoạt động đào tạo "đóng băng" trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận chính sách do những điều kiện, thủ tục quy định để xác định mức giảm doanh thu, điều kiện về đóng bảo hiểm thất nghiệp. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm…

"Triển khai chính sách, vướng mắc gì có thể gọi trực tiếp tôi"

Bộ trưởng Lao động truy chuyện chậm hỗ trợ đào tạo nghề - 2

Hội nghị trực tuyến về đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, nhìn chung, chính sách hỗ trợ người lao động đã đạt hiệu quả, nhất là tại các khu công nghiệp, góp phần giữ vững an ninh, ổn định xã hội. Căn cứ nội dung Quyết định 23 về cơ bản, 11 nhóm chính sách đề ra, việc thực hiện đều đạt và vượt mục tiêu. Chuyện trục lợi chính sách về cơ bản không có.

Về việc hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, người đứng đầu Bộ nhấn mạnh tính chất nhân văn, chưa từng có tiền lệ của chính sách.

"Tuy gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế nhưng với phương châm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH cùng với các ngành liên quan đã thảo luận rất nhiều lần để đưa chính sách này vào thực tiễn", Bộ trưởng khái quát.

Thực tế, theo Bộ trưởng, ở những địa phương, đơn vị triển khai thực hiện chính sách tốt, cả doanh nghiệp và người lao động cùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, ông Dung cho rằng, việc triển khai chính sách này chưa đạt yêu cầu. Đề cập số tiền, tỷ lệ giải ngân rất thấp, mới chỉ ở mức 13 tỷ đồng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH chỉ rõ, sự vào cuộc của nhiều đơn vị, cơ sở chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa thấy sự tích cực, dù rằng thời gian còn 2 tháng nữa là hết hạn thực hiện chính sách.

Chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này, vị lãnh đạo đứng đầu ngành đặc biệt lưu ý "sự vào cuộc của nhiều cơ sở, địa phương chưa thật sự tốt".

Chỉ đạo những việc cần tháo gỡ, giải quyết ngay, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu tập trung rà soát, phê duyệt hồ sơ để triển khai thực hiện chính sách.

Đối với những địa phương chưa thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, ông quán triệt các đơn vị như Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH, các ngành liên quan, doanh nghiệp phải cùng "xắn tay" vào làm, với tinh thần "phải xác định đây là công việc ưu tiên hàng đầu trong 2 tháng tới".

Bộ trưởng nêu địa chỉ trách nhiệm "đích thân người đứng đầu các Sở LĐ-TB&XH phải triển khai việc này".

Ông Dung cũng nhắc nhở, Tổng cục GDNN, các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi nước ngoài phải coi đây là cơ hội để phát triển lực lượng lao động.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ yêu cầu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách. "Quá trình triển khai vướng ở đâu, vướng điều gì, các cán bộ điện thoại trực tiếp cho lãnh đạo Tổng cục GDNN, nếu như vượt quá thẩm quyền của Tổng cục GDNN có thể gọi trực tiếp cho tôi", Bộ trưởng nêu rõ.