Trượt lớp 10 ở Hà Nội: Phụ huynh "trăm phương nghìn kế" tìm trường cho con
(Dân trí) - "Tuột tay" khỏi tấm vé vào các trường công lập không có nghĩa là cánh cửa sẽ đóng bởi vẫn còn rất nhiều mô hình đào tạo khác để học sinh lựa chọn.
Xoay sở đủ hướng khi con trượt lớp 10 công lập
Những ngày qua được coi là khoảng thời gian "khủng khiếp" nhất đối với gia đình phụ huynh Nguyễn Văn Tiến (Đống Đa, Hà Nội) khi cậu con trai lớn - niềm tự hào của vợ chồng lại trượt khối trường công lập.
Cho dù rất khó khăn để chấp nhận "cú sốc" này , nhưng anh Tiến chia sẻ, gia đình anh cũng không thể để con chờ đợi để thi lại vào năm tiếp theo.
"Một năm chờ đợi, chẳng biết sẽ xảy ra chuyện gì. Ở tuổi 15, con trai có nhiều thay đổi tâm sinh lý, vợ chồng tôi sợ quản không nổi. Sau nhiều ngày bày ra "trăm phương nghìn kế", gia đình quyết định cho cháu theo học trường nghề".
Theo anh Tiến, học nghề cũng là con đường lập thân lập nghiệp cần thiết. Đặc biệt, trong tình hình "thừa thầy thiếu thợ" như hiện nay, việc học nghề có thể nói là con đường ngắn để sớm có việc làm, đem lại thu thập cho bản thân, gia đình.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự khi con gái thi trượt lớp 10 trường THPT Cầu Giấy, phụ huynh Đoàn T.N. chia sẻ, cả nhà không dám nhắc nhiều vì sợ con tủi thân. Chị cũng luôn an ủi con "thế nào cũng có cách", cùng với đó là hàng loạt phương án tối ưu nhất được đưa ra.
"Sau vài ngày tâm sự, hiểu được mong muốn, nguyện vọng được học tiếp của con, vợ chồng tôi đã đồng nhất sẽ cho con theo học một trường dân lập gần nhà".
Tuy nhiên, phụ huynh này trải lòng, vấn đề khiến chị lo lắng nhất là học phí tại trường tư. Hai vợ chồng làm công nhân, lại đang khó khăn vì dịch Covid, do đó, việc lo cho con mỗi tháng vài ba triệu để đóng học cũng không phải điều dễ dàng.
Không chỉ dừng lại ở cảm giác chán nản, phụ huynh Duy Nam (Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ, nhiều ngày qua, vợ chồng anh vô cùng "rối não" khi băn khoăn không biết sẽ chọn phương án nào để phù hợp với cô con gái vừa trượt lớp 10 của khối trường công.
"Nhiều người khuyên tôi nên đăng ký cho con học trường nghề. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn con học hết cấp 3 để con trưởng thành một chút. Còn nếu học tiếp văn hóa thì giờ chỉ còn cách vào dân lập. Nhưng cũng băn khoăn đủ điều, bởi trường tốt thì học phí cao, chắc hai vợ chồng phải "còng lưng" mới chi trả nổi, còn vào trường thường thì lại lo chất lượng kém, con dễ "hỏng". Đứng giữa những sự lựa chọn có quá nhiều điểm trừ, vợ chồng tôi đau đầu vô cùng" - anh Nam tâm sự.
Con của phụ huynh Nguyễn Văn Tiến, chị Đoàn T.N. hay anh Duy Nam là ba trong khoảng 24.000 thí sinh ở Hà Nội không có chỗ trong các trường công lập của thành phố. Gác lại giọt nước mắt và niềm thất vọng, những ông bố, bà mẹ rối bời tìm cho con "lối đi" an toàn nhất khi "tấm vé" vào trường THPT công lập đã tuột khỏi tầm tay.
Cơ hội nào?
Là giáo viên một trường THPT tại Hà Nội, nhà giáo Trần Thùy Liên cho rằng, trượt khối trường công lập không có nghĩa là dấu chấm hết như nhiều người vẫn lầm tưởng. Nếu không có cơ hội vào học lớp 10 công lập nhưng vẫn muốn tiếp tục theo đuổi học văn hóa ở bậc THPT, phụ huynh có thể đăng ký cho con theo học các trường tư thục.
Cô Liên phân tích: "Nhiều năm gần đây, hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Chất lượng dạy học của hệ thống này cũng được nâng lên nhanh chóng. Nhiều trường tư thậm chí đi đầu trong việc áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến".
Đồng quan điểm, thầy giáo Lê Đức Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, học tại trường tư, học sinh sẽ được học các kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém so với các trường công lập. Ngoài giờ học trên lớp, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, các buổi ngoại khóa để khích lệ tinh thần học sinh.
"Học phí của hệ thống giáo dục dân lập sẽ cao hơn hệ thống công lập. Bởi vậy, những bậc phụ huynh không có kinh tế dư dả nên cân nhắc khi con theo học. Tuy nhiên, trên quan điểm của tôi, đây là một khoản đầu tư xứng đáng" - thầy Dũng nhấn mạnh.
Theo nhà giáo Trần Thùy Liên, nếu các con có lực học không thực sự tốt, phụ huynh có thể lên phương án cho con vào các trường nghề. Lợi thế khi theo học chương trình này là các em có cơ hội nhận bằng tốt nghiệp THPT như các em học sinh tại các trường THPT khác và sở hữu thêm tấm bằng nghề.
"Có những học sinh học văn hóa không thấy hứng thú, nhưng khi chuyển sang học nghề thì lại học rất tốt và thành công trong công việc sau này. Phụ huynh đừng nghĩ rằng vào lớp 10 công lập là con đường duy nhất, các em còn trẻ, còn rất nhiều lối đi và cơ hội khác đang chờ đón ở tương lai..." - cô Liên nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, giáo viên Phạm Mạnh Cường bày tỏ, bên cạnh việc cùng con đưa ra kế hoạch cho tương lai, các bậc phụ huynh cũng nên động viên, tâm sự để cùng con vượt qua cú sốc trượt lớp 10 công lập.
"Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn thí sinh dự thi vào lớp 10. Trước mỗi kỳ thi, đa số các em phải chịu áp lực từ nhiều phía: bài vở, kỳ vọng của gia đình, thành tích của nhà trường… Đã bao nhiêu giọt nước mắt của học trò, phụ huynh rơi trong mùa thi; bao lời đay nghiến, chỉ trích, thậm chí gia đình lục đục vì con thi trượt. Rốt cuộc, chỉ những đứa trẻ là người phải chịu thiệt mà thôi.
Người ta hay nói "không có áp lực thì không có kim cương", nhưng khi dùng áp lực thi cử để tạo ra quá nhiều "kim cương" thì chính những viên "kim cương" ấy cũng mất đi giá trị.
Kỳ thi này, các con đã cố gắng hết mình. Do đó, cha mẹ nên trân trọng điều đó, và phân tích cho các con nhận ra kết quả thi không phản ánh hết năng lực của bản thân. Việc học chưa bao giờ dừng lại bởi một kỳ thi. Và trượt lớp 10 chưa hẳn đã là điều không may mắn".