Thực hư việc học sinh sinh năm 2006 không đỗ đại học sẽ phải học lại cấp 3

Huyên Nguyễn

(Dân trí) - Trong một diễn đàn về giáo dục, thông tin học sinh sinh năm 2006 không đỗ đại học sẽ phải học lại kiến thức 3 năm bậc THPT mới có thể thi lại. Điều này khiến không ít thí sinh tuổi Bính Tuất lo lắng.

Thực hư việc học sinh sinh năm 2006 không đỗ đại học sẽ phải học lại cấp 3 - 1

Học sinh Trường THPT Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) nghe tư vấn tuyển sinh đại học (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Trên một diễn đàn giáo dục có tiếng, học sinh đang bàn luận sôi nổi về chủ đề thi đại học của lứa 2k6 (sinh năm 2006).

Theo đó, những  học sinh sinh năm 2006 sẽ là năm cuối cùng học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ. Từ lứa 2007 trở đi, học sinh học và thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - một chương trình mới với nhiều thay đổi lớn về mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục.

"Điều này có nghĩa là gì cho các bạn 2k6 (sinh năm 2006 - PV)? Nếu các bạn không thi đỗ đại học, thì các bạn sẽ phải thi lại vào năm sau theo chương trình mới. Điều này có thể gây ra nhiều khó khăn cho các bạn 2k6 bởi vì các bạn sẽ phải học lại kiến thức 3 năm học theo chương trình mới, với những môn học bắt buộc và tự chọn khác nhau. Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học dự kiến cũng sẽ được thay đổi để phù hợp với chương trình giáo dục mới" - diễn đàn nêu vấn đề.

Tại phần bình luận, học sinh bày tỏ nhiều lo lắng và hối thúc nhau học tập thật tốt.

Phụ huynh tên Vân - có con học lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) chia sẻ nỗi lo tương tự tại chương trình tư vấn tuyển sinh "Cùng con vào tương lai" được tổ chức mới đây.

"Con chúng tôi đang học lớp 11, năm sau nếu thi rớt và thi lại thì sẽ thi với lứa học chương trình mới. Như vậy rất khó khăn", chị Vân bày tỏ.

Trả lời về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng quyền tuyển sinh thuộc về các trường đại học. Các cơ sở giáo dục sẽ công bố phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức.

Nếu thí sinh học chương trình cũ xác định thi lại năm sau thì rõ ràng phải chấp nhận "cuộc chơi" khi khóa sau được giảng dạy theo mô - túyp, phương pháp mới, được tiếp cận theo năng lực nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, kiến thức giữa hai chương trình có nhiều nội dung cơ bản, không quá khác biệt, các tổ hợp xét tuyển đại học cũng luôn có môn chính như toán, văn, ngoại ngữ. Vì thế, thí sinh cũng không quá lo lắng.

Dù vậy, bà Thủy khuyên rằng hiện các trường có rất nhiều phương thức tuyển sinh với những cơ hội từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ hay thi đánh giá năng lực. Do đó, học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.

"Các em nên tập trung đầu tư ngay từ bây giờ và thi tốt nghiệp THPT với kết quả tốt nhất, cùng với đó, sử dụng thêm các phương pháp khác để trúng tuyển ngay từ năm đầu tiên" - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khuyên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm