TPHCM: Trường nghề thiếu người học vì Covid-19
(Dân trí) - Hơn 3 tháng giãn cách xã hội tại TPHCM ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tuyển sinh của các trường nghề. Nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu cho năm học 2021 - 2022.
Không còn chọn Sài Gòn làm "miền đất hứa"
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, TPHCM thực hiện giãn cách triệt để từ giữa tháng 7 cho đến hết tháng 9 đã phá vỡ kế hoạch tuyển sinh của các trường cao đẳng và trung cấp. Mọi hoạt động tuyển sinh gần như "đóng băng", các trường nghề trên địa bàn TPHCM hầu như đều không tuyển đủ chỉ tiêu cho năm học này.
Chia sẻ về tình hình tuyển sinh năm nay, thạc sĩ Võ Công Trí, Giám đốc Tuyển sinh - Truyền thông trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC) cho biết, so với kế hoạch tuyển sinh năm 2021, BKC mới đạt được 70% chỉ tiêu. Theo ông, tình hình tuyển sinh năm nay rất căng thẳng và khó khăn cho các trường, đặc biệt là các trường nghề.
Theo thống kê chung của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM, TPHCM có 392 trường, trong đó có 59 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 24 trung tâm giáo dục dạy nghề - giáo dục thường xuyên, 245 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2021 thì hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP chỉ tuyển sinh đạt khoảng 50% chỉ tiêu, có rất ít trường đạt hơn 70% chỉ tiêu như BKC.
Theo ông Võ Công Trí, năm nay trường nghề tuyển sinh kém có rất nhiều nguyên nhân, quan trọng nhất vẫn là việc các trường đại học hạ chuẩn tuyển sinh, cánh cửa vào đại học khá dễ khi các em chỉ xét học bạ và xét điểm thi THPT, chỉ tiêu ngày càng nhiều nên hút hết học sinh.
Ngoài ra, phần lớn sinh viên học tại các trường ở TPHCM là sinh viên ngoại tỉnh. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế nhiều gia đình khó khăn, không đủ tài chính cho con em theo học tại TPHCM nên họ chọn trường ở địa phương để theo học.
Khó khăn hơn là việc phải học online tại TPHCM khiến các học sinh ít mặn mà với trường nghề tại đây vì đặc thù của trường nghề là đào tạo thực hành nhiều. Nhiều học sinh đã chọn trường, đã đăng ký hồ sơ xong nhưng tới lúc nhập học, thấy phải học online lại xin chuyển sang trường ở gần địa phương.
Thạc sĩ Võ Công Trí chia sẻ: "Năm nay các em học sinh ở tỉnh có khuynh hướng chọn trường gần nhà, khác với xu hướng của mọi năm là chọn Sài Gòn làm "miền đất hứa".
Tích cực truyền thông hướng nghiệp để thu hút học viên
Khó tìm học viên trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là tình hình chung của hệ thống GDNN tại TPHCM trong năm học 2021 - 2022, nhưng bên cạnh đó vẫn có rất nhiều trường thu hút được đông học viên nhờ tích cực truyền thông, quảng bá và hướng nghiệp cho học sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng phụ trách trường Trung cấp Lê Thị Riêng cho biết, chỉ tiêu năm nay của trường là 200 nhưng đến nay đã tuyển được hơn 300 học viên trung cấp, mở thêm 5 lớp sơ cấp, vượt chỉ tiêu rất xa.
Thạc sĩ Thái Thủy Chung, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành cũng cho biết, kết quả tuyển sinh của trường đến nay là đã vượt cùng kỳ năm ngoái 20%.
Theo bà Thủy Chung, ảnh hưởng dịch bệnh nên trường nào cũng gặp khó khăn trong vấn đề tiếp cận học sinh. Tuy nhiên, trường đã sử dụng nhiều phương pháp truyền thông để tiếp cận người học, quảng bá các ngành nghề mà trường đào tạo để thu hút học viên.
Thạc sĩ Thái Thủy Chung chia sẻ: "Chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyển sinh, thực hiện các buổi tọa đàm chia sẻ về nghề nghiệp… để đưa các thông tin đến trực tiếp cho học sinh tham khảo".
Đặc biệt, trường thực hiện loạt chuyên đề "One day - One skill" để giới thiệu các nghề mà trường đào tạo với sự tham gia của các giáo viên, chuyên gia, người làm nghề để chia sẻ cho phụ huynh và học sinh hiểu rõ học nghề này là học những gì, ra trường làm gì, thu nhập ra sao, tương lai phát triển thế nào… Nhờ đó, học sinh dễ định hướng nghề nghiệp cho bản thân mình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh thì chia sẻ bí quyết để tuyển sinh vượt chỉ tiêu của trường mình là tích cực quảng bá hình ảnh trường, tìm mọi cách để giới thiệu đến phụ huynh và học sinh như gọi điện thoại trực tiếp đến các mối liên hệ để mời; chia sẻ thông tin tuyển sinh và nhờ mạng lưới thầy cô, học viên cũ chia sẻ giúp; tăng cường quảng bá trên hệ thống mạng xã hội…
"Trường được sự giúp đỡ của Hội GDNN TPHCM, tham gia các buổi tọa đàm trực tuyến quảng bá trên mạng xã hội, tiếp cận người học từ nhiều hình thức khác nhau nên năm nay tuyển sinh vượt qua mong đợi", Phó hiệu trưởng Trung cấp Lê Thị Riêng chia sẻ.