Giao quyền tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục và hiệu trưởng

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Luật Nhà giáo bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8.

Điểm mới đáng chú ý trong bản dự thảo này là nội dung tuyển dụng nhà giáo.

Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì hoặc phân cấp, ủy quyền cho cơ sở giáo dục.

Đối với cơ sở giáo dục được giao quyền tự chủ, hiệu trưởng được thực hiện việc tuyển dụng.

Với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng do nhà trường chủ trì theo quy chế tổ chức, hoạt động của trường.

Tương tự, đối với việc điều động, bố trí, bổ nhiệm nhà giáo, dự thảo Luật quy định các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.

Hiện tại, việc tuyển dụng giáo viên công lập thực hiện như tuyển dụng viên chức nói chung, do ngành nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện/tỉnh thực hiện.

Dự thảo Luật cũng quy định, phương thức tuyển dụng giáo viên có thể là 1 trong 2 hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển, song bắt buộc phải có thực hành sư phạm.

Bộ lý giải, yêu cầu này sẽ giúp gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng làm nhà giáo, lựa chọn được đúng người vào nghề.

Vẫn liên quan tới nội dung tuyển dụng giáo viên, Luật quy định các đối tượng được đặc cách, ưu tiên.

Nhóm đối tượng đặc cách, ưu tiên đầu tiên là giáo viên tài năng bao gồm: người có trình độ cao, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các ngành nghề truyền thống phù hợp với nghề dạy học.

Nhóm thứ hai là các người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người tốt nghiệp sư phạm cử tuyển hoặc theo đặt hàng giữa địa phương với cơ sở đào tạo.

Nhóm thứ ba là giáo viên đã có hợp đồng lao động trong cơ sở giáo dục từ 2 năm trở lên.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định rõ những người không được đăng ký tuyển dụng làm giáo viên. Số này bao gồm người đã có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người/

Với việc tuyển dụng giáo viên là người nước ngoài, Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm