Trường Sa, Hoàng Sa vào đề Văn, thí sinh hào hứng vì làm được bài
(Dân trí) - Buổi thi Ngữ văn sáng nay, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng thích thú bởi đề thi Văn có hình ảnh người lính đảo Trường Sa, Hoàng Sa đã “thổi nóng” đề thi. Nhiều giáo viên nhận định: Đề có khả năng phân hóa cao, đáp ứng đúng được mục đích đề ra cho kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Sáng nay, nhiều thí sinh ở điểm thi ĐH Bách Khoa (Hà Nội) đều tỏ ra thích thú với đề thi Văn năm nay.
Mới khoảng 2/3 giờ thi môn Ngữ Văn, nhưng lượng thí sinh đã ra về khá đông, qua trao đổi nhanh các thí sinh cho biết đề thi vừa sức, có khả năng đạt điểm Khá.
Thí sinh Nguyễn Thuận Phong (trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin), cho biết: “Em thấy đề thi môn Ngữ văn bình thường, không quá khó, em cũng làm hết tất cả các câu và còn dư khá nhiều thời gian nên em ra về sớm”.
Thí sinh Đào Thị Tâm (THPT Lê Hồng Phong, huyện Krông Buk), tâm sự : “So với các đề thi của các năm, em thấy đề thi năm nay vừa tầm. Trong đó, em thích nhất câu về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu nói về thân phận của người đàn bà hàng chài, em hoàn thành tất cả và nghĩ mình đúng khoảng 70%”.
Phần lớn các thí sinh thi xong môn Ngữ văn đều hào hứng và tâm lý khá thoải mái ổn định so với các môn thi của ngày thi đầu tiên, các thí sinh cho biết để đạt điểm 7 trở lên trong môn thi này không khó.
Ra sau ngay thí sinh Trang là thí sinh Ngô Lê Minh Tiến, học sinh trường THPT Đăng Khoa quận Phú Nhuận (TPHCM) chia sẻ: “Em khá ấn tượng với cách ra đề năm nay ở môn văn. Đề nhắc đến các vấn đề thơi sự như bệnh vô cảm, kỹ năng sống, phần tiếng việt thì dài nhưng em làm nhanh. Tuy nhiên, thí sinh này tỏ ra băn khoăn: “Em không tự tin với phần thi nghị luận văn học vì tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa em không có ôn kỹ nên làm khá sơ sài”.
Còn thí sinh Thủy Tiên - học sinh trường THPT Lê Quý Đôn với vẻ mặt đầy hớn hở: “Đề thi văn rất dễ đối với em, phần tiếng việt không gây khó khăn gì với em. Còn kỹ năng sống trong nghị luận xã hội nằm trong phần em ôn học nên có sẵn không đầu rồi cứ việc sắp xếp. Em đăng ký khối D1, môn Văn cũng là thế mạnh nên nghị luận văn học em làm khá dài, và đầy đủ ý không rơi vào tình trạng dài lê thê, em nghĩ mình chắc được 8 điểm môn Văn”.
Thí sinh Nguyễn Duy Tiến (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), dự thi tại điểm thi 1 - trường ĐH Nha Trang, cho biết, đề Văn THPT quốc gia tương đối vừa sức, bám sát sách giáo khoa. Theo Tiến, với đề Văn này thí sinh khá giỏi nhiều khả năng đạt 7-8 điểm, học sinh trung bình khoảng 5 điểm.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Phương, dự thi tại điểm thi 3 trường ĐH Nha Trang cho rằng đề Ngữ Văn THPT quốc gia tương đối dễ, vừa sức với học sinh trung bình. Theo Phương, mức điểm phổ biến của thí sinh là từ 5-6 điểm nếu ôn luyện đàng hoàng.
Đặc biệt, đây là môn thi có ý nghĩa quan trọng đối với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ, dựa vào điểm thi 3 môn khối C.
Trong ngày thi thứ 2, dưới tiết trời nóng bức, ngột ngạt, nhiệt độ ngoài trời gần 40 độ, đã phần nào ảnh hưởng đến việc làm bài của các thí sinh.
Kết thúc 180 phút, các thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá phấn khởi. Các thí sinh đánh giá đề thi môn Ngữ Văn không khó nhưng hơi dài. Tuy nhiên, một số thí sinh vẫn hoàn thành bài và rời phòng thi sớm hơn khoảng 20 phút.
Em Nguyễn Anh Việt, trường THPT Lê Thế Hiếu cho biết, em cho rằng đề thi như vậy là phù hợp với khả năng và lực học của nhiều bạn. Trong đề thi có nhiều câu yêu cầu thí sinh bình luận, trình bày cảm nghĩ… nên khơi gợi được sự sáng tạo cho thí sinh. Kết thúc môn thi thứ 3, Việt tỏ ra khá tự tin vì làm được bài.
Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Thị Hoa, Trường THPT Phan Chu Trinh đánh giá đề thi môn Ngữ Văn hơi dài nhưng không quá khó. Nhiều nội dung đề cập trong bài thi không nằm ngoài kiến thức cơ bản. Hoa cho rằng mình làm được khoảng 60% đề bài.
Vừa ra khỏi phòng thi, thí sinh Đinh Thị Thùy Dung cho biết: “Đề Văn không quá khó, em làm gần xong hết và cũng rất tự tin với bài làm. So với đề thi mọi năm đề năm nay không quá khó ở những câu đầu. Những câu sau để phân loại học sinh nên có phần khó nhưng không đánh đố học sinh”.
Còn em Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: “Đề không đánh đố nhưng câu hỏi đưa ra các đoạn văn rất dài nên phải đọc kỹ đề mới làm được. Phần 1 đọc và hiểu không quá khó nên em làm xong đề bài này rất nhanh. Phần này có đề cập đến Hoàng Sa và Trường Sa nên em rất thích. Phần 2 làm văn đoạn trích cũng rất dài, phòng em có nhiều bạn làm xong trước 20 phút, nhiều bạn gắng làm cho xong khi tiếng trống hết giờ cũng vừa đủ thời gian. Em làm xong hết chắc chắn được hơn 70%”.
Cũng theo em Thảo, làm tốt môn Văn hôm nay, kết hợp với hai môn đã thi thì điểm đậu được tốt nghiệp không thành vấn đề với thí sinh này. “Môn nào em cũng làm xong và chắc chắn được trên 70%, hi vọng điểm sẽ cao” – em Thảo nói.
Ghi nhận tại các điểm thi trên địa bàn Thành phố Thanh Hóa, rất nhiều thí sinh hoàn thành bài thi trước thời gian quy định. Tại điểm thi trường THCS Lê Lợi, cơ sở 1 trường ĐH Hồng Đức…nhiều thí sinh ra sớm trước cả tiếng đồng hồ.
Em Lê Thanh Vân, học sinh trường THPT Đào Duy Từ chia sẻ: “Đề Văn năm nay không hề khó. Câu tự luận về một đoạn trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu cũng được trích dẫn luôn trong câu hỏi nên chúng em không phải mất thời gian để nhớ chi tiết. Với loại đề này, em nghĩ học sinh trung bình cũng dễ dàng được điểm khá”.
Cùng chung đánh giá với thí sinh Thanh Vân, em Nguyễn Thị Huế, học sinh trường THPT Nguyễn Hoàng cũng khẳng định: “Đề Văn rất dễ đạt điểm cao. Nhiều bạn trong phòng em đã hoàn thành trước thời gian quy định khá lâu. Câu hỏi liên quan đến Trường Sa và Hoàng Sa rất thú vị, ngoài ra câu hỏi về đoạn văn trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng là một câu hỏi mở nên hầu hết các bạn đều rất thích”.
Tại Hà Nam thời điểm này, thời tiết khá nóng nực và oi bức, dù vậy nhiều thí sinh sau khi ra khỏi phòng thi vẫn nán lại tại trường để cùng bạn bè trao đổi về bài thi của mình.
Theo nhận định chung của một số thí sinh, đề Ngữ Văn năm nay rất ấn tượng, đề cao sự sáng tạo của học sinh để thể hiện được suy nghĩ của mỗi thí sinh.
Thí sinh Nguyễn Thị Huyền (Lý Nhân): “Đề thi năm nay nghiêng về sự sáng tạo hơn là học thuộc lòng. Riêng về phần những người lính biển trên đảo Hoàng Sa, Trường Sa giúp cho thí sinh bọn em thể hiện đúng tình cảm dành cho những người đang đứng trước đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc”.
Cũng theo đánh giá của các thí sinh, đề Ngữ Văn tương đối vừa sức, so với ngày thi đầu tiên thì môn Ngữ Văn có thể lấy được điểm khá.
Trao đổi với PV Dân trí, thí sinh Nguyễn Thị Yến Nhi – học sinh trường THPT Nguyễn Hồng Sơn (Kiên Giang) cho biết: “Đề thi năm nay có 2 phần, phần 1 đọc hiểu và phần làm văn. Với nội dung đề Văn năm nay nếu tụi em học bài tốt thì dễ dàng lấy 7 -8 điểm”.
Sáng nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 4.640 thí sinh dự thi chia đều cho tất cả 15 hội đồng thi. Nhìn chung không khí kì thi diễn ra khá nghiêm túc, và theo nhiều thí sinh đánh giá thì đề Văn năm nay yêu cầu quá nhiều kiến thức, với 10 nội dung nên rất khó để làm tốt nếu không biết chia thời gian cho hợp lí giữa các câu.
Gần như, đối với đề Ngữ Văn không còn tình trạng thí sinh ra trước cả tiếng đồng hồ như những môn khác. Bởi vì với đề thi này nhiều thí sinh khá bất ngờ với đề thi năm nay, vì đề thi này quá nhiều câu, yêu cầu quá nhiều nội dung dẫn đến nhiều thí sinh lúng túng trong việc chia thời gian các câu để làm cho hợp lí.
Theo nhận định của thí sinh được cho là ra sớm nhất tại hội đồng thi Phan Đình Phùng, TP Đồng Hới, em Nguyễn Viết Hưng cho hay: “Theo em thì đề Văn năm nay quá dài, tuy không khó nhưng mới đầu vô em không biết bắt đầu từ đâu, hơi lúng túng và chưa quen với việc chia thời gian để làm cho phù hợp nên chắc kết quả không được cao. Với đề này em chỉ làm được khoảng 50% số điểm”.
Tại hội đồng thi Trường ĐH Quy Nhơn, vừa hết 2/3 thời gian làm bài thí rất đông thí sinh rời phòng thi với tâm trạng khá thoải mái. Dù môn Văn chỉ là xét tuyển tốt nghiệp nhưng thí sinh Nguyễn Khánh Duyn (ở huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) vẫn tự tin khẳng định mình làm được 60 đến 70% đề thi. “Đề thi không khó lắm. Từng câu trong đề có sự phân hóa rõ ràng cho học sinh trung bình, khá và giỏi. Nếu chỉ xét tốt nghiệp vẫn làm dư điểm đậu, còn thí sinh chuyên Văn dễ có điểm cao hơn.
Đồng quan điểm, thí sinh Nguyễn Như Quỳnh (ở Mộ Đức, Quảng Ngãi), nguyện vọng xét vào ĐH Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh, cũng cho rằng đề Ngữ văn khá dễ thở. “Mấy câu đầu chỉ đọc hiểu. Riêng câu nghị luận xã hội nói về rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như tích lũy kiến thức thì mình phải hiểu rõ nội dung và có kiến thức xã hội sẽ làm bài tốt. Em chuyên khối tự nhiên nhưng với đề Văn này em chắc làm được 7 điểm”, Quỳnh chia sẻ.
Ghi nhận tại các điểm trường thi tại cụm thi số 27 - ĐH Đà Nẵng, không ít thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia ra sớm trước khi hết giờ làm bài thi môn Văn. Tuy nhiên, khi được hỏi, đa số thí sinh cho rằng đề thi khá dài.
Ghi nhận của PV Dân trí tại cụm thi Bạc Liêu buổi thi sáng nay 2/7, khoảng 10h, nhiều thí sinh thi môn Ngữ Văn ra sớm sau khi hết 2/3 thời gian. Theo đánh giá chung của thí sinh, đề Ngữ Văn năm nay khá dài nhưng không quá khó. Một số thí sinh cho biết, đề ra sát sườn trong chương trình học lớp 12 và sát với những vấn đề xã hội cuộc sống hiện nay như vấn đề biển đảo, lối sống vô cảm…được nêu ra trong đề và đây là những đề tài rất hay.
Em Huỳnh Diễm (thi tại điểm thi ĐH Bạc Liêu) đánh giá, đề Văn chia thành 2 phần tổng cộng 10 câu, khá dài nhưng vẫn đủ thời gian để làm trong 180 phút. Những học sinh khá giỏi có thể làm dư thời gian. Với học sinh có học lực trung bình có thể làm đạt từ 4- 5 điểm. Theo em Diễm, em thấy hay nhất là câu nghị luận qua hình ảnh người phụ nữ nói lên cách nhìn nhận cuộc sống của tác giả. Cũng theo em Diễm, qua câu về biển đảo, em cũng thấy rất hay, qua đó, giúp học sinh hiểu thêm về đất nước, về những khó khăn của những người lính ngoài biển đảo quê hương mình.
Còn em Thiện Vũ (một học sinh Bạc Liêu) thì nhận xét, em thấy hay nhất là câu nghị luận liên quan đến vấn đề vô cảm. Đây là một vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội hiện nay nên đề ra góp phần có những cái nhìn rõ hơn về vấn đề này trong từng suy nghĩ, nhận thức, đặc biệt là lớp trẻ như học sinh, sinh viên.
(Thực hiện Huỳnh Hải)
Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại hội đồng thi ĐH Kinh tế Huế, môn thi Ngữ văn bám sát với chương trình học, dạng đề ra phù hợp với sức của thí sinh. “Em cảm thấy môn thi ngữ văn đề không khó, thời gian làm bài vừa đủ. Bản thân em hoàn thành khá tốt” - thí sinh Trần Nhật Quang (Trường THPT Nguyễn Huệ, TP Huế) chia sẻ.
Cùng với ý kiến đó là thí sinh Trần Nguyễn Thiện Tâm (Thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế) cho biết: “Đề thi năm nay khá vừa sức, đúng trọng tâm và bám sát với những gì em đã học”.
Hầu hết các thí sinh cảm thấy hài lòng với đề thi môn Ngữ văn.
Hơn 10h, tại điểm thi Trường THPT Herman (Tp Vinh, Nghệ An) – Cụm thi địa phương đã có rất nhiều thí sinh ra cổng trường thi. Khuôn mặt các em khá tươi tỉnh. Nhiều em còn nán lại trước cổng trường để bàn bạc về bài thi của mình. “Đề thi có 4 câu, trong đó 2 câu đọc hiểu, 1 câu nghị luận xã hội và 1 câu nghị luận văn học. Đề không quá khó đối với học sinh thi lấy điểm tốt nghiệp như chúng em”, thí sinh Nguyễn Tùng Anh bày tỏ.
Thí sinh Nguyễn Thị Phương (Hưng Nguyên, Nghệ An) dự thi tại điểm thi Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân – Cụm thi số 25 khá thoải mái sau khi kết thúc môn thi thứ 3. Phương thi khối D1 nhưng không tự tin lắm đối với môn Văn, tuy nhiên nhờ ôn tập kỹ nên cô bạn này đánh giá bài làm của mình “tạm tạm”.
“Câu nghị luận xã hội yêu cầu viết bài luận dài 600 từ về câu nói: “Việc rèn luyện kỹ năng sống rất cần thiết cũng như tích lũy kiến thức”. Em đánh giá câu hỏi này khá hay. Việc tích lũy kiến thức là cả một quá trình nhưng có tri thức chưa phải là có tất cả. Muốn sống tốt, thích ứng được với các điều kiện sống khác nhau thì mỗi người phải rèn luyện kỹ năng sống. Kỹ năng đó là những va chạm, trải nghiệm trong suốt quá trình sống. Kỹ năng sống chưa được nhiều bạn trẻ chú trọng nhiều, nhất là những bạn được bố mẹ, gia đình bao bọc quá mức”, Phương chia sẻ.
Còn hơn nửa tiếng nữa mới hết giờ, nhưng em Ksor Man (trú Kbang, Gia Lai) đã ra khỏi phòng thi, Man cho biết, đề văn khiến em rất thoải mái về tâm lý thi. Không áp lực về kiến thức đúng sai trong sách giáo khoa, đề Văn đã giải phóng được áp lực về tâm lý học hành của các thí sinh. Chính vì vậy, Man hoàn thành bài văn sớm.