Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập: Phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo
(Dân trí) - Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật, đầu tiên chính là phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô. Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở đại học.
TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ như trên tại hội thảo khoa học “Tự chủ đại học thời kỳ hội nhập” do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông và trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức sáng nay (15/11).
TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Hội thảo này thu hút hơn 50 chuyên gia giáo dục và đại diện của 12 trường ĐH góp ý, chia sẻ cho vấn đề tự chủ đại học. Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ, các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến luôn quan tâm đến việc tự chủ đại học và tự do học thuật, tạo điều kiện cho người học thành người độc lập tự chủ về tư duy và trong công việc, tự do trong nhận thức và lựa chọn các khả năng.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để thực hiện thành công tự chủ đại học và tự do học thuật, đầu tiên chính là phải có tư duy mở từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô. Từ đó cho mở khung pháp lý về vai trò tự chủ của các cơ sở đại học để quản lý chất lượng đầu ra, cần hình thành các tổ chức kiểm định do các hiệp hội đại học và hiệp hội chuyên ngành tạo ra. Còn tổ chức quản lý nhà nước thì kiểm tra đánh giá và cấp phép, hoặc thu giấy phép hoạt động cho các tổ chức kiểm định ấy.
TS Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ
Đồng thời, TS Hoàng cũng đề xuất nâng cao vai trò của Hội đồng trường, của tổ chức giám sát hoạt động của từng trường, đổi mới công tác quản trịn nhà trường theo tinh thần tự chủ đại học. Việc bỏ cơ quan chủ quản của các trường, trừ các trường chuyên ngành của công an và quân đội cũng là vấn đề cần đưa ra xem xét.
TS Trần Đức Cảnh, chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực (2016-2021) cho rằng tinh thần của Luật giáo dục ĐH sửa đổi là chuyển vai trò của Bộ GD-ĐT từ cơ quan chủ quản sang quản lý nhà nước. Đây là việc làm đúng đắn mà lẽ ra phải làm từ lâu.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Với kinh nghiệm làm việc của mình, ông Cảnh đã nêu những mô hình quản lý giáo dục tự chủ tại các đại học, cao đẳng ở Mỹ và thông qua đó góp ý cho mô hình tự chủ đại học ở Việt Nam. Theo ông Cảnh, đại học Việt Nam còn mới lạ với mô hình tự chủ đại học so với các nước, đặc biệt là các nước phát triển có truyền thống giáo dục tự chủ lâu đời. Trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế bộ chủ quản sang mô hình tự chủ đại học thật sự, chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn, phức tạp và tranh cãi. Các cuộc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình và các bài học hay trong và ngoài nước giúp làm “giảm đau” trong giai đoạn triển khai thực hiện mô hình tự chủ.
Ông Cảnh cho rằng, tự chủ đại học hiện nay chỉ mới bắt đầu ở Bộ GD-ĐT và vài ĐH, công việc còn liên quan rất nhiều đến các luật, bộ ngành khác: tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản công và ngay cả nội dung chương trình. Để kiện toàn tự chủ đại học và xây dựng tự do học đúng nghĩa nhằm phát huy nền giáo dục ĐH nước nhà chắn chắn phải là một quá trình, nhanh hay chậm còn tuỳ thuộc vào sự ưu tiên và tính khẩn trương của hệ thống.
Lê Phương