Tình yêu trong mắt sinh viên GenZ: Yêu không cần phải cam kết lâu dài?

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Sinh viên thế hệ GenZ nghĩ gì về tình yêu? Ba bạn trẻ trong cuộc trò chuyện dưới đây mang những suy nghĩ khác nhau nhưng đều gặp nhau ở quan điểm yêu không ràng buộc.

"Khi yêu và khi không yêu, cuộc sống vẫn vậy" (Tô Hoàng Nam, SN 2002, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội)

Tôi có bạn gái từ năm lớp 11. Thời đó, tình yêu với tôi dường như là tất cả. Tôi thích mọi thứ của đối phương và lúc nào cũng thường trực tâm lý kiểm soát, sở hữu, muốn bạn ấy chỉ là của riêng mình. Bản thân tôi cũng thấy tình yêu làm mình mất đi sự tự do. Là tự mình muốn như vậy chứ không ai kiểm soát mình cả.

Tuy đó là tình cảm tuổi học trò nhưng cũng rất sâu đậm, vì bạn ấy là người đầu tiên tôi yêu hẳn hoi. Tức là trước đó tôi cũng có một vài mối quan hệ, cũng thích thích, rồi tán, tán được rồi thì chán, rồi bỏ, rồi quên luôn. Đến khi mình yêu hẳn hoi thì lúc chia tay mình không thản nhiên được nữa. Tôi nhớ bản thân đã rất buồn phiền, chán nản, thậm chí suy nghĩ tiêu cực.

Giờ khi đã ngoài 20, đi qua thêm một vài mối quan hệ không đến đâu nữa, tôi thấy tình yêu tự do hơn. 

Tình yêu trong mắt sinh viên GenZ: Yêu không cần phải cam kết lâu dài? - 1

Tô Hoàng Nam, SN 2002, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Tôi nhận ra, khi yêu, nếu mình suy nghĩ cởi mở, chấp nhận được những khác biệt của nhau, hay người ta vẫn gọi là không hợp ấy, thì có thể yêu nhau lâu dài. Còn nếu ngay từ đầu đã không chấp nhận được, xem đó là những tính xấu của đối phương, thì nên chia tay.  

Vì thế, nếu cần định nghĩa tình yêu, thì với tôi, tình yêu là rung động và chấp nhận con người của nhau như họ vốn là. 

Trong tình yêu, điều quan trọng nhất là niềm tin. Có tin nhau mới yêu nhau được. Yêu không cần phải cam kết lâu dài, chỉ cần lúc nào còn ở bên nhau thì còn cảm xúc, còn tôn trọng nhau. 

Cam kết cưới xin thì càng không vì không gì là chắc chắn 100% và không gì là mãi mãi, tôi nghĩ thế.

Với những người trẻ như tôi, tình yêu làm cho cuộc sống trở nên thú vị hơn, nhiều yêu thương hơn, nhưng tình yêu không phải là tất cả. Khi yêu và khi không yêu, cuộc sống vẫn vậy. Vẫn đi học, đi làm, có thời gian thì đi chơi với người yêu. Tình yêu không phải điều được ưu tiên hàng đầu.

"Không nên cam kết lâu dài vì tình cảm là điều không thể nói trước" (Bùi Hương Giang, SN 2004, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội)

Tôi có bạn trai từ năm nhất đại học. Đó là một người bạn mà tôi biết từ cấp 3, hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ cũng như tính cách của nhau.

Tình yêu sinh viên rất trong sáng, không phải lo nghĩ gì, không vướng bận gì. Chúng tôi thường gặp nhau khi không bận lịch học hay làm thêm. Có một người để quan tâm và được quan tâm, để chia sẻ và được chia sẻ mang đến cho mình những niềm vui nhẹ nhàng, âm ỉ, rất dễ chịu.

Tình yêu trong mắt sinh viên GenZ: Yêu không cần phải cam kết lâu dài? - 2

Bùi Hương Giang, SN 2004, sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Tuy vậy, cũng có những lúc hai đứa trăn trở. Vì cùng đi học xa nhà, còn đang tiêu tiền của bố mẹ, nên mỗi lần đi chơi chúng tôi thường phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều xem đi đâu, chơi gì, tiêu gì để ít tốn kém nhất. 

Rồi có lúc tâm sự với nhau về công việc sau này, nếu lúc ra trường vẫn còn yêu nhau thì sẽ làm việc ở đâu, liệu có cảnh anh về quê còn em ở lại thành phố hay không, yêu xa thì có yêu tiếp được hay không… 

Dù nghĩ về tương lai, tôi không đòi hỏi sự cam kết lâu dài hay cam kết cưới xin khi yêu. Tình cảm là điều không thể nói trước. Tình yêu có bền hay không phụ thuộc vào tính cách mỗi người, vào sự biến thiên tình cảm hai người dành cho nhau và đôi khi phụ thuộc vào hoàn cảnh nữa.

Điều quan trọng là khi còn yêu nhau thì phải tin tưởng, quan tâm và chia sẻ.

"Khi yêu, mình có lý do để đẹp hơn mỗi ngày" (Hoàng Phương Thanh, SN 2003, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội)

Mối quan hệ tình cảm khác giới đầu tiên của tôi có vào năm lớp 10. Nhưng không biết có thể gọi đó là tình yêu không. Giờ nghĩ lại, tôi thấy nó giống tình bạn hơn, hoặc gọi là "trên tình bạn dưới tình yêu". 

Ba năm cấp 3 đi chơi với nhau được đâu đó đôi ba lần, thỉnh thoảng chở nhau đi học, dăm bữa nửa tháng lại cãi nhau, đòi chia tay, xưng hô "mày - tao".

Bây giờ có bạn trai ở tuổi sinh viên, mình đã trưởng thành hơn, không cãi nhau vì những chuyện nhảm nữa, không xưng hô bằng vai phải lứa mà gọi "anh - em". Bạn trai ở tuổi này cũng quan tâm tới mình hơn. Hai bên hay hỏi han nhau từ những chuyện nhỏ nhặt nhất.

Tình yêu trong mắt sinh viên GenZ: Yêu không cần phải cam kết lâu dài? - 3

Hoàng Phương Thanh, SN 2003, sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội (Ảnh: NVCC).

Với tôi, tình yêu là khi nhìn thấy đối phương mình cảm thấy vui, hạnh phúc, có thể chia sẻ mọi thứ mà không cần và không muốn che giấu cảm xúc.

Cũng vì không cần che giấu cảm xúc nên có những tính xấu nào thì mình cũng dễ bộc lộ nhất với người mình yêu. Nói đúng hơn là người mình yêu là người đầu tiên phải hứng chịu những cơn xấu tính của mình. Tôi thấy bản thân mình rất dễ mất kiên nhẫn và bảo thủ. Ngược lại, tôi cũng phải chịu cái tính chấp vặt của đối phương.

Tuy thế thì tôi vẫn thấy tình yêu đẹp. Có một người để thoải mái trò chuyện, tâm sự, được bạn cưng chiều, đôi khi không nhất thiết dịp gì vẫn được bạn tặng quà. Nhất là bản thân mình có lý do để đẹp hơn, vì mình thích cảm giác thấy mình đẹp khi ở cạnh người yêu.

Chúng tôi còn rất trẻ, nên yêu thì cứ yêu thôi, không ai cam kết lâu dài hay chuyện cưới xin. Cả hai đều chung quan điểm, trong tình yêu, điều quan trọng nhất là niềm tin và sự quan tâm, chứ không phải những lời hứa hẹn hay cam kết để ràng buộc nhau.