Tranh cãi cộng 2 điểm vào lớp 10 cho con của người hoạt động cách mạng 1945

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh THCS và THPT có nội dung gây tranh cãi khi cộng 2 điểm vào lớp 10 cho con của người hoạt động cách mạng năm 1945.

Theo đó, Dự thảo Thông tư quy chế tuyển sinh THCS và THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất 3 nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên vào lớp 10.

Mức điểm cộng tối đa là 2 điểm cho nhóm 1, 1,5 điểm cho nhóm 2 và 1 điểm cho nhóm 3.

Nhóm đối tượng ưu tiên số 1 là con liệt sĩ, con của thương bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên và con cán bộ cách mạng.

Cụ thể, đối tượng con cán bộ cách mạng được cộng 2 điểm gồm: con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 và con của người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước Cách mạng tháng Tám.

Đây chính là nhóm đối tượng gây tranh cãi.

Tranh cãi cộng 2 điểm vào lớp 10 cho con của người hoạt động cách mạng 1945 - 1

Nội dung cộng 2 điểm vào lớp 10 cho con của người hoạt động cách mạng năm 1945 thường gây tranh cãi trước mỗi mùa tuyển sinh (Ảnh: Mỹ Hà).

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng quy định này không có tính thực tế.

Người hoạt động cách mạng năm 1945 trở về trước không thể dưới 90 tuổi. Ở độ tuổi này, việc có con 15 tuổi, chuẩn bị thi vào lớp 10 là chuyện khó có thể xảy ra.

Trên thực tế, nhóm đối tượng số 1 trong dự thảo Thông tư mới được giữ nguyên như Thông tư 11 ban hành năm 2014 của Bộ GD&ĐT.

Các năm trước, nội dung này cũng đã được đưa ra tranh luận vào mỗi kỳ tuyển sinh lớp 10.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, giám đốc một Sở GD&ĐT nhận định: "Dù tranh cãi, việc Bộ giữ nguyên quy định cộng điểm ưu tiên cao nhất cho con của người hoạt động cách mạng trước Cách mạng tháng Tám 1945 là hợp lý".

Vị lãnh đạo này phân tích, người hoạt động cách mạng thời điểm 1945 không còn nhiều và đều ở độ tuổi trên 90. Điều này có nghĩa, nếu có con 15 tuổi, họ sinh con vào khoảng trên 80 tuổi. 

"Độ tuổi này hiếm người còn sinh con, nhưng không phải là không thể sinh con", vị lãnh đạo nói.

Thông tư quy chế tuyển sinh cần có độ phủ tới hết các đối tượng tuyển sinh, không bỏ sót nên trường hợp này có thể rất hãn hữu nhưng hoàn toàn vẫn có khả năng xảy đến.

Ngoài ra, Thông tư cũ và dự thảo Thông tư mới đều không quy định đối tượng phải là con đẻ. Như vậy, con nuôi hợp pháp vẫn được chấp nhận. 

"Trong Thông tư cũ, Bộ không quy định mức điểm cộng cụ thể mà giao quyền tự chủ cho các Sở GD&ĐT. Ở dự thảo mới, Bộ khống chế mức điểm cộng tối đa là 2. Chênh lệch giữa các nhóm đối tượng giữ nguyên mức 0,5 điểm. Đây cũng là một đề xuất hợp lý", giám đốc Sở nêu quan điểm.

Vào kỳ tuyển sinh lớp 10 năm ngoái, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cũng đã giải thích với báo chí về việc cộng điểm cho đối tượng là con của người hoạt động cách mạng năm 1945.

Theo đó, ông Thành cho biết, đối tượng trên được tính cả con đẻ và con nuôi hợp pháp. Chính sách cũng cần được tính toán với độ trễ nhất định để không bỏ sót người đáng được hưởng chế độ ưu tiên, nhằm đảm bảo quyền lợi. 

Ngoài nhóm đối tượng kể trên, dự thảo Thông tư mới cơ bản giữ nguyên hai nhóm đối tượng còn lại như Thông tư cũ.

Cụ thể, nhóm đối tượng ưu tiên số 2 gồm: con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động, con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương bệnh binh mất sức lao động dưới 81%.

Nhóm đối tượng ưu tiên số 3 là người dân tộc thiểu số hoặc có cha mẹ là người dân tộc thiểu số; học sinh đang sinh sống, học tập ở các xã khu vực I, khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. 

Dự thảo cũng đề xuất 5 đối tượng được tuyển thẳng vào lớp 10. 

3/5 đối tượng được giữ nguyên theo quy định cũ gồm: học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở (THCS), học sinh là người dân tộc rất ít người và học sinh khuyết tật. 

2 đối tượng còn lại là học sinh THCS đạt giải trong các cuộc thi đối với các môn văn hóa, văn nghệ, thể thao cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức, hoặc phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc; học sinh THCS đạt giải quốc tế phải do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định chọn cử.