Giáo dục giới tính cho trẻ từ tuổi ấu thơ
(Dân trí) - Nhiều người đồng nhất việc giáo dục giới tính với giáo dục tình dục nên họ thường trì hoãn, chờ con lớn mới bàn đến. Nhưng giáo dục giới tính là giáo dục nhân cách cho trẻ nên cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Đó là chia sẻ của ThS Lan Hải (Bác sĩ Hoa Tiêu) tại hội thảo "Giáo dục giới tính tuổi mầm non và tiểu học" vừa diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của hàng trăm phụ huynh.
Con hỏi, cha mẹ cuống
Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, trẻ bắt đầu có những câu hỏi về giới tính làm các bậc phụ huynh trở nên lúng túng không biết có nên trả lời hay giải đáp như thế nào. Khi đó, nhiều rất nhiều ông bố bà mẹ chọn cách làm ngơ, hù dọa, quát mắng trẻ... Ít nhiều trong suy nghĩ của phụ huynh đều có tâm lý trì hoãn nói chuyện giới tính với con. Không chỉ trẻ mà bố mẹ cũng rơi vào thế thụ động, đến khi mọi sự xảy ra bới bắt đầu mới lo lắng, cuống cuồng.
Trong khi hiện nay, trẻ có xu hướng dậy thì sớm, nguy cơ xâm hại tình dục ngày càng lớn nên việc giáo dục giới tính (GDGT) sớm càng trở nên cần thiết. Việc trì hoãn hoặc chờ đợi trẻ trẻ lớn đồng nghĩa với việc đẩy trẻ đối mặt với những nguy cơ không lường hết được do trẻ không được chỉ dẫn.
ThS Lan Hải nhấn mạnh, mục đích của GDGT là giáo dục nhân cách phù hợp với giới tính và lứa tuổi của mỗi cá nhân. Điều này song song với sự phát triển của con người nên cần được tiến hành khi đứa trẻ còn nhỏ để đạt mục tiêu xây dựng lối sống lành mạnh trong quan hệ giữa người khác giới, xây dựng quan hệ nhân văn và có trách nhiệm giữa hai giới.
Trẻ ý thức được sự khác biệt giới tính nam nữ từ rất sớm nên nảy sinh sự tò mò, muốn tìm hiểu. Tính hiếu kỳ phát triển mạnh, trẻ hay hỏi là biểu hiện nguyện vọng và hứng thú nhận biết thế giới bên ngoài. Nếu trẻ không nhận được lời giải chính xác sẽ mất đi hứng thú tìm hiểu khám phá hiện tượng, sự vật xung quanh. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì trẻ sẽ tự có những suy đoán lung tung hoặc dựa vào trí tưởng tượng hoặc dựa các kênh thông tin sai lệnh để tìm hiểu.
“Thơ ấu là thời kỳ then chốt của GDGT bởi trẻ mầm non đã bước vào giai đoạn tâm lý tính dục đặc biệt. Đây cũng là thời kỳ tốt nhất để trẻ phát triển về trí khôn lẫn nhân cách. Muốn có một người đàn ông tốt, người phụ nữ tốt thì phải bắt đầu từ những bé trai, bé gái tốt. Giáo dục trẻ nhỏ là việc hệ trọng suốt đời, trong đó có GDGT sẽ quyết định lẽ sống và hạnh phúc của mỗi con người. Nếu giáo dục không đúng có thể dẫn đến lệch lạc về giới tính, tình dục”, ThS Lan Hải chia sẻ.
Nói chuyện giới tính: Cha mẹ cũng phải học
Một trong những cái khó của phụ huynh là không biết phải nói với con những gì và nên nói như thế nào về GDGT. Bác sĩ Hải chỉ ra một số nội dung cụ thể về GDGT phụ huynh cần thực hiện sớm là giúp trẻ biết vệ sinh cơ thể, bảo vệ sức khỏe sinh sản khi vào tuổi dậy thì, hình thành xu hướng tình dục lành mạnh, nhận biết nguy cơ và cách phòng tránh bị xâm hại tình dục.
Trước những câu hỏi của con nhỏ, bố mẹ cần thái độ ôn hòa, thẳng thắn, không nói dối hay thần bí vấn đề và cũng không cần trả lời quá tỉ mỉ. Cách nói chuyện cần kiên quyết, rõ ràng, không nên dài dòng, liên tưởng, không mắc cỡ, không được gây cho trẻ cảm giác sợ hãi.
Cách GDGT hiệu quả nhất là lắng nghe chia sẻ của trẻ. Dù bận rộn thế nào, hằng ngày cha mẹ cũng cần dành thời gian để trao đổi, lắng nghe trẻ nói về những điều xảy ra trong cuộc sống hay cảm xúc, cảm nhận của chính trẻ. Thông qua đóm cha mẹ sẽ nắm bắt được hiểu biết của con mình đến đâu để uốn chỉnh. Đồng thời, dạy con những kỹ năng sống cơ bản để biết tự bảo vệ mình.
Bà Hải bày tỏ: “Trẻ cần hiểu được quyền không bị xâm hại cơ thể, biết cách phòng và thoát khỏi nguy hiểm trong những tình huống có nguy cơ. Cha mẹ luôn luôn giúp con biết cách ứng xử phù hợp, có lòng tự trọng và tự hào về bản thân”.
Việc GDGT đòi hỏi sự kiên nhẫn, kỳ công của cha mẹ và phải thực hiện xuyên suốt trong quá trình phát triển của trẻ. Đặc biệt, theo chuyên gia này, không chỉ con nhỏ mà cha mẹ cũng cần phải học không kém gì trẻ thì mới có thể trò chuyện, giáo dục cho con.
Hoài Nam