Bạn đọc viết:
Trò chấm điểm thầy: Một tín hiệu vui!
(Dân trí) - Thông tin một trường THPT ở TPHCM cho học sinh “chấm điểm” giáo viên mở ra một tín hiệu tích cực trong nhà trường, nơi mà tiếng nói của học sinh được ghi nhận, tôn trọng.
Theo đó, trường THPT Nguyễn Du thực hiện việc chấm điểm giáo viên với 5 tiêu chí đánh giá bao gồm: kiến thức của giáo viên; phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của giáo viên; trách nhiệm của giáo viên; phương pháp giảng dạy của giáo viên; phương pháp kiểm tra đánh giá của giáo viên.
Theo tôi biết thì đây không phải là lần đầu tiên trường học cho phép trò đánh giá, “chấm điểm” thầy mà một số đơn vị giáo dục đã thực hiện công tác này thường xuyên và đem lại hiệu quả tích cực.
Tiếc thay, khi đọc bình luận của các bạn đọc bên dưới bài viết trên báo Dân trí, tôi thấy khá nhiều người phản bác, thậm chí là phủ nhận sạch trơn hiệu quả của việc trò “chấm điểm” thầy. Xin dẫn ra một số ý kiến, ví dụ: Để học sinh chấm điểm giáo viên, mới nghe tưởng sáng kiến, bình đẳng song tác dụng ngược lại sẽ khôn lường. Hoặc là: Phản giáo dục, dân chủ quá trớn…
Lâu nay, chúng ta thường mặc định thầy luôn đúng và chỉ có thầy mới có quyền kiểm tra trò, cho điểm trò. Tuy nhiên, đã đến lúc lối tư duy xưa cũ ấy phải thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thời đại. Khi mà phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực” đang phát huy tác dụng kết nối thầy - trò và quan điểm xây dựng “trường học hạnh phúc” vừa được Bộ GD&ĐT xác định thì việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học sinh là một giải pháp tối ưu để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” trọn vẹn.
Bất kỳ ngành nghề công việc nào muốn hiệu quả, thành công cũng đều phải tạo ra sự tương tác đa chiều. Tôi nghĩ giáo dục cũng không thể ngoại lệ. Một ý kiến phản hồi tích cực từ người học sẽ là một cơ hội tuyệt vời để mỗi người thầy tự nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả công việc của mình.
Trên mỗi chặng đường “cầm phấn”, tôi chắc chắn rằng sẽ khó có ai ngay từ đầu đã hoàn hảo trong phương pháp giảng dạy, tâm thế lên lớp, cách ứng xử với học sinh và phụ huynh… Những thiếu sót sẽ dần được bổ khuyết, những hạn chế sẽ được lấp đầy khi người thầy biết lắng nghe tiếng nói của học sinh.
Còn gì tuyệt vời hơn khi người thầy phải luôn nỗ lực hết mình để đổi mới, sáng tạo trong nhiệm vụ trao tri thức và uốn nắn tâm hồn thế hệ trẻ! Muốn được học sinh tin yêu, mỗi người thầy buộc phải thay đổi.
Thông qua việc trò “chấm điểm” thầy, những ứng xử tiêu cực cực của giáo viên cũng sẽ được hạn chế tối đa. Riêng với nhà trường, thông qua các phiếu đánh giá sẽ khéo léo xử lý phản hồi từ người học để điều chỉnh về đội ngũ, chất lượng, phương pháp giảng dạy,...
Tuy nhiên, điều mà chúng ta quan tâm là cách thức thực hiện công việc trò đánh giá thầy này như thế nào khi mà chúng ta trao cho học sinh một cái quyền quá lớn - “chấm điểm” từng thầy cô. Học sinh với các năng lực nhận thức khác nhau, tính cách tâm lý khác nhau sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá mang nặng cảm tính hay không?
Cùng một người thầy nghiêm túc trong giảng dạy, công bằng trong đánh giá sẽ có hai luồng ý kiến trái chiều: học sinh thích học vì hiệu quả và học sinh chán học vì học hành nhiều mà điểm số có vẻ “keo kiệt”. Vậy thì lẽ tất nhiên cũng người thầy đó được điểm số cao thì ít mà bị điểm số thấp thì nhiều. Hiệu quả, tính thực chất và lẽ công bằng ngay trong mỗi tờ phiếu đánh giá đã có vẻ mong manh.
Nên chăng chúng ta sẽ không quá chú trọng vào việc đánh giá năng lực giáo viên mà tập trung khảo sát ý kiến học sinh về đổi mới phương pháp dạy học, ý thức trách nhiệm với công việc và mối quan hệ thân thiện với học sinh?
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!