DNews

Từ vụ Trường Quốc tế Mỹ: Điểm "chết người" ít bị chú ý, cần gỡ như thế nào?

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Mang danh cơ sở giáo dục sẽ dễ dàng huy động vốn mà không cần tài sản đảm bảo, ít rủi ro là chiêu bài tài chính quen thuộc đang ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Từ vụ Trường Quốc tế Mỹ: Điểm "chết người" ít bị chú ý, cần gỡ như thế nào?

Nộp hàng tỷ đồng dù không tài sản đảm bảo

Gần một năm qua, hàng trăm phụ huynh có con học ở Trường Quốc tế Mỹ (AISVN) như ngồi trên đống lửa khi đi đòi nợ hàng tỷ đồng từ nhà trường nhưng chưa thấy hồi kết. Không chỉ có vậy, hàng ngàn học sinh còn đứng trước nguy cơ phải dừng việc học nếu phụ huynh không tiếp tục đóng thêm tiền.  

Bà Trang Hải, một nhà đầu tư vào hệ thống trường quốc tế, thừa nhận rất nhiều doanh nghiệp đứng sau các cơ sở giáo dục ngoài công lập đang sử dụng hình thức huy động vốn bằng việc nộp học phí trọn gói, sau đấy có thể hoàn lại hoặc không.  

Đổi lại, khi phụ huynh nộp khoản tiền lớn, con cái họ được học miễn phí hoặc hưởng chế độ ưu đãi cực lớn. 

"Nếu huy động vốn dưới dạng phát hành cổ phiếu, trái phiếu sẽ phải xây dựng niềm tin lớn hơn. Hàng năm, doanh nghiệp cần báo cáo kết quả hoạt động, chia cổ tức, chịu sự giám sát của hội đồng cổ đông... Còn huy động học phí thì không bị can thiệp bởi phụ huynh", bà Trang Hải phân tích.   

Từ vụ Trường Quốc tế Mỹ: Điểm chết người ít bị chú ý, cần gỡ như thế nào? - 1

Dù đã nộp tiền tỷ nhưng học sinh Trường Quốc tế Mỹ vẫn đứng trước nhiều nỗi lo khi chủ đầu tư gặp khó khăn tài chính (Ảnh: AISVN)

Dưới góc nhìn của chuyên gia quản lý gia sản, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần (CTCP) FIDT, một đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản tại Việt Nam, cho rằng phụ huynh sẵn sàng lao vào hình thức này vì thấy được những lợi ích trước mắt.

Nộp học phí trọn gói, phụ huynh quẳng gánh lo và an tâm về số tiền học phí cao trong nhiều năm tới khi không bị tăng giá học phí do "lạm phát" - vốn là nỗi sợ của người Việt. 

Phụ huynh còn được hoàn lại khoản tiền đã đóng mà vốn dĩ đối với tư duy của họ là chi phí, giờ lại có vẻ như là khoản đầu tư. Họ nghĩ rằng sẽ an tâm làm ăn, đầu tư mà không ngại rủi ro sẽ làm gián đoạn việc học hành của con.  

"Thoạt nhìn, hoạt động này có thể làm cho nhiều phụ huynh cảm tưởng như đóng tiền một lần sẽ được chiết khấu nhiều nhưng bản chất bên trong lại phức tạp và tương đương với việc phát hành trái phiếu từ nhà trường. Điểm mấu chốt là không có tài sản đảm bảo, quá hợp lý cho nhà trường nhưng đầy phi lý và bất lợi cho phụ huynh", ông Ngô Thành Huấn phân tích.  

Rủi ro phá sản đẩy về phía phụ huynh 

Giám đốc điều hành CTCP FIDT chia sẻ, không ít phụ huynh vì thiếu kiến thức tài chính cơ bản nên đang nhìn "cuộc chơi" này quá ngây thơ. Ông kể, có một số khách hàng tâm sự rằng, với hình thức nộp học phí như trên, họ tính ra lợi nhuận tầm 7-10% (tùy giai đoạn và tùy trường).  

Thấy lợi nhuận hợp lý, cao hơn lãi huy động gửi tiết kiệm, lại có nhiều điểm lợi như các yếu tố đã liệt kê trên nên phụ huynh không suy nghĩ nhiều.  

