ĐH Đà Nẵng:

Trình độ tiếng Anh của sinh viên còn ở mức trung bình, kém

(Dân trí) - Theo ghi nhận tại hội thảo dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra cho sinh viên ĐH Đà Nẵng, qua khảo sát các trường thành viên ĐH Đà Nẵng cho thấy trình độ tiếng Anh của phần lớn sinh viên hiện còn ở mức trung bình và kém.

Hội thảo “Chương trình dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra cho SV các trường ĐH, CĐ thành viên ĐH Đà Nẵng) do ĐH Đà Nẵng tổ chức ngày 24/12.
 
Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, trình độ tiếng Anh của phần lớn SV chỉ đạt mức trung bình và kém. Nhiều SV tốt nghiệp ra trường vẫn còn nhiều hạn chế về kỹ năng mềm, trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ, được xem là những chìa khóa quan trọng để đạt hiệu quả cao trong công việc.

Trình độ tiếng Anh của sinh viên còn ở mức trung bình, kém
Nhiều ý kiến tại Hội thảo chương trình tăng cường dạy tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra cho SV ĐH Đà Nẵng cho rằng trình độ tiếng Anh của phần lớn SV hiện còn ở mức trung bình, kém.

Ngoài nguyên nhân chủ quan từ chính trình độ tiếng Anh đầu vào các SV, bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ việc lâu nay chương trình dạy tiếng Anh ở các trường chưa thống nhất với chuẩn đầu ra mà SV phải đạt qua kỳ thi TOEIC, dẫn tới việc SV không có động cơ để hào hứng với chương trình dạy tiếng Anh ở trường. Chương trình với 105 tiết tiếng Anh theo quy định của Bộ GD-ĐT chưa đủ thời lượng đáp ứng nhu cầu học tập của SV để đạt chuẩn trình độ tiếng Anh đầu ra.

Đó cũng là những tiền đề cho chương trình tiếng Anh tăng cường dành cho SV các trường thành viên ĐH Đà Nẵng. Chương trình này nằm trong Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, do nhóm giảng viên trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng biên soạn. Theo đó, giúp SV khi tốt nghiệp ra trường đã có thể đạt chuẩn B1 về tiếng Anh theo Khung tham chiếu trình độ Ngoại ngữ chung của Châu Âu (TOEIC)

Tại hội thảo, nhóm biên soạn đã trình bày nội dung chương trình tăng cường tiếng Anh dành cho SV. Theo đó, chương trình có 400 tiết học từ cấp độ A1 đến B 1, tập trung cả 4 kỹ năng Ngoại ngữ, bao gồm nghe, nói, đọc, viết. Chương trình không chỉ hướng mục tiêu đào tạo SV có trình độ tiếng Anh đạt chuẩn đầu ra như Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tới năm 2020; mà còn được xem là nền tảng để liên thông giữa các cấp học trong việc dạy và học Ngoại ngữ, àm cơ sở để kiểm tra, đánh giá trình độ tiếng Anh của SV theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sau khi nhóm biên soạn trình bày nội dung chương trình, đa phần ý kiến của các đại biểu thống nhất với khung chương trình, mục tiêu của chương trình như trên. Bên cạnh đó, các ý kiến hội thảo cũng lưu ý việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cũng như thu hẹp khoảng cách chênh lệch trình độ tiếng Anh đầu vào khá lớn của SV các trường.

Song song với khung chương trình đào tạo hợp lý, PGS.TS Đoàn Quang Vinh - phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh tại hội thảo: “Điều cơ bản có tính quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo vẫn là phương pháp giảng dạy của giảng viên, phương pháp và ý thức học tập của SV”.

Khánh Hiền