Tình yêu sinh viên: Làm sao để tiếp tục sau khi ra trường?
(Dân trí) - Giữa những bước chuyển mình quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt sau khi ra trường và tìm kiếm việc làm, nhiều bạn trẻ ngậm ngùi chia tay mối tình thời sinh viên vì những thay đổi lớn trong tâm lý.
Tình yêu thời thanh xuân đầy mộng mơ và hoài bão luôn là những câu chuyện tình đẹp nhiều người trẻ ao ước. Những cuộc tình chớm nở dưới mái trường Đại học, cùng đồng hành trong quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ bởi đó là khi tình yêu chỉ đơn thuần là cảm xúc, không cần suy nghĩ và áp lực về tiền bạc, sự nghiệp, kinh tế.
Yêu và chia tay sau khi bước qua quãng thời gian sinh viên mơ mộng phải chăng cũng là quy luật thường thấy của tình yêu?
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng, Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Ngân (Giám đốc Trung tâm tư vấn và chăm sóc rối nhiễu tâm trí) chia sẻ: "Khi cả hai người cùng đang có chung nhiệt huyết tuổi trẻ, cùng mang trong mình ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp, họ thường cùng nhau cố gắng, động viên nhau đi qua khó khăn.
Tưởng chừng như tình yêu "đồng cam cộng khổ" là tình yêu bền vững nhất vậy mà, khi bước vào cuộc sống mới của người trưởng thành, với bộn bề công việc, có rất nhiều tình yêu đã không thể đứng vững".
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong tình yêu ở giai đoạn này, chuyên gia Nguyễn Hạnh Ngân nhấn mạnh 2 điểm chủ yếu:
Do sự khác nhau về công việc sau khi ra trường
Giảng đường đại học là nơi nên duyên của rất nhiều mối tình đẹp. Một môi trường năng động, tự do, thoải mái, được phụ huynh "trợ cấp, bao nuôi" hàng tháng. Vậy nên gần như chỉ có một áp lực duy nhất cần quan tâm đến là: Thi qua môn.
Nhưng khi bước vào giai đoạn sau ra trường, mỗi người sẽ phải đối mặt với rất nhiều áp lực khác nhau: Áp lực xin việc đúng chuyên ngành, đúng sở thích, đúng khả năng, áp lực về kinh tế, áp lực về các mối quan hệ công sở, áp lực về hình ảnh bản thân đang xây dựng...
Có rất nhiều bạn trẻ khi mới ra trường không thể tự cân bằng khi đứng trước những áp lực vô hình này, dẫn đến tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực. Các bạn có thể rất vui vẻ, hòa đồng với đồng nghiệp, với các mối quan hệ xã giao nhưng lại thường xuyên gắt gỏng với những người thân yêu bên cạnh mình.
"Có thể những câu hỏi han quan tâm của người yêu trước đây là sự an ủi lớn khi bản thân gặp khó khăn, nhưng giờ đây lại trở thành những lời soi mói về công việc và bản thân. Điều đó khiến bạn dần dần cảm thấy phiền phức với những sự quan tâm, chia sẻ từ phía người yêu. Lâu dần tình yêu mất đi sự thông cảm, chia sẻ, tôn trọng, tình cảm không còn cùng nhau vun đắp thì kết quả chắc chắn là chia tay.
Chia tay ở thời điểm này sẽ khiến bạn thoải mái bởi bạn không cần phải trả lời những câu hỏi của người yêu, không cần bận tâm cô ấy/anh ấy đang thế nào, nếu giận thì mình phải làm sao... Bạn sẽ thấy rất thoải mái với cuộc sống độc thân mới lạ này. Nhưng đã bao giờ bạn nhìn lại, liệu quyết định chia tay có phải là quyết định đúng đắn nhất? Liệu mình có bỏ lỡ người phù hợp nhất với bản thân hay không?", chuyên gia bày tỏ.
Nguyên nhân thứ hai, sự thay đổi về nhân sinh quan
Thạc sĩ Nguyễn Hạnh Ngân cho biết, môi trường làm việc sau khi ra trường là một môi trường hoàn toàn mới với tất cả các bạn trẻ. Bạn sẽ được gặp gỡ và học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp, đối tác… Và bản thân bạn bắt buộc phải thay đổi để phù hợp với môi trường mới. Môi trường mới rộng mở hơn đồng nghĩa với việc bạn có nhiều hơn những lựa chọn cho cuộc đời mình. Và khi đó, người yêu không phải là điều đặc biệt duy nhất trong cuộc đời của bạn nữa.
Bạn sẽ gặp những anh chàng bảnh bao, giỏi ăn nói, biết quan tâm hay những cô nàng gợi cảm, đáng yêu, sâu sắc hơn người yêu mình. Như một trạng thái tâm lý thường thấy, chúng ta dễ dàng so sánh những điều quen thuộc và những điều mới mẻ.
Bên cạnh đó, việc thay đổi môi trường từ giảng đường đại học ít có sự cạnh tranh trực tiếp đến lợi ích cá nhân so với môi trường làm việc đầy rẫy sự ganh đua để khẳng định bản thân, khiến chúng ta ít nhiều có sự thay đổi về mong muốn và kỳ vọng của bản thân đối với người bên cạnh mình.
Chắc hẳn sẽ có những lần "giá như": Giá như anh ấy/cô ấy có điều kiện tốt hơn thì có thể giúp đỡ mình rồi, giá như anh ấy/cô ấy quan tâm mình hơn… Những thay đổi về nhân sinh quan, cách cảm nhận cuộc sống đã khiến chúng ta đưa ra quyết định rời bỏ mối quan hệ cũ, để tìm đến một mối quan hệ mới đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng của bản thân ở thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, đã có không ít các cặp đôi chia tay sau khi ra trường.
Vậy nếu đang trong giai đoạn khủng hoảng này, nhưng chúng ta vẫn muốn cùng nhau bước qua, hãy nhớ:
Quan tâm, chia sẻ với đối phương từ những điều nhỏ nhất.
Tôn trọng khoảng thời gian riêng tư của mỗi người để tự nhìn nhận, đánh giá về bản thân và những vấn đề xung quanh mối quan hệ này.
Tạo sự tin tưởng cho đối phương.
Thẳng thắn trao đổi khi có mâu thuẫn.
Đặt ra những kế hoạch dài hạn, ngắn hạn để cùng nhau thực hiện.
Dành thời gian để cùng nhau nghỉ ngơi, vun đắp tình cảm.
"Tình yêu là cảm xúc, cảm xúc không thể gượng ép nhưng có thể vun đắp từ những điều đơn giản nhất. Giữa những giai đoạn chuyển giao mang tính quyết định trong cuộc đời, những người trẻ không thể tránh khỏi sự thay đổi trong tâm lý dẫn đến sự rạn nứt trong tình cảm. Hy vọng với những chia sẻ trên các bạn trẻ có thêm sự chuẩn bị tinh thần tốt nhất để cùng nhau đối mặt và vượt qua giai đoạn khủng hoảng", chuyên gia chia sẻ.