"Nhưng, có một điều "chết người" về đầu tư mà người Việt ít quan tâm, đó là thẩm định rủi ro", ông Huấn cảnh báo. 

Theo ông Huấn, với hình thức này, nếu thuận lợi, nhà trường đúng nghĩa là "tay không bắt giặc", đưa ra ý tưởng kinh doanh rồi cả trăm, cả nghìn con người góp vốn mà không bị kiểm soát.  

Phía nhà trường được hưởng quá nhiều lợi ích mà không hề có rủi ro, cũng như giao gần hết rủi ro phá sản lại cho phụ huynh.  

Họ sẽ thu về có chi phí huy động vốn quá tốt nếu xét trên rủi ro mô hình hoạt động, không cần tài sản đảm bảo như vay vốn ngân hàng (tín chấp vẫn được tại ngân hàng nhưng điều kiện giải ngân sẽ rất phức tạp), không cần báo cáo kết quả hoạt động, không ai giám sát và ý kiến về rủi ro của mục đích sử dụng vốn. 

Từ vụ Trường Quốc tế Mỹ: Điểm chết người ít bị chú ý, cần gỡ như thế nào? - 2
Rủi ro ở đây là mất sạch vốn nếu trường hoạt động không tốt. Tính bài toán kinh tế, nếu thuận lợi, tỷ lệ lợi nhuận tầm 7-10%, nếu rủi ro mất vốn 100%. Đây là sự đầu tư vô lý đến cùng cực.
Ông Ngô Thành Huấn CEO CTCP FIDT, một đơn vị chuyên tư vấn đầu tư và quản lý gia sản tại Việt Nam

Cũng theo vị CEO tư vấn đầu tư và quản lý gia sản này, những rủi ro về huy động vốn và sử dụng vốn huy động đang thể hiện rất rõ qua nhiều vụ việc của bà Vũ Thị Thúy, vợ ca sĩ Khánh Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam, vụ án của "Shark" Thủy hay vụ án bà Trương Mỹ Lan. 

"Đây đều là những bài học lớn khi trao tiền bằng niềm tin mà không có tài sản đảm bảo", ông Ngô Thành Huấn cảnh báo.  

Cần nâng cao dân trí về tài chính

 Theo dõi những vụ việc về huy động vốn gần đây, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TPHCM, cho rằng đây sẽ là lời cảnh tỉnh lớn cho phụ huynh, nhà đầu tư và cơ quan quản lý.  

Ông nói, cha mẹ nào cũng muốn đầu tư chỗ học tốt, đảm bảo quá trình học tập lâu dài cho con, nếu nộp một khoản học phí mà sau đó được lấy lại thì đúng là rất hấp dẫn. Song, ông nhắc nhở, làm gì cũng phải cân nhắc, tính toán và dự báo những tình huống không tốt xảy ra.  

"Không phải "mất bò mới lo làm chuồng" nhưng qua các vụ việc gần đây, rõ ràng, phụ huynh cần thận trọng trong việc đóng góp vốn, góp tài sản lớn mà không có tài sản đảm bảo. Phụ huynh cần tìm hiểu kỹ đối tác, các điều khoản trong hợp đồng, ràng buộc bằng những đảm bảo rõ ràng", ông khuyên. 

Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Văn Ngai cho rằng qua thực tế xảy ra nhiều vụ việc gần đây, Sở GD&ĐT cần họp lại với các sở ngành liên quan để xem xét, rà soát các vấn đề phát sinh, quy định liên quan tới huy động vốn, đóng học phí dài hạn trong trường học như vậy có đảm bảo đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho học sinh.  

Từ đó, cơ quan quản lý cần có sự kiểm tra, giám sát liên ngành để cảnh báo, kiểm soát các tình huống xấu xảy ra.  

"Nếu chưa có quy định pháp luật rõ ràng hoặc quy định chưa phù hợp, các vấn đề phát sinh không thuộc trách nhiệm của thành phố thì các sở ngành cần phối hợp, tham mưu cho thành phố đề xuất lên cấp Trung ương", ông Nguyễn Văn Ngai nói.  

