Trúng tuyển nhưng từ chối học đại học: Lựa chọn thực tế hay nông nổi?

Hoàng Hoàng

(Dân trí) - Mỗi năm có hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển đại học nhưng không xác nhận nhập học. Trong số này, có em cho rằng tấm bằng đại học không thực sự quá quan trọng nên đổi hướng.

Trúng tuyển nhưng không nhập học

Cầm giấy báo nhập học trên tay Nguyễn Duy Khánh cảm thấy vui mừng và hồ hởi khi quả ngọt trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đã đến hồi kết trái.

Duy Khánh tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Ngô Quyền (huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) và trúng tuyển vào Trường Đại học Văn Lang với ngành kỹ thuật phần mềm.

Song, niềm vui sớm qua đi khi Khánh quyết định không đi học đại học nữa.

Trúng tuyển nhưng từ chối học đại học: Lựa chọn thực tế hay nông nổi? - 1

Nguyễn Duy Khánh đỗ đại học nhưng quyết định đi làm để tích lũy kinh nghiệm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chàng trai chia sẻ, sau khoảng thời gian suy nghĩ kỹ càng em nhận thấy việc học đại học không quá quan trọng như trước nữa, khi kinh nghiệm làm việc giờ đây có giá trị hơn so với một tấm bằng.

"Em nghĩ 1 chiếc CV (hồ sơ xin việc) dày dặn kinh nghiệm đôi khi vẫn được đánh giá cao hơn so với 1 chiếc CV có bằng đại học, nhưng lại chẳng có kinh nghiệm nào", Khánh chia sẻ.

Đối với Khánh, không vào giảng đường không đồng nghĩa với việc dừng học tập. Hiện tại, em đang đi làm nhằm mục đích vừa kiếm tiền vừa tích lũy kinh nghiệm và tham gia vào một lớp học online để theo đuổi đam mê của mình.

Trúng tuyển nhưng từ chối học đại học: Lựa chọn thực tế hay nông nổi? - 2

Giấy báo nhập học Trường Đại học Văn Lang của Duy Khánh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tương tự với Khánh, Đào Anh Quyết cũng nhận được giấy báo nhập học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Đại Nam nhưng cuối cùng không nhập học.

Quyết tâm sự: "Việc em đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường này cũng chỉ cho vui thôi, trúng cũng được mà không trúng cũng không sao. Bởi em đã có dự tính cho tương lai".

Vì điều kiện gia đình không khá giả, em quyết định tham gia nghĩa vụ quân sự. Khi hoàn thành, có một khoản vốn nhỏ trong tay, Quyết sẽ theo học một trung tâm đào tạo tiếng để đi xuất khẩu lao động.

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2023 có 612.283 thí sinh trúng tuyển đợt 1 trên hệ thống của Bộ. Trong đó, gần 118.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học đợt 1.

Con số này tăng nhẹ so với năm 2022 khi có gần 104.000 thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1.

Nhìn vào số liệu trong hai năm 2022, 2023 cho thấy nhiều thí sinh dù trong danh sách trúng tuyển nhưng lại lựa chọn không nhập học trong đợt 1, mỗi năm có đến hơn 100.000 em.

Những lý do khiến nhiều thí sinh từ chối cơ hội trở thành sinh viên với rất nhiều lý do được đưa ra như: đi học nghề, đi làm, thay đổi mục tiêu,…

Cần chọn lựa phù hợp 

ThS Lê Anh Tiến - CEO Công ty Cổ phần Chatbot Việt Nam, một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu lĩnh vực kinh doanh - khởi nghiệp, chia sẻ các bạn Gen Z ngày nay đã thực dụng hơn.

"Nhiều bạn suy nghĩ thực tế xem tấm bằng đại học đó có giải quyết được nhu cầu của bạn hay không, có công việc tốt trong tương lai không. Thế hệ của chúng tôi, muốn thành công phải có bằng đại học, nhưng bây giờ, suy nghĩ của Gen Z thay đổi nhiều", ông Tiến nói.

Vì thế, vị CEO cho rằng có những con đường khác nhau để thành công trong cuộc sống. Ông Tiến chỉ ra xu hướng thứ nhất, nếu bạn nào xác định đi theo con đường học vấn sẽ học đại học, mất từ 3-4 năm. Thứ hai, bạn nào muốn ra làm nhanh sẽ chọn học nghề.

ThS Lê Anh Tiến nhấn mạnh, nói như thế không phải là học đại học không có ý nghĩa. Mỗi một quyết định cần suy xét kỹ lưỡng về hoàn cảnh, điều kiện và thực lực của bản thân.

Ông dẫn chứng những tỷ phú nổi tiếng trên thế giới không phải ai cũng học đại học, tuy nhiên, con số này không nhiều. Trước khi thành công, những vị này đã trải qua vô số thất bại, những bài học từ "trường đời".

Do đó, ông Tiến nhấn mạnh, bản thân mỗi học sinh cần xác định rõ mình muốn gì và phù hợp với điều gì, đừng nên có quyết định nông nổi.

Trúng tuyển nhưng từ chối học đại học: Lựa chọn thực tế hay nông nổi? - 3

Học sinh dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Đồng quan điểm khi cho rằng học đại học không phải con đường duy nhất nhưng TS Mai Đức Toàn - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, nhấn mạnh ở bậc phổ thông, học sinh thường học về kiến thức cơ bản còn lên đại học, ngoài kiến thức chuyên môn còn có sự chuyên sâu, học về tư duy và đào tạo kỹ năng...

Sinh viên đại học được đào tạo chuyên nghiệp để các em trưởng thành với nền tảng kiến thức và kỹ năng vững chắc.

Ông khuyên rằng, nếu có điều kiện nên đi học để trang bị những kiến thức cần thiết cho cuộc sống. TS Toàn cũng cho hay hiện có nhiều chính sách để hỗ trợ các em sinh viên về học phí học đại học. Cùng với đó, một số trường có chương trình đại học tinh lọc còn 3 năm sẽ tiết kiệm thời gian cho người học.

Nhằm gỡ rối những vướng mắc về tài chính, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, đề xuất một số giải pháp như: mở rộng chính sách tín dụng đối với sinh viên để người học có nhu cầu tiếp cận vốn vay.

"Các trường nên đa dạng nguồn thu hơn, tránh phụ thuộc vào việc tăng học phí, khuyến khích xây dựng nhiều hơn nữa các quỹ học bổng tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập...", ông Khuyến đề xuất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm