Trẻ em thế hệ AI bị bủa vây, nhân áp lực, thêm kỹ năng buộc phải học!

Mai Quỳnh Anh

(Dân trí) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là trào lưu trong thế giới công nghệ, đặc biệt là sau khi ChatGPT và GPT-4 ra đời, ảnh hưởng không ít đến đời sống của tất cả mọi người, trong đó có trẻ nhỏ...

"Chúng tôi gọi trẻ em thời nay là thế hệ AI, bởi AI bủa vây trẻ mọi lúc mọi nơi. AI tạo ra xu hướng mỗi khi trẻ xem video trên Internet, can thiệp vào chương trình học, các khoản trợ cấp xã hội của các gia đình...", ông Seth Bergeson, người đứng đầu dự án "AI cho trẻ em" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chia sẻ.

AI và những ảnh hưởng đến đời sống của trẻ nhỏ

Trẻ em thế hệ AI bị bủa vây, nhân áp lực, thêm kỹ năng buộc phải học! - 1

Trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân loại (Ảnh: Canva).

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - viết tắt là AI) đã cho thấy khả năng làm thay đổi cuộc sống của người lao động mà cả đời sống thường nhật của trẻ em. Trên thực tế, trẻ em thời nay đã sử dụng đồ chơi và các nền tảng được hỗ trợ bởi AI.

AI được dự báo sẽ ngày càng phát triển và chiếm vai trò quan trọng trong đời sống, đặc biệt là vấn đề việc làm. Kỹ năng sử dụng AI trong công việc có thể là yêu cầu bắt buộc và những cải tiến công nghệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như sự nghiệp của trẻ trong tương lai.

Tuy nhiên, vẫn có không ít lo ngại rằng AI là con dao hai lưỡi. Theo một báo cáo của UNICEF và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, các rủi ro đến từ AI chủ yếu xung quanh vấn đề về quyền riêng tư và những tác động đến tâm lý, hành vi.

Trẻ em thế hệ AI bị bủa vây, nhân áp lực, thêm kỹ năng buộc phải học! - 2

Nhiều người lo ngại AI tiềm ẩn nhiều rủi ro với trẻ nhỏ (Ảnh: Canva).

Những rủi ro đó có thể đến từ mạng xã hội. Thông thường, khi trẻ xem các clip trên mạng, AI sẽ sử dụng các thuật toán dựa trên các clip chúng tìm kiếm và tương tác để đề xuất các nội dung tương tự. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp AI đề xuất những nội dung xấu độc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ. Mặc dù các nền tảng mạng xã hội đã có động thái nhằm giảm thiểu tình trạng này, song vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

Trẻ em ngày nay cũng ngày càng ít cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội, khiến sự riêng tư dễ bị tấn công.

Theo báo cáo mới đây của UNICEF, AI cũng có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng bất công bằng, bất bình đẳng. Báo cáo viết: "Ví dụ, các trường sử dụng learning machine (máy học) và công nghệ AI để sắp xếp đơn ứng tuyển của sinh viên, những đã có những trường hợp đơn ứng tuyển đã bị nó loại trừ một cách có hệ thống".

Ông Seth Bergeson chia sẻ: "Ở Anh, chúng tôi đã bắt gặp trường hợp AI chấm điểm sai các bài kiểm tra đạt điểm A của học sinh, làm tiêu tan hy vọng được vào trường đại học hàng đầu của nhiều học sinh".

Theo các chuyên gia, AI cũng có thể ảnh hưởng đến tính tự chủ, quyết đoán của mỗi người. Với sự gắn bó chặt chẽ của trí tuệ nhân tạo với đời sống, đôi khi nó ảnh hưởng rất nhiều đến quyết định của chúng ta và thật khó để không tin tưởng, nghe theo những đề xuất của chúng.

Dạy con sử dụng trí tuệ nhân tạo như thế nào?

Các chuyên gia cho rằng sự giáo dục và dạy dỗ của gia đình và nhà trường chính là chìa khóa để giải quyết những rủi ro trên.

Saurabh Sanghvi và Jake Bryant (đối tác của McKinsey) cho hay: "Trẻ em sẽ cần hiểu cách thức hoạt động của trí tuệ nhân tạo. Từ đó, trẻ sẽ nhận thức được những mặt hạn chế và cách để sử dụng hiệu quả công nghệ này".

Aimee Roundtree, giáo sư tại Đại học bang Texas (Mỹ), cho rằng dạy trẻ từ những kiến thức cơ bản về AI là một cách hay. Cô nói: "Hãy bắt đầu với việc hướng dẫn những kiến thức cơ bản về cách thức hoạt động của trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, cần chú ý sử dụng ngôn từ đơn giản, phù hợp với trẻ".

Trẻ em thế hệ AI bị bủa vây, nhân áp lực, thêm kỹ năng buộc phải học! - 3
Các chuyên gia đưa ra nhiều giải pháp để ngăn trẻ với những rủi ro đến từ trí tuệ nhân tạo (Ảnh: Canva).

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc học từ bản chất thì việc học cách tương tác với trí tuệ nhân tạo cũng quan trọng không kém; chẳng hạn như việc hình thành tư duy phản biện và sáng tạo để bổ sung cho AI, cũng như kỹ năng giải quyết những vấn đề do nó gây ra.

Giáo sư Roundtree nói thêm: "Hiểu biết về trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng trong việc giáo dục trẻ trở thành những công dân có học thức, có trách nhiệm, quyết đoán và biết bảo vệ mình trong thời đại công nghệ".

Cuối cùng, việc giáo dục trẻ sử dụng AI một cách trách nhiệm, an toàn và đạo đức cũng vô cùng quan trọng. Bergeson chia sẻ: "Trẻ phải hiểu rằng trí tuệ nhân tạo cũng có lúc sai sót và có giới hạn của nó. Trí tuệ nhân tạo vẫn tồn tại những hạn chế to lớn, gây ảnh hưởng đến kết quả mà nó đưa ra. Người trẻ, đặc biệt là trẻ em nên được giáo dục để có suy nghĩ thông minh, phù hợp khi sử dụng AI.

Theo www.cnbc.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm