Tự chủ đại học: “Nên thuê hiệu trưởng hay không?”
(Dân trí) - "Vấn đề này thì trong luật cũng đã quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo Hội đồng trường quyết định, như vậy sẽ không có nhiệm kỳ 1, 2 năm hay 5 năm gì cả mà tùy theo Hội đồng trường đánh giá thì đưa ra quyết định cho phù hợp".
TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) chia sẻ điều này tại hội thảo khoa học về tự chủ ĐH thời kỳ hội nhập diễn ra tại trường ĐH Tôn Đức Thắng ngày 15/11. Hội thảo có hơn 50 chuyên gia giáo dục tham dự và nêu một số ý kiến đã đặt ra băn khoăn trong việc tự chủ về nhân sự, trong đó có việc quy hoạch hiệu trưởng trường ĐH.
Đại học tự chủ sẽ bổ nhiệm hiệu trưởng thế nào?
Chia sẻ với các đại biểu, bà Phụng phát biểu: “Tự chủ đại học được nói từ lâu, đặc biệt là 2 năm qua khi chuẩn bị xây dựng ban hành luật giáo dục sửa đổi cũng nói rất nhiều. Chúng tôi cũng ý thức được việc ngày ngày càng mở rộng phạm vi và nâng cao tự chủ là điều tất yếu. Hệ thống giáo dục ĐH hiện nay đang có 237 trường, nếu như chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng đều cùng chăm lo cho trường thì chắc chắn phải hơn cơ quan chủ quản. Vấn đề tự chủ cũng nằm trong Luật Giáo dục ĐH sửa đổi”.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng trường đại học không chỉ hoạt động tuân theo luật giáo dục đại học, mà còn theo các luật khác. “Luật Giáo dục ĐH không thể giải quyết được tất cả các hoạt động của trường ĐH. Luật là phải đồng bộ, liên quan đến luật của chúng ta thì cũng đã sửa rồi còn các luật như đầu tư công, các luật khác như công chức viên chức... đang nghiên cứu để sửa và nếu đồng bộ với nhau thì rất tốt. Chúng tôi cho rằng, khối giáo dục, nhà khoa học cũng phải có tiếng nói làm sao cho đồng bộ”, bà Phụng nói.
Các chuyên gia giáo dục góp ý cho vấn đề tự chủ đại học
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, thực ra Luật Giáo dục ĐH cũng đã có độ mở khi đề cập đến nội dung này. "Ví dụ như nên thuê hiệu trưởng hay không? Vấn đề này thì trong luật cũng đã quy định nhiệm kỳ của hiệu trưởng theo Hội đồng trường quyết định, như vậy sẽ không có nhiệm kỳ 1, 2 năm hay 5 năm gì cả mà tùy theo Hội đồng trường đánh giá thì đưa ra quyết định cho phù hợp. Hoặc vấn đề lãng phí nhân lực, đúng là Việt Nam nằm trong 3 nước có tuổi nghỉ hưu thấp, tất cả đều nâng độ tuổi hưu. Tuy nhiên hiện nay chúng ta cũng có lộ trình nâng cao rồi. Ngoài ra, các quy chế về công chức, viên chức cũng phải thay đổi, khối giáo dục ĐH cũng sẽ tham gia với các bộ ngành khác vào việc điều chỉnh luật để có thêm cơ chế tự chủ."
Giải quyết mâu thuẫn giữa quản lý với các đại học như thế nào?
Trong vấn đề cơ quan quản lý có những quy định mâu thuẫn thì các ĐH phải làm thế nào? Bà Phụng cho rằng, để giải quyết các mâu thuẫn này thì đã có các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu như cùng văn bản pháp luật thì cấp độ hiệu lực thấp hơn sẽ bị quy định của luật phủ nhận; còn cùng cấp độ hiệu lực thì văn bản ban hành sau sẽ phủ nhận văn bản ban hành trước.
Riêng thẩm quyền của hội đồng trường cũng đã quy định rõ trong luật, Quốc hội không giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn về thẩm quyền của hội đồng trường, vì vậy Chính phủ cũng không được hướng dẫn về thẩm quyền của hội đồng trường. Nếu như luật đã quy định tự chủ và giao quyền đó cho hội đồng trường rồi mà cơ quan chủ quản vẫn ra quy định trái điều đó thì quy định cấp bộ không thể phủ nhận luật được.
Tuy nhiên, một trong những điều vướng là nhân sự, cơ quan chủ quản chi phối nhiều về công tác nhân sự. Trong điều 16, quy định về hội đồng trường của trường công bao gồm các nội dung “thủ tục hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường ĐH, quyết định chức danh quản lý khác của trường ĐH trong quy trình bổ nhiệm nhân sự. Như vậy, mặc dù Luật quy định hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng nhưng vẫn phải đặt trong quy trình (bổ nhiệm nhân sự), quy trình này có thể sẽ được các quy định của Đảng chi phối, hoặc quy định chung của luật công chức, viên chức chi phối. Vì vậy, việc quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng hoặc một số nhân sự khác cũng còn bị chi phối bởi một số cơ quan có thẩm quyền chứ không chỉ là quyền độc lập của hội đồng trường. Luật đã quy định và chúng ta phải tuân thủ điều đó. Vấn đề là làm sao để sửa các luật khác như luật công chức, viên chức thì vẫn tiếp nối như luật gd đh, để có cơ chế tự chủ tốt hơn cho trường công. Chúng ta tiếp tục có ý kiến để cuộc chuyển giao về luật trọn vẹn hơn.
Việc 3 trường ĐH được cho phép tự chủ ở mức độ cao hơn cũng được tiến sĩ Phụng giải đáp tại đây. Theo đó, từ năm 2018 Bộ GD-ĐT đã chủ động yêu cầu 3 trường (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản của Bộ GD-ĐT.
Chính phủ đã có chủ trương cho một số trường tốt được tự chủ ở mức cao hơn. Đầu tiên Bộ GD-ĐT giao cho 3 trường ĐH làm đề án nhưng nội dung trường đưa vào thì đã có trong các luật khác nhau nên không ban hành nghị quyết riêng mà đưa vào Nghị quyết 39/2019 của Chính phủ. Theo nghị quyết này thì 3 trường này có mức tự chủ cao hơn trong đó có sử dụng nhân lực nước ngoài và độ tuổi của người quản lý.
Lê Phương