Top những ngành có tỷ lệ tuyển sinh đại học cao nhất
(Dân trí) - Theo Bộ GD&ĐT, những ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất rơi vào lĩnh vực kinh doanh và quản lý. Ngành tuyển sinh thấp nhất là nông lâm nghiệp, thủy sản; khoa học tự nhiên; dịch vụ xã hội.
Kinh doanh, quản lý cao nhất
Theo báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm của Bộ GD&ĐT, năm 2022 có 521.263 thí sinh nhập học đại học, đạt tỷ lệ 83,39%, cao hơn số nhập học năm 2020 và 2021.
Trong số 330 cơ sở đào tạo có 194 cơ sở đào tạo, chiếm tỷ lệ 58,67% có tỉ lệ nhập học đạt trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.
Theo Bộ GD&ĐT, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn, trong đó nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ cao nhất, 24,54%; máy tính và công nghệ thông tin đứng thứ 2 với 11,79%; công nghệ kỹ thuật 9,18%; nhân văn 8,68%; sức khỏe 6,35%; sư phạm 5,09%...
Những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê chiếm 0,40% tỷ lệ tuyển sinh.
Phần lớn cơ sở đào tạo đã tuyển được số lượng đạt tỷ lệ cao so với chỉ tiêu, bên cạnh đó cũng có một số cơ sở tuyển sinh khó khăn, nhất là ở một số lĩnh vực và ngành đào tạo.
Thậm chí có thể cùng một ngành nhưng trường này tuyển sinh rất tốt trong khi trường khác lại tuyển sinh kém.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, điều này đặt ra những quan ngại về chất lượng đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học.
Nông lâm nghiệp và thủy sản bị "ghẻ lạnh"
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, bốn lĩnh vực: Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội và Khoa học sự sống đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất trong 3 năm qua.
Cụ thể, nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng, các cơ sở đào tạo tuyển kém chủ yếu do một số nguyên nhân: Chưa đủ uy tín, thương hiệu để hấp dẫn thí sinh, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội, ngành đào tạo hẹp, ngành mới thí điểm đào tạo, ngành thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
Mức độ cạnh tranh giữa các trường đại học cũng như giữa các ngành ngày càng gia tăng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, năm 2022, số cơ sở đào tạo tuyển kém là 64/330 tổng số ngành; số ngành tuyển kém/tổng số ngành là 94/440.
Bà Thủy cho rằng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải thực hiện nghiêm việc báo cáo lên hệ thống chung; không gọi thí sinh nhập học sớm mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống làm mất cơ hội khác của thí sinh khi không được tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng, các trường đại diện cần tập trung điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo để thu hút thí sinh, đây là giải pháp đường dài để tạo niềm tin cho người học, cho xã hội.
Tại Hội nghị tuyển sinh sáng 3/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, so với nhiều năm trước đây, công tác thi và tuyển sinh đã trở nên nhẹ nhàng, giảm bớt áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, ngày càng công bằng hơn, tạo cơ hội thuận lợi lựa chọn các ngành học tốt nhất cho thí sinh.
Tuy nhiên, mỗi năm, bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn những sai sót, bất cập, cần phải nhìn nhận, đánh giá thấu đáo, bởi mỗi sai sót nhỏ có thể tác động rất lớn đến toàn hệ thống.
Đặc biệt, vấn đề tuyển sinh không chỉ là việc riêng của mỗi trường đại học mà là sân chơi chung của các trường đại học trong hệ thống, là trách nhiệm của toàn ngành.