Từ vụ Trường Quốc tế Mỹ: Điểm chết người ít bị chú ý, cần gỡ như thế nào? - 3
Không phải "mất bò mới lo làm chuồng" nhưng qua các vụ việc gần đây, rõ ràng, phụ huynh cần thận trọng trong việc đóng góp vốn, góp tài sản lớn mà không có tài sản đảm bảo.
Ông Nguyễn Văn Ngai Nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM

Về giải pháp ngắn hạn, ông Ngô Thành Huấn, CEO CTCP FIDT, hướng dẫn một số kỹ năng nhận biết vấn đề. Thứ nhất, nếu có bất kỳ ai đảm bảo với bạn lợi nhuận cố định (trừ ngân hàng), tức là, rủi ro sẽ khá cao. Bởi, nếu không, họ đã vay ngân hàng với mức lãi suất cho vay được xem là thấp nhất hiện nay.  

Bản thân cá nhân không thể tự thẩm định mô hình hoạt động của doanh nghiệp được, điều này cần chuyên môn riêng biệt mà xã hội phải tạo ra khuôn khổ để hỗ trợ người dân của mình.  

Thứ hai, mỗi người cần phân biệt giữa vay vốn và góp vốn. Vay vốn phải có mục đích sử dụng, tài sản thế chấp. Vay tín chấp không dành cho người dân mà là sân chơi phức tạp đến cả ngân hàng còn vướng nợ xấu. 

Còn khi góp vốn, mỗi người phải thật sự đánh giá được mô hình kinh doanh, còn không, đầu tư mua chứng chỉ quỹ sẽ an toàn hơn nhiều là góp vốn trực tiếp vào các doanh nghiệp. 

Từ vụ Trường Quốc tế Mỹ: Điểm chết người ít bị chú ý, cần gỡ như thế nào? - 4

Một buổi họp giữa phụ huynh và Hội đồng Trường Quốc tế Mỹ hồi tháng 10/2023 sau khi trường xảy ra lùm xùm về vấn đề tài chính (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Về dài hạn, ông Ngô Thành Huấn, nhấn mạnh việc cần trang bị kiến thức về quản lý tài chính, bảo vệ tài sản ngay từ trong môi trường giáo dục.  

Ông thẳng thắn chỉ ra rằng, suốt từ thế hệ 9X trở về trước, trong chương trình đào tạo phổ thông chúng ta có đủ các loại môn nhưng có một vấn đề mà cả đời phải đối diện lại không được dạy đó là: Phải làm gì với tiền - hoạch định tài chính cá nhân. Trong chương trình giáo dục 2018, nội dung này đã xuất hiện, song, chưa đủ sâu.  

Nhiều người Việt Nam trưởng thành đang không phân biệt nổi cổ phiếu và trái phiếu, vốn nằm trong chương trình giáo dục THPT của nhiều nước phát triển. Do đó, ông cho rằng không có gì quá ngạc nhiên khi các mô hình huy động vốn đang "chôn" hàng chục ngàn tỷ của người dân nhưng vẫn cứ phát triển. 

"Giải pháp thật sự nằm ở dân trí về tài chính. Chúng ta đang thiếu một nghề nghiệp cực kỳ quan trọng, đó là tư vấn tài chính (tiếng Anh là "financial advisor"). Đây không phải chỉ là người tư vấn bảo hiểm hay chứng khoán.  

Các nhà tư vấn tài chính được đào tạo chính quy tại bậc đại học để trở thành các bác sĩ tài chính, giúp người dân bảo vệ và phát triển tài sản đúng cách", ông Ngô Thành Huấn bày tỏ.  

Tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và nhà trường về huy động vốn

Trong văn bản chấn chỉnh tình hình hoạt động giáo dục các trường ngoài công lập trên địa bàn được Sở GD&ĐT TPHCM ban hành đầu năm học 2023-2024, đã nhấn mạnh tới việc huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính. 

Sở yêu cầu các đơn vị tách biệt hoạt động của doanh nghiệp và hoạt động của nhà trường về huy động vốn, phát hành trái phiếu, ký hợp tác đầu tư tài chính. 

Các cơ sở giáo dục ngoài công lập cần thành lập công đoàn cơ sở, sử dụng con dấu nhà trường đúng mục đích.

Học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực GD&ĐT.

Các đơn vị cần thực hiện kê khai giá dịch vụ giáo dục theo hướng dẫn tại công văn số 5195/SGDĐT-KHTC ngày 23/12/2022 của Sở GD&ĐT.

Đối với trường có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị thực hiện công khai đúng biểu mẫu, nội dung, hình thức theo quy định tại Điều 3, 5, 9 Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT.