Nhà trọ "đóng hộp" không thấy ánh mặt trời: Giấc ngủ nơm nớp lo sợ

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Không thấy ánh mặt trời, không phân biệt ngày đêm, mô hình "sleep box" (hộp ngủ), đang đặt ra những lo ngại về an toàn cháy nổ và rủi ro sức khỏe của người trẻ.

Nhà trọ đóng hộp không thấy ánh mặt trời: Giấc ngủ nơm nớp lo sợ - 1

Một gian phòng chỉ khoảng 70m2 có thể bố trí tới 30 hộp ngủ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Chỗ nghỉ ngơi siêu nhỏ 

Giá thành rẻ, chưa tới 2 triệu đồng/tháng cho toàn bộ nhu cầu sinh hoạt. Đó là ưu điểm nổi bật khiến "sleep box" ngày càng nở rộ và trở thành một chọn lựa của nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên, người lao động nghèo. 

Sleep box là một khoang ngủ vừa vặn cho một người ở, nằm trong một căn phòng chung với nhiều người khác. Mô hình này nhằm tối ưu chi phí và diện tích. Nhiều chủ đầu tư gọi mô hình với cái tên mỹ miều là ký túc xá kiểu mới. 

Theo lời dẫn từ một quảng cáo được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội, phóng viên Dân trí tìm đến một căn nhà trọ trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TPHCM).  

Dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện từng phần nhưng hộp ngủ dựng đến đâu gần như đã đặt cọc hết đến đó.  

Nhìn từ bên ngoài, căn nhà khoảng 160m2 được bố trí với 1 trệt và 4 lầu giống như một căn chung cư mini. Tầng trệt là chỗ để xe máy. Từ lầu 1-3, mỗi lầu chia thành các phòng lớn và khu vệ sinh, tắm rửa. Riêng lầu 4 dành một phòng để làm nhà bếp, sinh hoạt chung.

Trong nhà bếp có một bình chữa cháy đặt bên dưới những đồ đạc ngổn ngang. Lối đi lại chật hẹp, hai người tránh nhau khó khăn.

Nhà trọ đóng hộp không thấy ánh mặt trời: Giấc ngủ nơm nớp lo sợ - 2

Nhìn bên ngoài, căn nhà giống như một chung cư mini hay nhà trọ bình thường, nhưng bên trong có sức chứa lớn với hàng trăm chiếc hộp ngủ (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Trong phòng lớn là vô số hộp ngủ được đặt chồng lên nhau.

Tại một căn phòng lớn ở lầu 2 có chiều dài chừng 20m, chiều rộng chừng 3,6m (tổng diện tích khoảng 70m2) bố trí tới 30 hộp ngủ. Mỗi gian được lắp đặt 2 chiếc máy lạnh và hành lang đi lại chừng 1m. 

Sleep box sẽ có diện tích siêu nhỏ, chưa tới 3m2 với chiều dài 2m4, chiều rộng 1m2, chiều cao khoảng 1m2 với hộp tầng trên và 1m5 với hộp tầng dưới.  

Mỗi hộp sẽ có khóa và công tắc điện riêng. Nếu đồng ý thuê, người thuê sẽ được phát 1 bộ nệm và ga.  

Nhà trọ đóng hộp không thấy ánh mặt trời: Giấc ngủ nơm nớp lo sợ - 3

Một hộp ngủ với diện tích chưa tới 3m2 (ngang 1,2m, dài 2,4m) với giá thuê 1,5 triệu/tháng (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ngoài ra, nhà vệ sinh, không gian bếp núc, bàn ăn, phơi giặt đồ, giá giầy dép... sẽ được bố trí ở những khu vực riêng và dùng chung, tách biệt ra khỏi sleep box. Người ra vào cổng chính được kiểm soát ra vào bằng vân tay. 

Mức hộp thấp nhất là 1,5 triệu đồng/tháng, cao nhất là 1,65 triệu đồng/tháng, tùy theo lầu. Cùng với đó, người ở nộp thêm phí vệ sinh và phí để xe máy thêm 100 nghìn đồng/tháng cho mỗi dịch vụ. 

