Trường mầm non bận rộn “giữ chân” trẻ

(Dân trí) -Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về những tác hại của việc cho trẻ đi học chữ sớm nhưng một số phụ huynh ở Hà Nội vẫn “bỏ ngoài tai”. Trước xu hướng này, các trường mầm non nỗ lực làm công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp” để “giữ chân” trẻ.

Nỗ lực “giữ chân” trẻ

Hàng năm, trong nhiệm vụ năm học cả Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT đều nhấn mạnh: “Không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non”. Tuy nhiên đối với bậc học này lại không có sự ràng buộc trong việc đến lớp nên khi phụ huynh (PH) công khai hoặc “âm thầm” cho con nghỉ thì nhà trường cũng chỉ biết chấp nhận.

Khảo sát nhiều trường mầm non (MN) công lập và tư thục ở Hà Nội cho thấy, những năm qua số lượng trẻ bỏ lớp đi luyện chữ ngày càng tăng. Năm nay với việc tình hình kinh tế khó khăn nên các gia đình cũng cân nhắc hơn bên cạnh đó các trường cũng chú trọng làm công tác tư tưởng cho PH nên vào thời điểm hiện tại số trẻ bỏ lớp chưa đến mức báo động.

Theo cô Nguyễn Khánh Hương - hiệu trưởng Trường MN Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội), nếu như những năm trước vào thời điểm này có hàng chục em bỏ lớp thì năm nay số lượng này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên qua tìm hiểu thì những em này bỏ lớp không phải là đi luyện chữ mà do những nguyên nhân khác.
 
Trường mầm non bận rộn “giữ chân” trẻ

Việc "giữ chân" trẻ đang là một trong những thách thức của nhiều trường mầm non ở Hà Nội.

Hiệu trưởng Hương cũng cho hay, mặc dù tâm lý của PH vẫn muốn cho con đi học chữ trước nhưng với việc bỏ ra vài triệu/tháng nên họ đành phải cân nhắc hơn. Bên cạnh đó, nhiều bậc PH sau khi được nhà trường tư vấn cũng đã nhận thức được phần nào kết hợp với việc trẻ đòi quay lại lớp MN để học.

Chị L.T.H có con đang ở trường MN C.L. tâm sự: “Nghe tin cô K. giáo viên của một trường tiểu học luyện chữ tốt nên tôi đã cho con bỏ lớp đến học. Tuy nhiên được vài ngày thì cháu “mếu máo” đòi quay trở lại trường mầm non. Khi tìm hiểu thì mới biết nhà cô chỉ chật hẹp nhưng nhận hàng chục cháu, nóng nực kèm theo không có bạn chơi cùng nên cu cậu không chịu”.

Không chỉ có trường công mà ngay cả trường tư cũng đang nỗ lực hết mình trong việc “giữ chân” học trò trước xu thế “chạy đua” của các bậc PH. Cô Trần Thị Minh Hải - hiệu trưởng Trường MN Tư thục Minh Hải chia sẻ: “Sở dĩ hiện tại vẫn duy trì được sĩ số lớp 5 tuổi ổn định là do ngày từ đầu năm học đã làm công tác tư tưởng cho PH kèm theo lời cam kết là nhà trường đảm bảo tất cả các trẻ sau khi hoàn thành chương trình MN đều có thể học tốt lớp 1”.

Cũng theo cô Hải, hiện tưởng trẻ bỏ lớp đi luyện chữ hiện nay khá phổ biến. Chính vì thế việc “giữ chân” được trẻ không phải là chuyện dễ dàng. Ngoài công tác tuyên truyền thì hiện tại để “giữ chân” trẻ, nhiều trường MN tư thục ở Hà Nội còn chủ động mời giáo viên các trường tiểu học đến dạy chữ cho học sinh lớp mẫu giáo lớn. Hình thức đăng ký học là tự nguyện. Các bé được tập viết bằng bút chì trên vở ô li. “Không tổ chức tại trường thì các PH cũng cho con ra ngoài học” - giáo viên Trường MN tư thục T.T cho hay.

Không thể đưa ra chế tài!

Trước việc cho rằng, Bộ GD-ĐT không bắt buộc phải có chứng nhận hoàn thành mẫu giáo 5 tuổi mới được nhập học lớp 1 khiến nhiều phụ huynh không ngần ngại cho con nghỉ học mẫu giáo vào thời điểm này, bà Ngô Thị Hợp - Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục MN nhấn mạnh: “Đây là chương trình phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi chứ không phải là chúng ta đánh giá. Bên cạnh đó, đối với lớp 1 cũng không thể quy định phải có giấy chứng nhận mới tiếp nhận bởi theo Luật giáo dục thì mọi trẻ đủ tuổi đều được đến trường. Chính vì thế chúng ta không thể đưa ra quy định như vậy”.

Cũng theo bà Hợp thì mấu chốt của vấn đề ở đây là cần phải tuyên truyền để cho phụ PH thức lại. Hiện nay nhiều bậc PH quá kì vọng và yêu cầu con cái quá cao. Họ mong muốn con mình phải biết làm toán, biết đọc, biết viết trước để khi vào lớp 1 bố mẹ yên tâm. Nhưng thực ra cách làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của con họ chứ không phải giúp cho phát triển tốt.

Việc cho con đi học trước là phản tác dụng, nó thể hiện ở chỗ tay của trẻ chưa hoàn thiện về cơ nên khi viết sẽ không chuẩn. Quan trọng hơn khi trẻ biết trước sẽ dẫn đến chủ quan và điều này rất nguy hiểm.

Đồng quan điểm trên, cô Nguyễn Khánh Hương - hiệu trưởng Trường MN Cát Linh chia sẻ thêm: “ Các bậc phụ huynh không nên nóng vội bởi trẻ phát triển cần phải có “cữ” của nó. Đối với chương trình giáo dục MN mới, nếu học tốt thì việc học lớp 1 không có gì là khó khăn bởi ở đây trẻ cũng được làm quen với chữ cái, con số…qua việc tập tô, vẽ”.
 
Trường mầm non bận rộn “giữ chân” trẻ

Một vở tập tô, vẽ chữ của trẻ 5 tuổi trường mầm non Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội).

Nói về chương trình MN mới, Phó vụ trưởng Ngô Thị Hợp cho khẳng định: “Nếu học đầy đủ chương trình thì trẻ đã có đầy đủ về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1. Vấn đề này đã được thử nghiệm và nghiên cứu. Ngay cả trên thế giới cũng không bắt trẻ mẫu giáo phải viết hay làm toán mà tất cả các chuyên đề đều cho làm quen hết”.

“Thời gian tới chúng tôi dự kiến sẽ kiến nghị để làm sao cho có sự liên thông giữa chương trình giáo dục MN và bậc tiểu học. Nên chăng ít nhất học kì I của lớp 1 phải thiết kế lại chương trình để cho gần gũi với chương trình giáo dục bậc MN sao cho trẻ có thể làm quen và thích ứng dần dần với môi trường mới” - bà Ngô Thị Hợp tiết lộ.
 
Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm