TPHCM: Trường học, giáo viên chủ động dạy học online lúc nghỉ tránh virus Corona
(Dân trí) - Trong thời gian HS được nghỉ để phòng dịch nCoV, nhiều trường học tại TPHCM áp dụng triệt để ứng dụng công nghệ trực tuyến để việc học không đình trệ. HS nhờ đó không bị quên kiến thức trong đợt nghỉ.
Chị Minh Khuê, phụ huynh có con học lớp 4 trường Quốc tế Việt Úc chia sẻ, dù những ngày này trường cho phép học sinh nghỉ tránh dịch do virus Corona (nCoV) gây ra nhưng việc học không vì thế mà gián đoạn.
“Hôm qua cô giáo vẫn gửi bài tập qua zalo nhờ phụ huynh nhắc con em mình làm bài. Ngoài ra, khi có điều gì chưa hiểu, con tôi vẫn trao đổi trực tiếp với cô giáo qua phần mềm classdojo. Đây là cách làm hay để các bé không quên bài dù nghỉ học khá dài”, chị Khuê nói.
Nếu như ở khối tiểu học, các giáo viên hướng dẫn các em ôn tập qua phần mềm classdojo khá hiệu quả thì ở khối trung học cũng có phương cách tương tự. Các giáo viên ở khối trung học tại Trường Quốc tế Việt Úc (cơ sở Phú Nhuận) đã tận dụng phần mềm Office 365 để giao bài tập cho các em trong thời gian này. Ngoài ra, thầy trò cũng tương tác với nhau để giải đáp các câu hỏi qua mạng xã hội như facebook, hoặc dùng skype.
Còn tại trường THCS Nguyễn Du (quận 1), nhà trường đã yêu cầu các tổ bổ môn chủ động ứng dụng CNTT trong hướng dẫn học sinh ôn tập bằng nhiều cách: quay clip hướng dẫn, giao bài tập online, trình chiếu power point...
Những bài giảng này sẽ được nhà trường đăng tải trên cổng thông tin điện tử của nhà trường để học sinh tiện theo dõi trong đợt nghỉ. Các tổ bộ môn của trường cũng đã tiến hành họp tổ online, bàn kế hoạch hướng dẫn các em ôn tập kiến thức.
Ngay trong ngày 4/2, trên trang cá nhân của mình, hai giáo viên tổ Ngữ văn của trường là thầy Võ Kim Bảo, cô Nguyễn Thị Hiền đã quay clip với khoảng gần 18 phút để dẫn học sinh tự học chương trình Ngữ văn lớp 9 của tuần 22, hướng dẫn ôn tập chuẩn bị cho kiểm tra một tiết.
Thầy Kim Bảo chia sẻ, ngoài đăng tải clip, các thầy cô cũng tận dụng mạng xã hội có trao đổi, trả lời những thắc mắc của học sinh liên quan đến bài học và trao đổi với phụ huynh.Thậm chí là video call để trao đổi bài theo group lớp.
Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cũng yêu cầu khối trưởng và tổ trưởng chuyên môn soạn bài tập giao cho học sinh trong tuần. Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ chuyển bài tập này qua email hoặc Viber và đôn đốc học sinh làm.
Theo lãnh đạo trường, việc nghỉ một tuần không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch học tập năm học. Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải nghỉ lâu hơn thì phương án học trực tuyến cần được áp dụng.
Tương tự, ở cấp THPT các trường và nhiều giáo viên trẻ cũng áp dụng triệt để cách học trực tuyến này. Hiệu trưởng của Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) cũng đã yêu cầu tổ trưởng các môn soạn bài tập, giao cho học sinh ở nhà.
Ở khối 12, giáo viên tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia, trong khi khối dưới chú trọng môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh. Thầy cô giao bài cho học sinh qua Viber, các nhóm lớp trên mạng xã hội hoặc phần mềm 789.vn. Giáo viên tương tác với học sinh để giải đáp thắc mắc, bài tập khó hoặc ôn lại kiến thức cũ.
Lãnh đạo trường này chia sẻ,” lượng bài tập giao cho các em vừa phải, trọng tâm. Chủ yếu là để học sinh không xao nhãng việc ôn bài, bởi các em vừa trải qua kỳ nghỉ hơn hai tuần rồi”
Để tăng tính hiệu quả của việc học trực tuyến, giáo viên bộ môn sẽ kiểm tra 15 phút học sinh sau kỳ nghỉ. Nội dung bài kiểm tra tương tự bài thầy cô đã giao.
Ngay ngày học sinh được nghỉ, thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên Vật lý trường THPT Ernst Thälmann (quận 1) đã quay video rồi đưa lên Youtube các nội dung giảng về lý thuyết cho học sinh theo dõi. Ngoài ra, thầy giáo này còn đăng bài kiểm tra và đưa ra thời gian làm bài là một tiếng.
Theo thầy Tùng, đề kiểm tra giao qua mạng có tính tương tác, học sinh dễ dàng trao đổi với nhau. Do đó, việc đặt câu hỏi cũng phải khác trên lớp để kích thích các em xem lại bài cũ. Ngày thường, thầy cùng học sinh ba lớp khối 10, hai lớp khối 11 thường trao đổi trên Facebook nên mọi việc không mấy lạ lẫm. Học sinh làm bài xong, thầy sẽ livestream trên mạng xã hội để sửa bài.
Ở bậc ĐH, nhiều trường cũng thực hiện học trực tuyến như Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) triển khai nhiều dạng flipped classroom (lớp học lật ngược); trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, trường ĐH Văn Lang…
Lê Phương