Thực hiện Thông tư 30: Giáo viên thiếu thời gian

(Dân trí) - Sổ sách hành chính, những công việc “ngoài lề” chuyên môn đã lấy đi quá nhiều thời gian, công sức của người thầy. Mà thời gian đó, công sức đó lẽ ra học trò được hưởng.

Sổ sách “xén” thời gian của học trò

Việc nhiều giáo viên (GV) tiểu học sử dụng dấu mộc in sẵn lời nhận xét hay rất nhiều chiêu thức để “ứng phó” với việc thực hiện Thông tư 30 là điều không hề bất ngờ. Bởi một thực tế hiện hữu: GV thiếu thời gian để chú tâm vào học trò khi họ đang phải kham quá nhiều công việc, đặc biệt là “nặng gánh” về hồ sơ sổ sách.

Áp lực sổ sách của giáo viên đang lấy mất rất nhiều thời gian, sự quan tâm mà học trò được hưởng
Áp lực sổ sách của giáo viên đang lấy mất rất nhiều thời gian, sự quan tâm mà học trò được hưởng.
 
Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét bắt đầu được thực hiện từ ngày 15/10/2014. Về việc đánh giá học sinh tiểu học, theo bạn, giáo viên nên:
Vẫn cho điểm như trước
Không cho điểm, giáo viên trực tiếp viết nhận xét
Không cho điểm, giáo viên đóng dấu lời phê theo mẫu
Khác
  
Ngoài thời gian lên lớp, những hoạt động liên quan đến chuyên môn như dự giờ, bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra… GV tiểu học phải tham gia vô số các hoạt động phong trào. Không ít nơi GV còn phải đứng ra kiêm luôn công việc của thủ quỹ, kế toán lãnh nhiệm vụ thu các loại tiền từ HS.
 
Và rất nhiều loại sổ sách mà GV phải hoàn thành. Bên cạnh các loại sổ sách theo điều lệ (gồm giáo án, sổ ghi kế hoạch giảng dạy, sổ điểm cá nhân, sổ chủ nhiệm) thì thực tế phát sinh rất nhiều loại sổ sách khác.

Sổ liên lạc, học bạ, họp khối, họp chuyên môn, họp hội đồng, phiếu dự giờ, bồi dưỡng thường xuyên, các hoạt động phong trào cũng phải có phải có sổ kế hoạch, sổ thu tiền… Tính ra có khoảng trên dưới 20 loại sổ GV phải thực hiện thường xuyên. Để nhớ hết các loại sổ của mình, có GV còn phải trang bị thêm sổ tay “ghi lại các sổ”.

Thời gian dành cho sổ sách quá nhiều, lâu nay GV thường xuyên phải mang về nhà để hoàn thành. Áp lực hành chính sổ sách chưa được giải quyết thì Thông tư 30 đánh giá HS bằng nhận xét đi vào trường học lại “ập” xuống đầu GV cơ số các loại sổ nữa. Vậy nên việc thay đổi đánh giá đã bị “bật lại” bằng những cách làm hình thức từ người thầy.

Đây chính là “cái tội” đối với HS mà dù muốn hay không thì GV chính là người trực tiếp gây ra. Bởi họ rơi vào thế thiếu thời gian để đầu tư, chú trọng đánh giá một cách hiệu quả cho HS. 

Sổ sách hành chính, những công việc “ngoài lề” chuyên môn đã lấy đi quá nhiều thời gian, công sức của người thầy. Mà thật ra đang lấy đi của HS sự quan tâm, chất lượng dạy học hiệu quả nhất từ người thầy mà lẽ ra các em cần được hưởng.

“Giải phóng” cho thầy và trò

Thông tư 30 đưa vào trường học đối diện với rất nhiều khó khăn như điều kiện sĩ số HS đông, GV hạn chế về khả năng đánh giá nhận xét, chương trình học còn nặng…

Những điều kiện này chưa thể thay đổi trong ngày một, ngày hai nhưng có thể cải thiện nhờ vào đội ngũ GV. Nếu cởi được áp lực của những công việc hành chính không đáng có, người thầy hoàn toàn có thể dốc sức lực, tâm huyết cho học trò. Cũng như để tập trung đầu tư nâng cao năng lực nhằm đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục. Âu đó cũng là quyền lợi của thầy lẫn trò. 

Thời gian, công sức của người thầy cần được tập trung tối đa cho học trò
Thời gian, công sức của người thầy cần được tập trung tối đa cho học trò.

Theo lời một nhà giáo, khó khăn lớn nhất của GV khi thực hiện Thông tư 30 chính là việc thiếu thời gian thì giải pháp là cần tăng thời gian cho họ. Việc cần làm ngay là “trả lại thầy cho HS” chứ đừng loay hoay và tiếp tục “xén” thời gian các em cần được hưởng bằng những nhận xét sáo rỗng, đối phó.

“Quản lý giáo dục cần phải đổi mới một cách triệt để, đó là phục vụ GV. GV cần được đứng ở vị thế người được phục vụ - cũng là nhằm phục vụ HS. Khi được phục vụ, GV phải được tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho việc dạy học.” - TS Nguyễn Hữu Hợp

Đồng tình với ý kiến này, TS Nguyễn Hữu Hợp (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho hay nhiều GV đồng tình với mục đích của Thông tư 30 bỏ đánh giá bằng điểm số chuyển sang nhận xét nhưng họ không ủng hộ chủ trương phần lớn là vì gánh nặng sổ sách. Việc thực hiện còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng GV đánh giá đối phó như khắc dấu, nhận xét trước cả tuần…

“Điều quan trọng nhất là cần phải “giải phóng” sức lao động cho GV. Cụ thể là giải phóng những loại hồ sơ, sổ sách vô bổ mất nhiều thời gian, gây ứng chế cho GV. Vì thực tế GV thực hiện những việc này chỉ để đối phó với thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý giáp dục” - TS Nguyễn Hữu Hợp nhấn mạnh.

Nhằm giảm áp lực sổ sách cho GV trong việc đánh giá bằng nhận xét, TS Nguyễn Hữu Hợp đưa ra một số giải pháp như: cho phép GV sử dụng sổ điện tử thay cho sổ giấy; cho phép GV chỉ ghi nhận xét những trường hợp cần thiết, tập trung vào những HS có năng khiếu hoặc có nhiều lỗi, còn những HS khác chỉ cần ghi nhận xét vào cuối học kỳ, cuối năm…

Về phía quản lý, chỉ nên coi các loại hồ sơ, sổ sách là công cụ của GV; không kiểm tra và đánh giá GV qua những thứ giấy tờ này mà đánh giá GV qua sự tiến bộ của HS sau một năm học.

Hoài Nam
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm