Tổng Liên đoàn LĐVN yêu cầu ĐH Tôn Đức Thắng cung cấp bảng lương
(Dân trí) - Ngày 26/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có công văn gửi trường ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu cung cấp bảng tiền lương của một số vị trí lãnh đạo của nhà trường.
Như Dân trí đã đưa tin, trước đó, ngày 23/10, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức họp báo, thông tin về một số nội dung hoạt động công đoàn; trong đó, có việc xử lý kỷ luật ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Tại buổi họp báo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về việc chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa đảm bảo công khai, minh bạch, có chênh lệch lớn trong phân phối thu nhập giữa hiệu trưởng, trợ lý hiệu trưởng với các phó hiệu trưởng và phần lớn cán bộ, giảng viên, nhân viên.
Cụ thể, lương bình quân tháng 8/2020 của nhà trường đối với viên chức giảng dạy là hơn 23,7 triệu đồng, lương bình quân của viên chức hành chính là hơn 22,5 triệu đồng. Còn lương bình quân của lao động giản đơn là hơn 13,4 triệu đồng.
Trong khi đó, lương tháng 8/2020 của của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng là hơn 556 triệu đồng/tháng, của trợ lý hiệu trưởng là hơn 255 triệu đồng/tháng, còn lương của người được giao phụ trách trường là hơn 72,7 triệu đồng/tháng.
Sau khi báo chí đưa thông tin trên và trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có lý giải về mức lương của ông Lê Vinh Danh và giảng viên của trường.
Một thành viên trong Hội đồng chính sách tiền lương của trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, Nhà trường chưa có bảng lương nào trả cho ông Danh ở mức lương 556 triệu/tháng như thông tin trên.
Cụ thể, hàng tháng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) thanh toán thu nhập cho nhân sự theo ba khoản chính gồm: lương cơ bản, các khoản phụ cấp và thu nhập theo năng lực, phụ cấp thi đua căn cứ theo Quy chế chi tiêu nội bộ và việc đánh giá thi đua hàng năm.
Tổng cộng 3 khoản trên của ông Danh là 407 triệu/tháng, trong đó các khoản phụ cấp và thu nhập theo năng lực, phụ cấp thi đua (là mức thu nhập không có tính ổn định hàng năm), sau trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản phải nộp khác theo quy định, thực nhận của ông Danh còn khoảng 286 triệu đồng/ tháng.
Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh Covid-19, để dự phòng rủi ro tài chính trước nguy cơ dịch bệnh kéo dài, giảng viên, viên chức nhà trường đã tự nguyện nhận lương ít hơn trong các tháng 3 và 4/2020, phần còn lại cho phép Nhà trường chậm trả, để chia sẻ khó khăn với Nhà trường.
Ngay khi dịch bệnh được kiểm soát ổn định, trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thực hiện ngay việc hoàn trả khoản thu nhập đó cho GVVC. Trong ba tháng này, ngoài mức thu nhập bình thường của GVVC thì họ còn được nhận lại một phần thu nhập của tháng 3 và 4/2020.
Theo đó, trong tháng 8/2020 ông Danh đã được nhận thu nhập của một tháng 8/2020 và một khoản thu nhập của tháng 3 và 4/2020. Vì thế, số tiền thu nhập ông Danh nhận được trong tháng 8/2020 là 556 triệu đồng.
Ngày 26/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có công văn gửi trường ĐH Tôn Đức Thắng yêu cầu trả lời phản ánh báo chí liên quan đến tiền lương tại trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị lãnh đạo nhà trường, phòng tài chính và các bộ phận có liên quan nhà trường cung cấp bảng tổng hợp tiền lương và thu nhập từ tháng 1/2019 đến tháng 10/2020 tại trường ĐH Tôn Đức Thắng của ông Lê Vinh Danh nguyên hiệu trưởng, ông Trần Trọng Đạo đại diện điều hành nhà trường, ông Võ Hoàng Duy, Phó Bí thư Đảng ủy trường và một số cán bộ chủ chốt của nhà trường.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Bảng tổng hợp được chi tiết từng cá nhân nêu trên, từng khoản thu nhập, từng tháng được ký xác nhận của lãnh đạo trường về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trước ngày 28/10/2020.
Nhận định về cách trả lương của trường ĐH Tôn Đức Thắng, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường chính sách công và quản lý Fulbright, hiện đang là học giả nghiên cứu tại Đại học Indiana Hoa Kỳ cho biết, cơ chế tiền lương và phân bổ thu nhập của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chính là chìa khoá hay cách thức giải quyết bài toán mà Việt Nam đã đau đầu trong nhiều năm qua.
Với cách làm, trả thu nhập của các vị trí tương xứng với công sức của mỗi cá nhân bỏ ra và họ đóng thuế đầy đủ, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã thiết kế ra được cơ chế mà những ai có khả năng là có thể phát huy và sống khỏe bằng chuyên môn và năng lực của mình.