Trẻ tiểu học sợ… mang bầu vì nghe dọa
(Dân trí) - Hù doạ, bịt miệng… là lỗi thường gặp của nhiều phụ huynh trong việc giáo dục giới tính cho con. Điều này dẫn đến việc trẻ dễ ngộ nhận hoặc phải tự mày mò, tìm hiểu các thông tin ngoài luồng sai lệnh.
Dạy con "giữ mình" bằng... hù doạ
Học lớp 4 tại một trường tiểu học ở Q.7, TPHCM, vốn là lớp trưởng rất năng nổ, hồn nhiên, hoà đồng nhưng gần đây, bé Anh Linh (tên nhân vật đã thay đổi) lại rất trở nên nhút nhát, ít nói chuyện và giữa khoảng cách với bạn bè, nhất là các bạn trai. Giáo viên chủ nhiệm đã ngờ ngợ trước sự thay đổi này và cô biết chắc em “gặp vấn đề” khi trong buổi tập văn nghệ, Linh nhất quyết không chịu múa đôi với bạn trai khác vì phải... cầm tay.
Khi cô hỏi han, động viên, Anh Linh oà khóc nức nở, hỏi với vẻ hoảng sợ: “Cô ơi, con có bầu không cô?”. Em kể rằng cách đây không lâu thấy em chơi nhảy lò cò với các bạn trai trong khu phố, bà nội kéo về, dí tay vào trán mắng: “Con gái có kinh nguyệt rồi mà còn chạy nhảy với bạn trai như vậy là có bầu, đẻ con thì khỏi học hành gì nữa nghe”.
Khi em đưa thắc mắc này hỏi mẹ, liền bị la: “Con nít con nôi hỏi chuyện người lớn” làm em càng tin điều bà nội nói là sự thật. Vì ngộ nhận như vậy em tìm mọi cách để không va chạm với người khác giới và trở nên nhút nhát, thu mình.
“Năm học trước, có một bạn nữ lớp 5 còn không chịu học bơi vì nghe bố mẹ nói xuống bể bơi gặp tinh trùng sẽ... có bầu. Trẻ ở bậc tiểu học, nhất là các bé đã có kinh nguyệt, bố mẹ vì lo lắng nên thường hù doạ như một cách bao bọc trẻ. Điều này làm các em thêm mơ hồ, ám ảnh”, giáo viên này bày tỏ.
Chị Lê Hồng Tuyết, nhà ở P.1, Q. Phú Nhuận, TPHCM cho biết hai đứa con chị đang độ tuổi thiếu nhi hay bàn chuyện “tế nhị” như chuyện nam nữ yêu nhau, chuyện đi nhà nghỉ, bao cao su… Không biết giải thích thế nào nên lúc đó chị đành quát con vì tội tò mò rồi ra lệnh cấm con đến chuyện vớ vẩn vì lý do như vậy đầu óc sẽ mụ mị, ngu si.
Mới đây, nghe cậu con trai 9 tuổi rất thích kể chuyện nhìn thấy các bạn gái ở lớp thay… quần áo, chị Tuyết hoảng mà chưa biết phải nói sao cho phải. Đến lần đưa con đi ăn sáng, gặp một người mù bán vé số, chỉ thủ thủ với con rằng họ mù do ngày nhỏ nhìn chuyện xấu, nhìn bạn thay quần áo làm cậu con tái mặt.
“Cháu sợ hãi thanh minh với mẹ con chưa nhìn thấy gì thì có bị mù hay không. Biết mình làm cháu sợ nhưng nhờ vậy tôi thấy yên tâm hơn”, chị thừa nhận.
Biết vệ sinh ở trường học con nằm khá tách biệt, vắng vẻ nên chị Hiền, nhà ở Hóc Môn thường xuyên dặn cô con gái lớp 4 mỗi khi đi tiểu phải rủ thật đông bạn nữ đi cùng để an toàn. Chị phân tích giúp con gái hiểu về nguy cơ bị quấy rối thân thể nhưng khi cậu út đang học lớp 1 cùng trường thắc mắc sao mẹ lại dặn chị như vậy thì chị lại đáp… trong nhà vệ sinh có ma chuyên bắt các bạn nữ.
Đến sau này, ở trường học có lần con trai tiểu trong quần chị mới biết sau hôm nghe mẹ nói có ma, cháu sợ không dám đi vệ sinh. Cháu còn mách thêm với nhiều bạn khác, các em cũng ru nhau nín tiểu.
Giáo dục giới tính: Tuyệt đối không được hù dọa trẻ
Thực tế, không ít phụ huynh cố ý hoặc vô tình dùng nhiều cách hù doạ để nói chuyện liên quan đến giới tính với con. Không chỉ riêng với trẻ nhỏ nghe gì biết nấy mà ngay với những trẻ lớn hơn, nhiều người cũng thường hay có những lời doạ dẫm khi nói chuyện “người lớn”. Nếu không quát mắng họ lại tìm cách né tránh những thắc mắc của con vì suy nghĩ cung cấp cho trẻ nhiều thông tin đồng nghĩa với việc tiếp tay cho trẻ “làm tới”.
Hơn nữa, phụ huynh cũng có tâm lý con còn nhỏ, lớn lên sẽ biết. Trong khi, hiện nay trẻ có xu hướng dậy thì sớm, khi dậy thì chính thức đồng nghĩa với việc các em có khả năng thực hiện quan hệ tình dục và nữ có thể mang thai, sinh con, các em rất cần những giải thích đúng đắn, khoa học từ sớm.
Theo BS Đỗ Hồng Ngọc, phụ huynh luôn cho rằng việc giáo dục giới tính (GDGT) là trách nhiệm của nhà trường nhưng việc GDGT trước hết phải bắt đầu ngay trong gia đình từ ông bà, cha mẹ hay cả người giúp việc. Nếu những vấn đề trẻ thắc mắc nếu không được bố mẹ giải thích thoả đáng, sẽ dẫn đến việc trẻ hoang mang. Khi đó, các em sẽ tìm đến các kênh thông tin ngoài luồng như qua bạn bè, trang web “đen”…
Trẻ khám phá tính dục và học hỏi các giá trị về tính dục là một tiến trình tự nhiên để phát triển, trưởng thành. Nhưng nhiều phụ huynh khi con vừa lên tiếng đã tìm cách “bịt miệng” như “biết gì mà nói”, “cấm nói chuyện tục tĩu”…
“Một trong những nguyên tắc quan trọng khi nói chuyện giới tính với con là không được trấn áp, hù doạ hay che đậy… Việc cha mẹ chuyện giới tính, tình dục với trẻ chỉ đạt kết quả khi họ có thái độ cởi mở, biết lắng nghe”, BS Ngọc khẳng định.
Cách đây không lây, công ty Kimberly Clark Vietnam công bố khảo sát cho thấy dù đã và đang được tiếp cận với rất nhiều những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật nhưng khi nói đến cơ thể, sức khỏe giới tính, sinh sản có đến trên 90% bạn gái Việt Nam đều bộc lộ sự thiếu hiểu biết. Trong đó, có những hiểu biết sai lầm được truyền từ đời này sang đời khác do người lớn vẫn tìm cách che dấu hay đưa ra những giải đáp không thoả.
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (công ty Tâm Lý Trẻ),phụ huynh gặp khó vì chính họ cũng mù mờ về kiến thức giới tính hoặc không biết nên nói chuyện giới tính với con thế nào cho phù hợp. Họ lúng túng trước các thắc mắc của trẻ nên đôi khi hành xử theo cách quát mắng, hù dọa… cho xong việc mà không lường được hậu quả có thể dẫn đến những ngộ nhận ở trẻ.
Để GTGT cho con, các chuyên gia cho rằng, trước hết phụ huynh cũng cần thay đổi nhận thức, quan điểm về giới tính, tình dục sao cho phù hợp. Đồng thời cần trang bị thêm cho mình những kiến thức khoa học để có thể nói chuyện giới tính với con.
Hoài Nam