Mức phí trên đã bao gồm trọn gói giá thuê phòng, điện nước, Internet và một số vật dụng dùng chung như nồi cơm điện, tủ lạnh, bếp nấu ăn, dụng cụ nấu ăn, thể thao... 

Nhà trọ đóng hộp không thấy ánh mặt trời: Giấc ngủ nơm nớp lo sợ - 4

Không gian bếp dùng chung cho toàn bộ cư dân của tòa nhà (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Nhìn chung, mô hình hộp ngủ sẽ được thiết kế gần như tương tự nhau và có vị trí gần các trường đại học.

Mức giá cả mỗi nơi sẽ có sự khác biệt nhưng trung bình từ 1,4 triệu đến 2,2 triệu đồng/tháng. Người vào ở thường phải ký hợp đồng 3-6 tháng và cọc tiền ít nhất 1 tháng. Nếu chuyển đi trước thời hạn, số tiền cọc sẽ không được hoàn lại.

Theo giới thiệu của một chủ nhà trọ, mô hình sleep box được lấy ý tưởng từ những khoang ngủ của hạng thương gia máy bay hoặc buồng riêng trên các toa tàu và học hỏi mô hình tại Nhật Bản.  

Rẻ, tiện lợi... dễ hút sinh viên  

Đánh vào tâm lý rẻ, tiện lợi... mô hình lưu trú hộp ngủ phù hợp với sinh viên, người lao động nghèo hay những người độc thân đi làm cả ngày. Họ chỉ cần một chỗ nghỉ vào mỗi buổi tối.  

Theo quản lý của một sleep box ở quận Bình Thạnh, đa số người thuê hộp ngủ là sinh viên mới nhập học do chưa quen biết ai để thuê phòng ở chung nên chọn ở một mình cho tiết kiệm. 

"Hệ thống của tôi có đến 10 căn hộ cho thuê dạng sleep box rồi. Căn nào cũng đắt khách. Chấp nhận mức giá thấp cũng sẽ có những bất tiện nhất định như không gian hẹp, giờ giấc, đi lại phải chấp nhận theo quy định chung", người này cho hay. 

Nhà trọ đóng hộp không thấy ánh mặt trời: Giấc ngủ nơm nớp lo sợ - 5

Nhiều lời chào mời thuê phòng kiểu sleep box khắp các diễn đàn mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình).

N.A. - sinh viên Trường Đại học Văn Lang - chọn ở trong một hộp ngủ. A. kể, em học trường có mức học phí khá cao nên muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt ở mức thấp nhất có thể.  

"Với mức chi phí chưa tới 2 triệu đồng/tháng em cũng không dám đòi hỏi gì hơn dù đôi lúc nghĩ giống như mình đang ở tù hay tưởng tượng ra đang trong chiếc quan tài", N.A. chia sẻ.  

Dù cho rằng phù hợp nhưng N.A. chỉ ra vài bất tiện như cách âm không tốt nên dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ khoang ngủ của hàng xóm. Ngoài ra, an toàn cháy nổ hay sự ổn định của những chiếc hộp cũng là đều N.A trăn trở.  

Còn M.V. - sinh viên Trường Đại học Tài chính Marketing - vừa dọn ra khỏi hộp ngủ chỉ với một chiếc vali đồ nhỏ nhắn.  

V. cho hay vì mới nhập học nên em tìm hiểu trên mạng thấy mô hình này được quảng cáo khá hấp dẫn nên đến thuê. Vậy nhưng, không gian chật hẹp, tối tăm khiến em cảm thấy ngột ngạt, khó thở.

"Đêm ngủ em luôn nơm nớp vì sợ mất đồ, mất máy tính bởi phải mở cửa hộp ra mới có oxy để thở và cũng đón gió điều hòa vào. Ở trong căn phòng đặc biệt này, em không thấy ánh mặt trời", V. nói.  

Nhiều ý kiến đã từng bày tỏ lo ngại bởi mô hình này, đặc biệt lo sợ cho sự an toàn và sức khỏe của các bạn trẻ đang nhốt mình trong một chiếc hộp.  

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm